Sổ đỏ giả - Con đường phạm tội kiểu mới

Thứ Sáu, 25/05/2018 | 15:56

Sổ đỏ (nếu đúng tên gọi mang tính chất pháp lý là giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) - là một loại giấy tờ hợp pháp chứng minh việc Nhà nước công nhận quyền sử dụng hợp pháp đất đai của cá nhân, tổ chức. Loại giấy tờ này khi mang đi thực hiện các giao dịch dân sự đều được chấp nhận.

Việc nhiều đối tượng sử dụng sổ đỏ giả, lại có sự tiếp tay của các tổ chức được Nhà nước cấp phép hoạt động để mang đi lừa đảo là việc làm trái pháp luật. Hành động này không chỉ ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự tại địa phương, tạo ra sự hoang mang cho người dân trong việc giao dịch chuyển nhượng, sang bán và thế chấp bất động sản, mà còn trực tiếp làm ảnh hưởng đến hoạt động hành chính của Nhà nước.

Bài 1: NHỮNG PHI VỤ “HỜI”

Các phi vụ đều được thực hiện rất tinh vi, những người là nạn nhân trong các vụ việc đều là những người có “số má” trong giới làm ăn, kinh doanh bất động sản. Số tiền trong từng vụ lừa đảo thấp nhất là vài trăm triệu, nhiều là hàng tỷ đồng. Nhưng các nạn nhân đều đưa tiền cho các đối tượng một cách nhanh chóng, bởi cả hai bên đều nhận thức rõ, đây đều là những phi vụ “hời”.

Sổ đỏ có thể bị làm giả để lừa đảo. Ảnh mang tính chất minh họa

TÚNG QUÁ HÓA LIỀU

Giữa năm 2017, Tăng Hoàng Mai thuê một căn nhà để ở tại khóm 1 (phường 7, TP. Bạc Liêu). Túng tiền, Mai nghĩ cách cầm căn nhà đang thuê để lấy tiền xoay xở tạm.

Mai có quen với một người bạn, trong một lần uống cà phê tâm sự, người này có nói cho Mai biết, mình "có mối" có thể làm được sổ đỏ giả. Chuyện tưởng chỉ để nghe chơi, không ngờ trong lúc hết tiền, thiếu nợ, nó lại lóe sáng trong đầu Mai. Nhưng làm sổ đỏ giả khó một, thì con đường để những cuốn sổ đỏ giả đó được người khác chấp nhận cầm cố, lại là chuyện khác. Bởi nếu làm không khéo, xôi hỏng bỏng không, mà còn có nhiều khả năng vướng vào vòng lao lý.

Mai cho rằng, cách thức tốt nhất vẫn là làm sao để cuốn sổ đỏ giả đó phải coi như là thật. Qua một thời gian tìm hiểu, đối tượng móc nối được với Cao Hùng Em, nhân viên của Văn phòng công chứng Cao Thị Niềm (TP. Bạc Liêu). Mai thông qua Hùng Em nhờ giúp đỡ, nói rằng mình cần một số tiền để trả nợ, rồi cậy nhờ Hùng Em lo cho việc làm hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất tại Văn phòng công chứng Cao Thị Niềm. Điểm mấu chốt là Mai cũng nói rõ cho Hùng Em biết, sổ đỏ mang đến chuyển nhượng là sổ đỏ giả, Mai nhờ người khác làm từ căn nhà mà Mai đang thuê ở, nếu đồng ý thì khi Mai lấy được tiền sẽ hậu tạ. Hùng Em nhận lời.

Có được sổ đỏ giả trong tay, Mai nhờ “cò” đất tìm người cầm cố. Ngày 6/5/2017, “cò” đất tên Phượng đã giới thiệu Mai cho ông Long cầm với giá 100 triệu đồng. Ông Long yêu cầu phải đến văn phòng công chứng hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Tất cả đều đã nằm trong dự liệu của Mai. Phi vụ đầu tiên trót lọt, Mai chia cho Hùng Em 5 triệu đồng.

NHỮNG PHI VỤ TIỀN TỶ

Sau khi thực hiện trót lọt việc lừa ông Long cầm cố nhà đất, Tăng Hoàng Mai nhận thấy việc dùng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giả mang đi cầm cố cho người khác sẽ chiếm đoạt được nhiều tiền, lại không hề bị phát hiện.

Tuy nhiên, để thực hiện trơn tru hành vi lừa đảo kiểu này, Mai cần phải có một “ê kíp” cùng làm, phải phân công nhiệm vụ rõ ràng. Mai đem chuyện này nói với Cao Phan Thuận Hòa, cũng là người đã giúp Mai móc nối với đường dây làm giả giấy tờ. Hòa đồng ý ngay.

Các đối tượng vạch ra kế hoạch, phân công nhiệm vụ cho từng người và bắt tay vào thực hiện. Nạn nhân được chúng nhắm tới là những người liên quan đến lĩnh vực mua bán, cầm cố đất đai.

Trong 5 vụ lừa đảo tiếp theo đều có giá trị giao dịch khá lớn, từ 700 triệu đồng đến 1 tỷ đồng ở một phi vụ. Mặc dù các bị hại đều giao dịch tại văn phòng công chứng, nhưng cũng không thể ngờ, việc lừa đảo cũng bắt đầu từ đây.

P.V

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.