Trẻ thiếu sự quan tâm, giáo dục của cha mẹ: Những hệ lụy buồn!

Thứ Tư, 24/04/2019 | 16:39

Mỗi một giai đoạn phát triển của trẻ nhỏ, từ lúc sinh ra đến vị thành niên đều không thể thiếu sự quan tâm, chăm sóc của cha mẹ. Cuộc sống hiện đại ngày nay kéo theo nhiều mặt trái của xã hội. Trong đó, việc trẻ thiếu sự quan tâm, giáo dục của cha mẹ tạo nên nhiều hệ lụy, từ tâm sinh lý đến học hành, việc hình thành nhân cách, lối sống đúng đắn, thậm chí sự thành công của trẻ ở tương lai.

Bài 1: Khi đời vắng mẹ!

Bữa cơm với muối kho quẹt của những đứa trẻ vắng mẹ.

Trẻ em mồ côi (ở chùa Vĩnh Phước An Tự) vui mừng chia quà bánh khi có khách đến thăm.

Ước mơ trên giấy của bé Phượng. Ảnh: T.H

Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, đa số trẻ phát triển có vấn đề rơi vào những gia đình cha mẹ ly hôn, bỏ bê con cái, thiếu sự quan tâm, giáo dục. Làn sóng người lao động rời nông thôn lên thành thị, đi xuất khẩu lao động cũng làm gia tăng đáng kể số trẻ em phải sống thiếu sự chăm lo của phụ huynh. Nhức nhối nhất vẫn là tình trạng những đứa trẻ phải nếm cảnh “mồ côi” từ rất sớm, kể cả khi người sinh ra chúng vẫn còn hiện hữu trên đời.

CẮT CHIA TÌNH MẪU TỬ?!

Tôi đã từng ôm hôn lên đôi má tròn trĩnh, vuốt mái tóc mai non nớt của bé Nguyễn Tuyết Nhung (TP. Bạc Liêu) trước khi bé nằm lạnh lẽo trong ngôi mộ. Nếu như đứa trẻ nào khi phải sống xa mẹ cũng chịu nhiều thiệt thòi, thì với Nhung, bé đã phải gánh chịu quá nhiều chua xót, chua xót đến tột cùng khi chỉ mới gần 2 tuổi.

Nhung có đủ đầy cha mẹ, nhưng lại bạc phận. Ngày phát hiện con mang trong mình căn bệnh ung thư máu, cũng là lúc trong đầu người mẹ lởn vởn suy nghĩ ra đi. Rồi mẹ Nhung dứt áo ra đi thật, bỏ lại đứa con bơ vơ cho người cha làm nghề phụ hồ. Con theo cha đi làm, lang thang không nơi ở ổn định. Những ngày Nhung phát bệnh nặng, hai cha con được bà dì cho tá túc ở một góc sâu của căn nhà hẹp. Nền đất ẩm mốc, không một chiếc giường, trên cái võng cũ, một bé gái xanh mét, hơi thở phập phều, co ro nằm đợi cha về. Đó là hình ảnh đầu tiên chúng tôi lưu giữ về Nhung để bắt đầu một hành trình cùng cha con Nhung “chiến đấu với tử thần”.

Thời gian Nhung tiếp nhận điều trị ung thư từ sự hỗ trợ của người hảo tâm trôi qua khá nặng nề. Cơ thể bé yếu ớt, mong manh trước hàng loạt kim tiêm, hóa chất. Hành trình ấy lại chỉ đơn độc có hai cha con, một bé gái 2 tuổi và một người cha hiền lành, thật thà như đếm.

Mặc chiếc áo thun cũ, quần cộc, mang đôi dép lê, tay cầm túi nylon đựng bệnh án con gái, người cha cứ thế ẵm Nhung đi khắp mọi ngõ ngách từ Bạc Liêu đến phố thị ở TP. Hồ Chí Minh. Trong những thiếu thốn từ vật chất đến tinh thần, anh vẫn luôn gồng mình lên để cố gắng bù đắp cho con thơ phần tình thương của mẹ. Dang đôi tay nhỏ xíu ra vòng lấy cổ cha mỗi khi muốn được che chở, nhiều lần Nhung chớp đôi mắt buồn thốt ra lời nẫu ruột: “Con nhớ mẹ! Mẹ con đâu hả cha?”. Không có câu trả lời nào chính đáng cho sự thắc mắc của một đứa trẻ chỉ còn đếm sự sống bằng ngày, trong giây phút thập tử nhất sinh, bé thèm được có mẹ hơn bất cứ thứ gì trên đời, kể cả sự sống của mình.

