Truyện ngắn

Làm dâu

Thứ Hai, 14/12/2015 | 17:27

Ngày tôi vào lớp 9, cũng là lúc chị về làm dâu nhà tôi. Cái kiếp làm dâu khổ trăm bề mà gia đình tôi ngày ấy lại mang tiếng gia trưởng bậc nhất khu phố, nên nước mắt của chị phải tính bằng dòng sông. Lúc anh dẫn chị về ra mắt, mới nghe chị phận gái ở miệt vườn, cô tôi - mẹ của anh - có phần không ưng thuận. Anh là con trưởng của một gia đình bề thế, là cháu đích tôn của dòng họ, sau anh chỉ còn toàn con gái nên bao hy vọng dồn hết vào anh. Gia đình cũng sắp đặt cho anh trăm mối sao cho tương xứng nhưng rồi anh gạt phắt hết, gia nhập quân đội cống hiến cho Tổ quốc, rồi bôn ba đủ trăm bề, thành anh lính đội trưởng khiến người người ngưỡng vọng. Anh gặp chị ở một miền quê nghèo, cảm phục người con gái chịu thương chịu khó, đem lòng yêu và dẫn về ra mắt.

Anh đưa chị về vào một mùa hè nắng cháy, như báo hiệu cho cuộc đời truân chuyên của chị vậy. Cô tôi khó, lại mang trong mình quan niệm cũ nên lúc nào cũng đặt nặng vấn đề gia trưởng với chị. Tôi khi ấy, thi thoảng thức dậy lúc nửa đêm, vẫn hay thấy chị ngồi một góc, bó gối, nhìn ánh trăng mà thổn thức. Thấy tôi, chị gọi lại ngồi ve vuốt đầu tôi: “Ba mẹ em đâu?” - “Đi gỗ chị ơi, em ít khi gặp lắm” - “Em nhớ ba mẹ nhiều lắm phải không?” - “Dạ nhớ lắm”. Bất giác tôi thấy tay mình ấm nóng, tôi ngước lên: “Chị cũng nhớ cô chú lắm phải không?” - “Ừ. Giờ này chắc còn tát nước buổi đêm cho kịp cày buổi sáng ngày”. Nói tới đó, bất giác cảm thấy chị đang khóc. Thứ duy nhất tôi biết chị đang nức nở là đôi vai run lên bần bật. Ngước nhìn trong phía bóng tối, tôi thấy anh, tay nắm chặt lại, đấm nhẹ vào tường nhìn chị đầy bất lực…

Khi tôi dậy để đến trường, thì chị đã dậy từ lâu. Bộ dạng lúi húi trong bếp, chị như một chiếc bóng đang trôi cố sống cho qua ngày. Tôi hãy còn nhớ tuổi thơ của tôi gắn với những buổi tạt ngang, nghe cô tôi suốt ngày to tiếng quát: “Rau này lặt mất cả cuống như thế thì còn gì mà ăn?”. Hay những khi nhẹ nhàng nhất thì cũng là những lời móc xỉa: “Cô lo mà tắm rửa cho sạch sẽ, bác thằng Hùng sắp qua đấy, đừng để nó phải xấu hổ”. Chị chỉ cúi đầu lầm lì hứng chịu tất cả.

Anh luôn cố gắng bảo vệ chị để chị khỏi tổn thương, nhưng giữa chữ hiếu và tình yêu, nhiều lúc anh thấy mình đang đứng vật vờ giữa ngã ba vậy. Khi tôi vào đại học, bắt đầu dong ruổi những chuyến đi xa, lúc này anh xuất ngũ. Tiền dành dụm anh dành phần mua chị cái áo nhưng bị cô tôi cắt xé tan tành: “Nuôi con lớn chừng này mà chỉ biết nghĩ tới vợ… vợ… vợ. Bây giờ đội vợ lên đầu rồi đúng không?”. Anh đứng đó bất động, thảng thốt, chị ngồi bệt xuống đất ôm mặt khóc. Cuộc sống nghẹt thở như vậy nên khi vào đại học, tôi dứt áo ra đi. Ngày tôi đi, cô tôi bình thản ngồi têm miếng trầu, nhắc khẽ: “Bây ráng học rồi về. Kém thì đừng vác xác về”.

