Tòa Soạn - Bạn đọc
Một số nội dung cơ bản của Luật Điều ước quốc tế 2016
Ngày 29/4/2016, Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 11 thông qua Luật Điều ước quốc tế (thay thế Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế năm 2005) và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2016. Luật có 10 chương, 84 điều với nhiều nội dung mới.
Họp giao ban công tác tư pháp quý II năm 2016. Ảnh: T.Sơn
Thứ nhất, Luật sửa đổi, bổ sung định nghĩa về điều ước quốc tế. Theo đó, điều ước quốc tế là “thỏa thuận bằng văn bản được ký kết nhân danh Nhà nước hoặc Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam với bên ký kết nước ngoài, làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo pháp luật quốc tế, không phụ thuộc vào tên gọi là hiệp ước, công ước, hiệp định, định ước, thỏa thuận, nghị định thư, bản ghi nhớ, công hàm trao đổi hoặc văn kiện có tên gọi khác” (khoản 1 Điều 2). Đây là điểm mới rất cơ bản, có tính bao trùm, tác động đến nhiều nội dung trong Luật, khái niệm này được chỉnh sửa cho phù hợp với quy định của Công ước viên về Luật Điều ước năm 1969. Theo đó, những văn kiện nào đáp ứng đầy đủ tiêu chí của một điều ước quốc tế sẽ phải tuân theo quy trình đàm phán, ký kết quy định trong Luật. Các tuyên bố, cam kết chính trị nếu không tạo quyền và nghĩa vụ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo luật pháp quốc tế thì không được coi là điều ước quốc tề và việc ký kết các văn kiện này sẽ được thực hiện theo quy định chung về thống nhất quản lý hoạt động đối ngoại.
Thứ hai, Luật cụ thể hóa các quy định mới của Hiến pháp năm 2013 về thẩm quyền của Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ trong việc ký kết, gia nhập điều ước quốc tế. Theo đó, các nội dung liên quan đến thẩm quyền của Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ trong việc ký kết, gia nhập điều ước quốc tế theo Hiến pháp năm 2013 đã được cập nhật, bổ sung.
Thứ ba, quy trình, thủ tục rút gọn được quy định thành một chương riêng để phục vụ yêu cầu đối ngoại và hội nhập. Theo đó, Luật bổ sung chương VII với 6 điều về “trình tự, thủ tục rút gọn”, áp dụng đối với việc ký kết, sửa đổi một số loại điều ước quốc tế theo mẫu hoặc khi có yêu cầu gấp về thời gian. Thủ tục rút gọn không áp dụng đối với các điều ước quốc tế thuộc thẩm quyền phê chuẩn của Quốc hội, vì những loại điều ước quốc tế quan trọng này phải thực hiện theo quy trình, thủ tục hết sức chặt chẽ.
Thứ tư, quy định rõ về trách nhiệm của cơ quan đề xuất trong việc thực hiện điều ước quốc tế. Luật đã bổ sung quy định về trách nhiệm của cơ quan đề xuất ký kết điều ước quốc tế trong việc tham vấn tổ chức đại điện cộng đồng chịu sự tác động trực tiếp của điều ước quốc tế trong quá trình đàm phán; đặc biệt là trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp và cơ quan, tổ chức có liên quan kiến nghị Thủ tướng Chính phủ quyết định cách hiểu và áp dụng quy định của điều ước quốc tế trong trường hợp có sự khác nhau về cách hiểu và áp dụng quy định đó.
Thứ năm, nhằm giúp các tổ chức, cá nhân có điều kiện nghiên cứu, tìm hiểu những chính sách quốc tế mới mà Việt Nam tham gia, Luật bổ sung quy định điều ước quốc tế có hiệu lực đối với nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ngoài việc phải được đăng trên Công báo thì phải đăng trên Cổng thông tin điện tử của cơ quan đề xuất, Bộ Ngoại giao, trừ trường hợp có thỏa thuận khác giữa bên Việt Nam và bên ký kết nước ngoài hoặc có quyết định khác của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
KHÁNH NGỌC
- Tự hào, rạng rỡ chương trình nghệ thuật “Vang mãi khúc khải hoàn”
- Khánh thành Dự án trưng bày nội thất Bảo tàng tổng hợp tỉnh
- Kỳ họp 20, HĐND TP. Bạc Liêu khóa XII: Trên 95,7% cử tri tán thành chủ trương sắp xếp thành lập tỉnh Cà Mau trên cơ sở hợp nhất tỉnh Bạc Liêu và tỉnh Cà Mau
- Mạng lưới Hỗ trợ học sinh - sinh viên Khởi nghiệp Khu vực ĐBSCL: Bàn “Giải pháp xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo tại trường đại học”
- Gần 100 đoàn viên - thanh niên về nguồn tri ân tại di tích Nơi thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh