Tòa Soạn - Bạn đọc
UBND tham gia tố tụng trong vụ án dân sự về tranh chấp quyền sử dụng đất: Một bước tiến trong cải cách tư pháp
Theo thủ tục tố tụng dân sự, đương sự trong vụ án dân sự gồm có nguyên đơn, bị đơn và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là những người tham gia tố tụng có quyền và nghĩa vụ liên quan đến nội dung tranh chấp. Trong vụ án dân sự về tranh chấp có liên quan đến quyền sử dụng đất, UBND có thể tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Nhiều ý kiến đóng góp Bộ luật Dân sự đã được đưa vào Bộ luật Dân sự 2015. Ảnh: K.P
Đối với vụ án dân sự có đối tượng tranh chấp là quyền sử dụng đất đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (CNQSDĐ), quá trình giải quyết vụ án, Tòa án có thể đưa UBND đã cấp Giấy CNQSDĐ có liên quan đến tranh chấp tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Trong quá trình tham gia tố tụng, các đương sự đưa ra yêu cầu hủy quyết định cá biệt về việc cấp Giấy CNQSDĐ thì UBND đã cấp Giấy CNQSDĐ phải tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án.
Theo pháp luật tố tụng dân sự, người đại diện bao gồm người đại diện theo pháp luật và người đại diện theo ủy quyền và người đại diện này có thể là cá nhân hoặc pháp nhân. Bộ luật Dân sự năm 2005 không quy định pháp nhân là người đại diện theo ủy quyền, nhưng Bộ luật Dân sự năm 2015 và Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 đã bổ sung thêm người đại diện theo ủy quyền là pháp nhân bên cạnh cá nhân như từ trước đến nay.
Trong thực tiễn, để nâng cao hiệu quả của việc ủy quyền tham gia tố tụng, người có thẩm quyền đại diện UBND các cấp là chủ tịch UBND sẽ ủy quyền cho một số người có trách nhiệm liên quan đến công tác tham mưu, quản lý về đất đai, giải quyết tranh chấp như trưởng hoặc phó cơ quan tài nguyên và môi trường, chánh thanh tra hoặc phó chánh thanh tra….
Tuy nhiên, kể từ ngày 1/7/2016, khi Luật Tố tụng hành chính có hiệu lực pháp luật, vấn đề ai là người được nhận ủy quyền của UBND hoặc chủ tịch UBND để tham gia tố tụng đã có sự thay đổi dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau trong thực tiễn.
Tại khoản 3 Điều 60 Luật Tố tụng hành chính năm 2015 quy định: “Trường hợp người bị kiện là cơ quan, tổ chức hoặc người đứng đầu cơ quan, tổ chức thì người bị kiện chỉ được ủy quyền cho cấp phó của mình đại diện”. Đối chiếu với các quy định của Bộ luật Dân sự và Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, thủ tục tố tụng dân sự không giới hạn đối tượng được nhận ủy quyền của UBND để tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án dân sự, trừ những trường hợp quy định chung về những người không được nhận ủy quyền. Theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự hiện hành, việc UBND tham gia tố tụng trong vụ án dân sự sẽ ngày càng nhiều hơn khi hầu hết quyền sử dụng đất của nhân dân đã được cấp Giấy CNQSDĐ nên không thể giới hạn người đại diện cho UBND tham gia tố tụng phải là phó chủ tịch UBND.
Với sự nhận thức như thế thì quy định về việc UBND tham gia tố tụng trong vụ án dân sự sẽ mang tính khả thi trong thực tiễn, qua đó không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho UBND tham gia tố tụng thông qua người đại diện để thực hiện quyền và nghĩa vụ của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án, mà còn thể hiện được trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về đất đai khi có tranh chấp xảy ra, đồng thời thể hiện được một bước tiến mới trong cải cách tư pháp khi quyền tư pháp của Tòa án được đặt song song với việc quản lý nhà nước của UBND và chịu sự phán xét khi có tranh chấp xảy ra, qua đó củng cố thêm lòng tin của nhân dân đối với Nhà nước, thể hiện đậm nét dấu ấn của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
BÍCH NGỌC
(Tòa án nhân dân TP. Bạc Liêu)