Mấy năm trôi qua, nghe tin chị sinh cháu, tôi về. Ngay từ lúc bước vào nhà, không khí đã có phần khang khác. Nhìn đứa trẻ đương nằm nôi, bỗng chốc tôi hiểu rõ sự tình: nó là con gái. Đã thế, sức khỏe chị lại yếu, sinh nở một lần, bác sĩ không cho sinh nữa. Tôi thấy chỉ gương mặt anh chị là hạnh phúc, còn đứa nhỏ cứ khóc liên hồi, trên bàn tay bồng bế của bà nó - người đang không muốn tin vào sự thật. Tôi đoán chắc một điều: đứa bé lớn lên sẽ không có tình thương từ bà nó. Và không khí trong ngôi nhà trở nên nghẹt thở đến độ ký ức của tôi về ngôi nhà đó trở thành những mảnh cắt ghép. Có bận tôi về thấy đứa nhỏ nằm trong nôi khóc quá chừng, trong khi bà nó đang ăn trầu bên cạnh thi thoảng chép miệng: “Ồn quá đi!”. Để rồi chị đang dở tay mà nhào đến ôm con vỗ về. Lần khác tôi về thì thấy đồ đạc anh, chị bị vứt tứ tung ngoài sân, tiếng cô tôi dõng dạc: “Một là mày cưới vợ khác. Hai là ra đường. Con cháu đích tôn có phải chuyện đùa được đâu”. Thế rồi anh chị đi, tôi cũng ít khi tạt ngang qua ngôi nhà đó nữa. Rồi tôi lấy chồng, theo chồng đi xa nên bặt vô âm tín cùng anh chị từ ngày đó.

Được dịp nghỉ, xin mãi mới được địa chỉ nhà chị, tôi ghé ngang. Đón tôi là một cô bé ước chừng 9 - 10 tuổi. Ngay sau là chị. “Đây là bé Thảo hả chị? Cháu xinh quá”, tôi nói. Chị vồn vã ôm kéo tôi vào nhà cho bằng được: “Lâu lắm rồi mới gặp lại em. Bữa nghe em lấy chồng mà anh chị ở xa quá, không về được”. Hai chị em nắm chặt tay nhau mừng mừng tủi tủi. Trò chuyện một lát, chị hối hả tay xách nách mang lục tục đi chợ, cứ giữ tôi lại ăn bữa cơm gia đình, trên mâm có  mấy con cá kho mặn mà tôi thích khi còn nhỏ…

Khi tôi sinh con thì anh chị ghé thăm. Có điều lúc này cô tôi cũng đến, trông cô giờ đã luống tuổi, yếu ớt, không còn vẻ gia trưởng của người đứng đầu gia tộc ngày nào. Tôi không lạ bởi mấy tháng trước tôi có nghe tin anh chị đã chuyển về sống với cô. Chỉ trong thời gian ngắn mà bao biến cố đổ ập xuống gia đình: cô tôi tin người nên đầu tư hết tiền bạc vào rồi sinh nợ, các chị thì chia nhau tài sản và ôm hết về nhà chồng. Chỉ có chị dâu tôi lúc này lại bàn với anh đón mẹ về nhà sống. Nghe đâu ban đầu cô tôi cũng sĩ diện lắm, dọn về ở chung, song nhất quyết không nói chuyện với con dâu tiếng nào. Lúc cô tôi ngã bệnh, bé Thảo mặc dù còn nhỏ, nhưng cứ đòi ở bên cạnh chăm sóc bà. Còn chị thì lui cui lo giặt giũ, nấu cháo cho mẹ chồng. Lúc ăn bát cháo, cô tôi rơi nước mắt, đó cũng là lúc mọi thứ thay đổi.

Tôi sinh con gái, cô tôi thoáng chút hơi ngỡ ngàng nhưng rồi nhanh chóng bồng nó lên xuýt xoa: “Cháu bà cưng quá”. Tôi nhìn chị thấy chị mỉm cười rạng rỡ. Không hiểu sao trong giờ phút ấy, tôi cảm thấy với chị như thế là đã quá đủ cho một gia đình. Và đó cũng là cái kết hạnh phúc cho câu chuyện của chị.

LÊ HỨA HUYỀN TRÂN

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.