Muốn xin chấm dứt việc nuôi con nuôi phải làm sao?

Thứ Tư, 19/08/2015 | 16:30

Hỏi: Cậu mợ tôi không có con, Nên xin một đứa con nuôi, có làm thủ tục đầy đủ.

Hiện nay đứa con nuôi của cậu mợ tôi đã 19 tuổi. Ông bà hết mực yêu thương nhưng nó rất ngổ nghịch, không lo học hành đàng hoàng mà chỉ tụ tập ăn chơi lêu lổng. Cậu mợ tôi rất buồn, nhiều lần la rầy mà nó không nghe, cấm cản nó đi chơi thì nó chửi lại. Không những thế, nó còn phá tài sản của cậu mợ tôi, đã từng bán xe để tụ tập bạn bè đi du lịch, rồi thiếu tiền người ta để cậu mợ phải gánh nợ dùm.

Nhiều người khuyên cậu mợ tôi nên làm đơn xin từ nó, chấm dứt quan hệ nuôi con nuôi. Không bảo bọc cho nó một thời gian thì mới mong nó hiểu được vấn đề.

Xin hỏi, pháp luật có cho phép cha mẹ nuôi từ chối nuôi con nuôi nữa không? Nếu có thì phải làm đơn gửi đến đâu, cơ quan nào giải quyết?

Xin chân thành cảm ơn!

Hongmi87@yahoo.com.vn

Trả lời: Trước hết, xin chia sẻ với gia đình cậu mợ của bạn, có một đứa con không ngoan, là nỗi đau rất lớn của các bậc làm cha mẹ, cho dù đó là con ruột hay con nuôi. Tuy nhiên, pháp luật vẫn có các quy định để tháo gỡ các vướng mắc này, trong những trường hợp cụ thể. Với việc xin chấm dứt quan hệ con nuôi với ba mẹ nuôi cũng phải tuân thủ theo quy định của pháp luật, thỏa mãn các căn cứ. Hiện tại, vấn đề này được quy định tại Luật Nuôi con nuôi năm 2010.

Vấn đề bạn hỏi thuộc thẩm quyền của tòa án, như vậy, cậu mợ bạn phải gửi đơn yêu cầu chấm dứt việc nuôi con nuôi đến tòa án nơi cư trú để nơi này xem xét, thụ lý.

Tại khoản 2 Điều 25 Luật Nuôi con nuôi 2010 thể hiện các căn cứ để xem xét chấm dứt việc nuôi con nuôi có đề cập đến việc con nuôi bị kết án về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của cha mẹ nuôi, ngược đãi, hành hạ cha mẹ nuôi hoặc có hành vi phá tán tài sản của cha mẹ nuôi. Cậu mợ bạn phải chứng minh được căn cứ này với tòa án, chẳng hạn như hành vi phá tán tài sản.

Điều 78 Luật Hôn nhân - gia đình 2014 quy định, trong trường hợp chấm dứt việc nuôi con nuôi theo Quyết định của tòa án thì quyền, nghĩa vụ của cha mẹ nuôi với con nuôi chấm dứt kể từ ngày quyết định của tòa án có hiệu lực pháp luật.

Nếu con nuôi chưa thành niên hoặc không có khả năng lao động thì tòa án sẽ quyết định giao cho cha mẹ đẻ hoặc tổ chức khác chăm sóc, nuôi dưỡng. Nếu con nuôi có tài sản riêng thì được nhận lại tài sản đó, nếu có công đóng góp trong khối tài sản chung thì được chia phần tương xứng.

Như vậy, cậu mợ bạn hoàn toàn có thể yêu cầu chấm dứt việc nuôi con nuôi, và kể từ khi có quyết định của tòa án, thì trên phương diện pháp lý, giữa cậu mợ bạn và người con nuôi hoàn toàn không liên quan đến nhau.

Tuy nhiên, bạn cũng nên động viên cậu mợ bạn và cả người con nuôi để có cơ hội làm lại từ đầu, giải pháp ra tòa là hạ sách. Chấm dứt việc nuôi con nuôi không khó, nhưng những hệ lụy và tổn thương mà nó để lại cho cả hai bên, thậm chí là cho xã hội không hề nhỏ.

Thân ái!

Luật gia KIM PHƯỢNG

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.