Giữa những đợt hóa chất, truyền máu, có thời điểm Nhung rất khỏe. Da dẻ bé hồng hào, cơ thể tràn đầy nhựa sống, miệng vui vẻ líu lo khi được các cô chú yêu thương. Thế nhưng, cuộc đời của đứa bé mang bệnh ung thư máu không kéo dài được lâu. Cũng chỉ với vòng tay âu yếm của cha, cô bé đã khép lại cuộc sống ngắn ngủi, vui ít, tủi hờn nhiều - hưởng dương 4 tuổi. Ngôi mộ nhỏ xíu giữa đồng đất mênh mông như hiu hắt hơn, như vẫn âm thầm mang theo niềm tiếc nuối...

NỖI ĐAU CỦA NHỮNG “THIÊN THẦN”!

Những đứa trẻ “buộc” phải rời xa người mang nặng đẻ đau mình đang có chiều hướng tăng lên trong xã hội - hậu quả từ cuộc chia tay của cha mẹ, hay sự ra đi, trốn chạy đời sống nghèo khổ.

Chúng tôi vẫn ám ảnh bởi ánh mắt bé Thu Hằng (15 tháng tuổi, ở huyện Vĩnh Lợi). Em bé này từng rơi vào đói khát khi mẹ bỏ đi và suýt bị “đổi” để lấy tiền “cứu” gia đình trong cảnh ngặt nghèo.

Bác Ba của Hằng chẳng may bị điện giật chết. Bác Hai vừa qua cơn nguy kịch sau một trận vỡ ruột thừa. Riêng ông nội của Hằng bị ung thư dạ dày không tiền chữa trị. Đau lòng hơn, khi Hằng vừa được 7 tháng tuổi, mẹ Hằng (người dâu út của gia đình này) đã cuốn hết quần áo, băng đồng bỏ đi biệt xứ. Gánh nặng đói nghèo, bệnh tật đè lên vai người cha làm nghề phụ hồ và bà nội Nguyễn Thị Hồng già yếu. Những lúc Hằng khát sữa gào khóc thảm thiết, bà nội vội đút cho bé miếng nhựa có hình dạng gần như núm vú giả để mân mê cho đỡ cơn nhớ mẹ.

Bà Hồng chua xót kể: “Nhiều người thấy tôi khổ nên muốn xin bé Hằng nuôi rồi cho tôi ít tiền. Tôi cũng định cho, nhưng nhìn nó giãy giụa ghì chặt lấy mình, hai bà cháu đành ôm nhau khóc chứ không thể rời nhau”.

Bị cắt sữa mẹ từ sớm, lại không được ăn uống đầy đủ, bé Hằng thường xuyên đau bệnh. Đứa trẻ 15 tháng tuổi bất lực bị đẩy vào cảnh sống thiếu ăn, không tiền thang thuốc và phải đau đớn rời khỏi bầu sữa mẹ.

Thiếu vắng một trong hai đấng sinh thành, đó là nỗi đau, vết thương lớn trong tâm hồn mỗi đứa trẻ. Dù có thể hiện ra bên ngoài hay nuốt ngược vào trong, nó vẫn luôn còn đó, day dứt, ám ảnh dài theo năm tháng.

Không lâu sau khi cha bị tai nạn giao thông tàn phế, mẹ của nữ sinh Nguyễn Mỹ Phương (phường 8, TP. Bạc Liêu) cũng bỏ đi. Cọng rau, mớ cá, lon gạo… từ những người hảo tâm đã nuôi anh em Phương khôn lớn. Có bữa, 4 người trong gia đình chia nhau một cái trứng vịt cho xong bữa cơm. Tôi hỏi: “Con có buồn vì gia đình khó khăn, thua sút bạn bè không?”. Câu trả lời của Phương tựa như vết dao cứa vào tim tôi: “Nỗi buồn lớn nhất cuộc đời con là không được ở với mẹ!”.

Nếu chúng ta từng gặp những đứa trẻ bị bỏ rơi vẫn học giỏi, giao tiếp nhạy bén mà cho rằng quá khứ đã ngủ yên và không hề ảnh hưởng đến trẻ là một sai lầm. Như câu chuyện của em Phượng (học sinh tiểu học, huyện Hồng Dân): Ban ngày, Phượng là cô bé mạnh mẽ đi giữ em bé thuê để lấy tiền đi học. Đêm về, nước mắt tủi hờn chảy ướt gối. Phượng gửi gắm khao khát cháy bỏng của mình vào bức vẽ có 3 thành viên với dòng chú thích: “Ba mẹ và Phượng là gia đình hạnh phúc!”

THANH HẢI

* Tên nhân vật trong bài viết đã được thay đổi

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.