Những kiểu “hạch sách” người dân trái Luật Đất đai

Thứ Sáu, 29/11/2019 | 16:39

Theo phản ánh của người dân, thời gian qua, các tổ chức tín dụng trên địa bàn 2 huyện Đông Hải và Hòa Bình liên tục “hành dân” với một đòi hỏi trái quy định Luật Đất đai, gây nhiều phiền toái. Cụ thể, khi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (thường gọi là sổ đỏ) của người dân đã hết hạn, hoặc sắp hết thời hạn sử dụng đất (SDĐ) được ghi thì các tổ chức tín dụng từ chối tiếp tục cho vay thế chấp nếu người dân không gia hạn lại. Trong khi đó, Luật Đất đai năm 2013 không bắt buộc phải thực hiện thủ tục này.

Thời hạn ghi trên sổ đỏ này đến ngày 15/3/2019, nhưng thực tế Luật Đất đai năm 2013 cho phép tiếp tục kéo dài thời gian sử dụng thêm 50 năm. Ảnh: T.Đ

 KHÔNG CHO VAY VÌ HẾT HẠN SDĐ

Trước phản ánh của người dân, giữa tháng 8/2019, Chi cục Quản lý đất đai thuộc Sở TN&MT đã có công văn kiến nghị Tổng cục Quản lý đất đai thuộc Bộ TN&MT có hướng dẫn cụ thể. Tuy nhiên, trong Luật Đất đai năm 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành cũng đã quy định rõ về vấn đề này. Cụ thể, Công văn số 310 của Cục Quy hoạch đất đai (thuộc Tổng cục Quản lý đất đai) nêu rõ: “Theo quy định tại khoản 2, Điều 74, Nghị định 43 năm 2014 của Chính phủ hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đất đai năm 2013: Hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp đang SDĐ nông nghiệp được Nhà nước giao, công nhận, nhận chuyển quyền SDĐ, khi hết thời hạn SDĐ thì được tiếp tục sử dụng theo thời hạn quy định tại khoản 1, Điều 126 và khoản 3, Điều 210 của Luật Đất đai mà không phải làm thủ tục điều chỉnh thời hạn SDĐ. Trường hợp có nhu cầu xác nhận lại thời hạn trên sổ đỏ thì thực hiện theo khoản 3, Điều 74 của nghị định này”.

Công văn giải thích: “Căn cứ các quy định đó, các hộ gia đình, cá nhân nêu trên khi hết thời hạn SDĐ ghi trên sổ đỏ mà thực hiện các quyền của người SDĐ (giao dịch thế chấp, tặng cho, chuyển nhượng, cho thuê…) thì hộ gia đình, cá nhân đó không phải làm thủ tục điều chỉnh thời hạn SDĐ. Trừ trường hợp hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu thực hiện theo nguyện vọng của họ”.

Như vậy, khi hết thời hạn SDĐ thì nghiễm nhiên người dân được tiếp tục SDĐ đó thêm 50 năm. Nếu người dân không có nhu cầu xác nhận lại thời hạn trên sổ đỏ thì cũng không làm thay đổi giá trị pháp lý của sổ đỏ đó, và các tổ chức tín dụng cũng không có quyền yêu cầu người dân phải làm thêm thủ tục này như một quy định bắt buộc khi thực hiện các giao dịch có thế chấp quyền SDĐ.

Ông Nguyễn Văn Thuấn - Giám đốc Văn phòng Đăng ký quyền SDĐ thuộc Sở TN&MT, cho biết, mặc dù Văn phòng Đăng ký quyền SDĐ tỉnh đã gửi công văn trả lời của Cục Quy hoạch đất đai cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh Bạc Liêu và các Văn phòng Công chứng trong toàn tỉnh biết và thực hiện đúng, nhưng các đơn vị này vẫn tiếp tục gây khó cho người dân. Nhiều nhất là địa bàn huyện Đông Hải, người dân vẫn liên tục phản ánh về sự “hạch sách” này của các tổ chức tín dụng, gây nhiều bức xúc cho người dân.

TỪ CHỐI GIA HẠN VÌ CÔNG TRÌNH TRÊN ĐẤT NÔNG NGHIỆP

Theo đánh giá của Văn phòng Đăng ký quyền SDĐ tỉnh, việc “đẻ” ra thêm thủ tục gia hạn lại sổ đỏ vừa làm mất thời gian và gây tốn kém cho người dân, đồng thời làm ảnh hưởng không nhỏ đến chủ trương đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính liên quan đến đất đai mà tỉnh đang nỗ lực thực hiện.

Theo quy định, thủ tục gia hạn lại sổ đỏ bắt buộc phải thông qua cán bộ địa chính cấp xã. Nhưng theo thông tin mà ông Nguyễn Văn Thuấn - Giám đốc Văn phòng Đăng ký quyền SDĐ tỉnh cung cấp, ở huyện Đông Hải, khi xúc tiến thủ tục gia hạn sổ đỏ thì có nhiều hộ gia đình, cá nhân bị từ chối. Lý do mà cán bộ địa chính xã, thị trấn đưa ra là trên đất đó có nhà ở… đã làm thay đổi mục đích SDĐ. Tuy nhiên, trên thực tế thì phần lớn cái gọi là “nhà ở” đó chỉ là chòi canh tôm, nhà làm muối hoặc trại ươm tôm giống… đã tồn tại từ trước, là tập quán sản xuất của người dân. Ông Thuấn cho rằng, từ thực tế này mà có thể làm nảy sinh tiêu cực khi người này không được xác nhận, còn người khác thì được….              

Trong khi đó, Thông tư 33, ngày 29/9/2017 của Bộ TN&MT hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đất đai ghi rõ: “Công trình xây dựng gắn liền với đất nông nghiệp được thể hiện trên sổ đỏ là công trình xây dựng theo quy định của pháp luật về xây dựng hoặc công trình đã hình thành trên thực tế tại thời điểm cấp sổ đỏ và thuộc quyền sở hữu của người đề nghị cấp sổ đỏ… Trường hợp công trình xây dựng trên đất nông nghiệp chưa được quy định trong phân loại về công trình xây dựng theo quy định của pháp luật về xây dựng thì UBND cấp tỉnh căn cứ vào tình hình thực tế quyết định các loại công trình được đăng ký quyền sở hữu trên sổ đỏ”. Như vậy, theo thông tư này, các công trình đang tồn tại trên đất nông nghiệp thì Nhà nước vẫn không bắt buộc phải chuyển mục đích SDĐ. Ngược lại, tất cả các thông tin về công trình còn được hướng dẫn ghi đầy đủ trên sổ đỏ với tư cách tài sản gắn liền trên đất.   

Từ những lẽ trên, người dân đang rất cần cơ quan có thẩm quyền của tỉnh chấn chỉnh, uốn nắn, thậm chí xử lý kịp thời những tổ chức, cá nhân cố tình “hạch sách” người dân trái với quy định pháp luật, đi ngược lại xu thế phát triển của tỉnh.

HỮU DUYÊN

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.