Trong nước

Công tác điều tra, xử lý các vụ án kinh tế, tham nhũng lớn đạt nhiều kết quả tích cực

Thứ Ba, 13/11/2018 | 15:22

Sáng 13-11, tiếp tục chương trình làm việc, Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Báo cáo công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2018.

Tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật vẫn diễn biến phức tạp

Bộ trưởng Tô Lâm cho biết: Năm 2018, các bộ, ngành, địa phương đã thực hiện nhiều giải pháp tăng cường công tác quản lý nhà nước, đẩy mạnh phòng ngừa xã hội, phòng ngừa nghiệp vụ, tấn công trấn áp tội phạm, qua đó, góp phần giữ vững an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, phục vụ hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đối ngoại của đất nước.

Cụ thể, đã đấu tranh làm giảm 2,72% số vụ phạm pháp hình sự, tỷ lệ điều tra, phá án đạt 81,33% (vượt chỉ tiêu Quốc hội đề ra); án rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng đạt 88,53%; giải quyết tin báo, tố giác tội phạm và kiến nghị khởi tố đạt 87,2%; triệt phá 3.580 băng, nhóm tội phạm hình sự các loại; bắt, vận động đầu thú, thanh loại 6.360 đối tượng truy nã, trong đó có 1.389 đối tượng nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm.

Đáng chú ý, công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật về kinh tế, tham nhũng đạt nhiều kết quả rõ nét, nhất là trong điều tra các vụ án kinh tế, tham nhũng lớn, dư luận xã hội quan tâm, tỷ lệ thu hồi tài sản được nâng lên; công tác đấu tranh với tội phạm ma túy đạt nhiều kết quả nổi bật, đã đánh đúng, đánh trúng nhiều đường dây mua bán, vận chuyển ma túy lớn, xuyên quốc gia, thu giữ lượng lớn ma túy các loại, nhất là triệt phá được tụ điểm phức tạp về ma túy tại xã Loóng Luông, Vân Hồ, Mộc Châu, Sơn La, tạo chuyển biến căn bản tình hình tại địa bàn này. Cùng với đó, chất lượng công tác điều tra tội phạm tiếp tục được nâng lên, hạn chế được tình trạng oan, sai, bức cung, nhục hình...

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trình bày báo cáo trước Quốc hội. Ảnh: TTXVN.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Tô Lâm thừa nhận, mặc dù đã có nhiều nỗ lực, cố gắng nhưng tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật vẫn diễn biến phức tạp. Cụ thể, tội phạm, vi phạm pháp luật về trật tự xã hội tuy giảm 2,72% về số vụ, nhưng tính chất vẫn nghiêm trọng, cường độ bạo lực gia tăng. Tội phạm giết người do nguyên nhân xã hội; bạo hành, xâm hại trẻ em có chiều hướng gia tăng. Tội phạm cướp, cướp giật, trộm cắp tài sản chiếm tỷ lệ cao, thủ đoạn tinh vi, tính chất manh động. Đặc biệt, tội phạm và vi phạm pháp luật về kinh tế, tham nhũng vẫn diễn ra phức tạp, nhất là “tham nhũng vặt” trong khu vực hành chính, dịch vụ công; tội phạm sử dụng công nghệ cao diễn ra với nhiều phương thức, thủ đoạn mới, nhất là làm giả thẻ thanh toán dịch vụ, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, mua bán tiền ảo; cờ bạc, cá độ bóng đá trên mạng internet thiệt hại lên đến hàng nghìn tỷ đồng; xu hướng mua bán, vận chuyển, sử dụng ma túy tổng hợp gia tăng, xuất hiện nhiều dạng ma túy mới đang thu hút giới trẻ sử dụng, gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng...

Về các chủ trương, giải pháp phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật năm 2019, Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh, Chính phủ tiếp tục tập trung chỉ đạo, thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp, tập trung vào việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương Đảng, Quốc hội, nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong công tác phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật; tổ chức nắm, phân tích, dự báo sát tình hình thế giới, khu vực, trong nước; đấu tranh có hiệu quả với âm mưu và hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động; bảo vệ tuyệt đối an toàn các mục tiêu, công trình trọng điểm, các sự kiện chính trị, văn hoá, xã hội quan trọng của đất nước. Bên cạnh đó, tiếp tục mở các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, tập trung đấu tranh có hiệu quả với tội phạm có tổ chức, nhất là liên quan đến “tín dụng đen”, núp bóng doanh nghiệp; tội phạm xâm hại trẻ em, tội phạm kinh tế, tham nhũng, buôn lậu, tội phạm sử dụng công nghệ cao, tội phạm về ma túy...; nâng cao hiệu quả phòng, chống các loại tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, tội phạm có yếu tố nước ngoài...

