Truyện ngắn
Bạc…
“Ảnh bỏ em rồi, sao mà em kiếm ảnh cho thằng Huy được chị ơi”. Khi Trâm nức nở trả lời tôi bằng câu nói đó, tôi biết mình đã chạm vào vết thương lòng của Trâm. Người gây ra vết thương ấy chính là kẻ đã từng hàm ơn Trâm. Không chỉ nợ Trâm một chữ tình, người đàn ông ấy còn nợ người phụ nữ đã sinh con cho mình một chữ nghĩa. Bạc hơn vôi, tôi thầm nghĩ về người đàn ông đó, khi nghe câu chuyện Trâm hồi tưởng.
Trâm là cô gái miệt U Minh (tỉnh Cà Mau) lên TP. Cần Thơ học đại học. Năm thứ hai xa nhà, Trâm quen và yêu Tính. Mối tình sinh viên những năm tháng xa nhà của Trâm và Tính cũng như nhiều cặp đôi khác, nghèo cơm ngon, áo đẹp nhưng giàu những khung trời lãng mạn bên nhau. Ra trường, họ cưới nhau trước khi tìm được việc làm. Tính sau đó xin việc ở ngành Điện lực. Một nhân viên trẻ thông minh, nhanh nhẹn trong tác phong đã nhanh chóng chiếm được thiện cảm của cấp trên. Không bao lâu sau đó, Tính được lãnh đạo cho đi học nâng cao trình độ để đủ điều kiện đề bạt lên vị trí mới.
Trâm mới ra trường, chưa xin việc đã làm vợ, rồi lên chức làm mẹ không lâu sau đó. Thời buổi tìm việc khó khăn, vác cái bầu đi xin việc là chuyện trăm ngàn khó. Trâm cất bằng đại học vào ngăn tủ rồi an phận với nghề may. Cô thợ trẻ chăm chỉ, khéo tay không bao lâu cũng mở được một shop quần áo may sẵn tại nhà. Với bản tính cần kiệm, Trâm cũng gầy dựng một cơ ngơi khá đủ đầy cho đôi vợ chồng trẻ đón đứa con đầu lòng. Trâm sinh con không bao lâu thì Tính đi học xa nhà. Ngày đi, chồng băn khoăn không biết liệu ở nhà vợ có đảm đương nổi việc may vá khi con còn nhỏ. Trâm nói với chồng: “Anh cứ an tâm, bé Huy ngoan lắm. Mẹ con em sắp xếp được mà”. Cũng kể từ đó, Trâm lầm lũi may vá nhiều hơn, để ngoài khoản tiền chi phí sữa, tã cho bé Huy, Trâm dành một khoản để “nuôi chồng đi học”. Trâm không ngờ, con đường ăn học của chồng đã mở hướng đi mới cho người đàn ông… bạc!
Trâm run run khi cầm tờ hóa đơn của một khách sạn tại thành phố nơi Tính học (Trâm phát hiện trong túi quần của chồng khi cô đem giặt). Trâm rụng rời nhưng rồi trấn an, chắc là anh ấy ăn nhậu với bạn bè rồi ở lại khách sạn qua đêm. Nhưng suy nghĩ ấy chỉ là sự trấn an khi thêm một lần sau đó, Trâm vô tình phát hiện những tấm ảnh hai người “seo-phi” cùng nhau trong điện thoại của chồng. Ban đầu, Tính còn lúng túng rồi hạ mình xin lỗi vợ: “Đó chỉ là phút ngoài vợ, ngoài chồng của đàn ông xa vợ, xa nhà, em à!…”. Trâm khóc thật nhiều nhưng thương chồng, Trâm vẫn bỏ qua. Tính lấy lòng tin của vợ bằng việc xóa hết những tấm ảnh trong đó.
Nhưng lòng tin khi đã mất đi thì vết nứt cũng lớn dần trong tình cảm vợ chồng. Trâm nhiều lần ngồi may mà tâm trí bất an. Những bức ảnh của người đàn ông đầu ấp tay gối với mình đang nồng say với người phụ nữ khác cứ ám ảnh Trâm khôn nguôi. Chúng có thể bị xóa trong chiếc điện thoại vô cảm kia, nhưng không thể bị xóa trong tâm trí của một tâm hồn đã tổn thương. Bước lên sự tổn thương ấy, người đàn ông bạc kia lại ngày càng bạc thêm khi đã chọn cho mình một ngả rẽ mới.
Tính đi - về thăm vợ con ngày một ít hơn dù khoảng cách đoạn đường vẫn như thế! Linh cảm của người vợ mách Trâm rằng chồng mình không từ bỏ người phụ nữ kia. Rồi sau một thời gian lạnh nhạt với vợ, Tính cuốn gói ra đi không một lời giải thích. Hơn hai tháng trở về, Tính chìa vào mặt người vợ trẻ tờ đơn ly dị.
“Em không biết mình có tội gì để chồng đối xử với em như vậy”. Trâm kể rồi khóc nức nở. Chắc cái tội của Trâm là không có xe hơi, Trâm chỉ là cô gái xứ miệt vườn khỉ ho cò gáy, chỉ biết ăn học rồi về làm vợ, làm mẹ mà không phải là con gái của một đại gia ở thị thành. Nên, mất chồng! Trâm kể bây giờ Tính vẫn công tác ở tỉnh này, cuối tuần cô vợ mới lại lái xe hơi rước chồng về nhà cô ấy, cách hơn trăm cây số thôi. Bé Huy càng lớn càng giống cha như đúc, chỉ làm Trâm thấy nhói ở trong lòng một vết đau. Tôi xin lỗi đã khơi gợi chuyện buồn, Trâm cười trong nước mắt bảo mình đã quen rồi. Quen mà Trâm… khóc vậy đó.
Shop quần áo của Trâm giờ mang tên cô. Trước, thời vợ chồng mặn nồng, cô lấy tên chồng làm tên shop. Nhiều năm không may quần áo chỗ Trâm, shop dời chỗ mới nên tôi tìm không ra dù Trâm đã chỉ đường, chắc cũng tại cái tên shop đã đổi thay. Câu hỏi đầu tiên tôi hỏi Trâm “vì sao đổi tên”, là lúc tôi làm tổn thương Trâm mà không hay. Nhìn bé Huy nay đã lớn, tôi lại hỏi “sao Trâm không sinh em cho Huy”, thì đó là giọt nước làm tràn ly.
Tôi hỏi Trâm: “Nếu Tính quay lại, Trâm có tha lỗi cho anh ấy không?”. Trâm cúi đầu lau dòng nước mắt: “Em không biết nữa chị à. Em còn thương ảnh nhiều lắm, vậy mà ảnh đã đối xử với mẹ con em như vậy”.
Thì ra, dù bạc hơn vôi, người đàn ông ấy vẫn còn một lối về. Nhưng, sự giàu sang, danh vọng khi đã cuốn người ta đi thì mong gì nữa.
Phan Anh
- TỔNG BÍ THƯ, CHỦ TỊCH NƯỚC TÔ LÂM GỬI THƯ CHÚC TẾT TRUNG THU CHO CÁC CHÁU THIẾU NIÊN, NHI ĐỒNG
- Phiên tòa giả định tuyên truyền chống khai thác IUU
- 100 thí sinh tranh tài tại Chung kết Cuộc thi “Em yêu biển, đảo quê hương”
- Trao quà Trung thu cho trẻ em lớp học tình thương
- Dâng hương tưởng niệm nhạc sĩ Cao Văn Lầu nhân kỷ niệm 105 năm Ngày ra đời bản Dạ cổ hoài lang