Ngăn chặn vi phạm của chính lực lượng chuyên trách về phòng, chống tội phạm

Đại diện cơ quan thẩm tra về báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nhấn mạnh, mặc dù tội phạm được kiềm chế trên nhiều lĩnh vực nhưng lại gia tăng về số người chết do hậu quả của các hành vi vi phạm pháp luật và tội phạm thuộc lĩnh vực xâm phạm trật tự xã hội (1.451 người chết, tăng 3,9%); một số loại tội phạm tăng như: cướp tài sản tăng 5,1%, giết người tăng 3,9%, trong đó có một số vụ án giết nhiều người với thủ đoạn dã man, tàn bạo gây bức xúc, lo lắng trong xã hội. Ngoài ra, công tác quản lý cán bộ trong lực lượng phòng, chống tội phạm vẫn còn sơ hở nên đã để xảy ra một số vụ án có sự tham gia của một số sĩ quan cấp cao trong lực lượng công an.

Đáng chú ý, một số đối tượng lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ và sơ hở trong quy trình tổ chức Kỳ thi trung học phổ thông Quốc gia năm 2018 để sửa điểm, làm sai lệch kết quả thi ở các tỉnh Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình, gây bất bình trong xã hội, làm mất lòng tin của người dân, nhất là học sinh về sự công bằng, nghiêm minh, khách quan của kỳ thi. Các loại ma túy mới liên tục xuất hiện, trong đó có nhiều loại mạnh, cực độc gây tác hại nghiêm trọng, song việc phát hiện, nhận diện loại ma túy mới còn nhiều hạn chế. Đáng lưu ý, việc thanh thiếu niên sử dụng chất gây nghiện, ma túy tại các quán bar, vũ trường và một số lễ hội âm nhạc… khá phổ biến, có trường hợp gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng nhưng chưa được tập trung kiểm soát và ngăn chặn. Việc làm giả hồ sơ bệnh án tâm thần để một số đối tượng trốn tránh trách nhiệm hình sự đến nay vẫn chưa có giải pháp để khắc phục triệt để và đang có dấu hiệu diễn biến trầm trọng hơn. Tình trạng mua bán người đã xảy ra ở cả 63 tỉnh, thành phố, trong đó có nhiều phụ nữ và trẻ em ở các vùng miền núi, vùng dân tộc thiểu số bị mua bán ra nước ngoài; hiện nay vẫn còn 519 nạn nhân chưa được giải cứu.

Tai nạn giao thông tuy có giảm ở cả ba tiêu chí số vụ, số người chết và bị thương nhưng đã xảy ra một số vụ tai nạn giao thông đường bộ, đường sắt rất nghiêm trọng với tần suất cao trong một thời gian ngắn. Đã xảy ra một số vụ cháy chung cư cao tầng và một số vụ nổ làm nhiều người chết và bị thương, gây thiệt hại lớn về tài sản. Việc ngăn chặn, đấu tranh với các đối tượng phản động lợi dụng sự thiếu thông tin của một bộ phận người dân đối với chủ trương Quốc hội xem xét thông qua Luật An ninh mạng, Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt để lôi kéo, kích động người dân tụ tập, gây rối an ninh trật tự tại một số địa phương còn lúng túng, bị động.

Chủ nhiệm Lê Thị Nga cũng cho rằng: Nhóm tội phạm liên quan đến chiếm đoạt tài sản vẫn chiếm tỷ lệ cao trong cơ cấu tội phạm (51,79%), nhưng tỷ lệ phát hiện chưa nhiều. Tội phạm về chức vụ, tham nhũng bị xử lý nhiều nhưng vẫn chưa tương xứng với tình hình thực tế. Hoạt động “bảo kê cho vi phạm” diễn ra khá công khai tại các bến xe, chợ đầu mối nhưng không được cơ quan chức năng phát hiện, xử lý kịp thời, có vụ chỉ được xử lý khi dư luận và báo chí phản ánh. Tội phạm xâm hại tình dục trẻ em, nhất là hiếp dâm trẻ em mặc dù đã được các cơ quan quan tâm chỉ đạo điều tra, xử lý nhưng vẫn tiếp tục xảy ra một số vụ án nghiêm trọng. Dư luận và cử tri cho rằng vẫn còn một số trường hợp có biểu hiện “hành chính hóa” quan hệ hình sự, tiềm ẩn nguy cơ bỏ lọt tội phạm....

Bên cạnh đó, tỷ lệ điều tra, phá các vụ trọng án đạt 88,5%, chưa đạt 90% như chỉ tiêu của Quốc hội giao. Số lượng các vụ án, bị can được tạm đình chỉ điều tra vẫn chiếm số lượng rất lớn và gia tăng (12.623 vụ/2.411 bị can, tăng 4% số vụ, 6,7% số bị can), trong đó một số vụ án sắp hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự, tiềm ẩn nguy cơ bỏ lọt tội phạm. 

Từ đó, Chủ nhiệm Lê Thị Nga yêu cầu các bộ trưởng, trưởng ngành chức năng có giải pháp mạnh mẽ để ngăn chặn tội phạm ngay trong chính các lực lượng chuyên trách về phòng, chống tội phạm, đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm và củng cố niềm tin của nhân dân. Đồng thời, đề nghị tăng cường thanh tra, kiểm tra, điều tra, xử lý nghiêm các đối tượng “bảo kê” cho vi phạm, tội phạm, nhất là tại bến xe, các chợ đầu mối; kiểm soát chặt chẽ hoạt động của các quán bar, vũ trường, lễ hội âm nhạc… để ngăn chặn tình trạng sử dụng ma túy, chất gây nghiện trong giới trẻ...

Theo QĐND

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.