Truyện ngắn
Những bài báo đầu tiên của tôi
Khi còn là sinh viên năm thứ 3 ngành Báo chí, tôi đã có những tin, bài đăng trên báo Bạc Liêu. Dẫu chỉ là những bài thời tập tành viết lách trong thời gian thực tập, nhưng với tôi - đó là những bài báo đầu tiên không bao giờ quên được trong đời làm báo của mình…
Kết thúc năm học thứ 3 của sinh viên báo chí là một đợt thực tập làm nhà báo ở các cơ quan báo chí. Trong khi bạn bè bôn ba tìm đến những cơ quan báo chí tại TP. HCM thì “mục tiêu” của tôi là Báo Bạc Liêu. Lúc ấy, tôi chỉ có một mong muốn là được học hỏi kinh nghiệm của những nhà báo thực thụ, bổ sung cho phần thực tế của những bài học ở trường vốn chỉ có lý thuyết suông. Vậy mà tôi đã được các anh chị ở Báo Bạc Liêu giúp đỡ một cách tận tình, được phân công đi theo một phóng viên có kinh nghiệm để học hỏi và viết bài như một phóng viên mới bắt đầu vào nghề báo.
Ảnh minh họa: H.T
Bài đầu tiên tôi tự đăng ký là về lớp học tình thương ngoài Nhà Mát. Tôi tìm đến lớp học khi trời vừa sụp tối - thời điểm những đứa trẻ trở về sau một ngày vất vả đi cào nghêu, bắt ốc. Những đứa trẻ đen nhẻm, quần áo còn vương sình cát từ biển, ngồi ngay ngắn sau những dãy bàn cũ, ánh mắt sáng lên với từng con chữ. “Thầy giáo” là một học sinh lớp 10 loay hoay vất vả cầm tay từng học trò lớn nhỏ có đủ để rèn cho quen từng nét chữ. Tôi hỏi chuyện, lấy đủ tư liệu cho bài viết cùng một xúc cảm dâng trào của người lần đầu tiên đi làm báo.
Về nhà, tôi trải ngay mớ tư liệu và những cảm xúc của mình vào một bài báo dài đến mấy trang viết tay, sửa nháp vài lần rồi viết ngay ngắn vào tờ giấy và mang nộp. Khỏi nói cảm xúc hồi hộp của tôi lúc đó như thế nào, cứ như đợi kết quả thi vậy. Không đợi lâu, tôi nhận lại bài viết của mình từ tay anh Nguyễn Duy Hoàng, lúc bấy giờ là Phó Tổng Biên tập với màu mực đỏ (để sửa lỗi) quệt khắp bài. Bài báo đầu tiên của tôi được sửa gần như hết cả bài, sửa từ lỗi nhỏ đến các ý sắp xếp trong bài. Bài kiểm tra đầu tiên vào nghề của tôi đã được thực hiện chặt chẽ như thế. Và cũng từ đó, tôi đã ghi nhớ một điều: không thể dễ dãi với chính mình khi đã quyết định theo nghề báo!
Cuối đợt thực tập năm ấy, tôi được gợi ý viết một bài “lớn” để lấy điểm. “Lớn” nghĩa là… nhiều chữ hơn những tin, bài nhỏ tôi đã viết từ đầu đợt thực tập. “Lớn” ở đây cũng có nghĩa là đề tài rộng hơn, có tầm hơn. Đề tài được anh Hàn Ái Tiến, lúc bấy giờ là Phó phòng Phóng viên giới thiệu cho tôi là về nghề dệt - một nghề tiểu thủ công nghiệp đang hồi suy thoái của tỉnh. Sau khi tự tìm tư liệu thực tế ở các cơ sở dệt tư nhân lớn nhỏ trên địa bàn thị xã Bạc Liêu, tôi được giới thiệu đến Sở Công nghiệp để lấy ý kiến ngành chức năng. Một bài viết được hoàn chỉnh sau nhiều ngày xử lý đống tư liệu ngồn ngộn nhằm tìm ra những thông tin cần nhất cho bài báo, nhiều lần viết rồi sửa, tôi cũng hoàn thành bài viết “Đằng sau tiếng xập xình khung cửi”. Khỏi phải nói, tôi đã hạnh phúc như thế nào khi bài viết được đăng. Và đó cũng là bài báo mang tính phản biện xã hội đầu tiên của tôi, nó truyền cảm hứng rất lớn để tôi nuôi dưỡng đam mê với nghề tôi đã chọn.
Mười mấy năm qua, tôi đã viết rất nhiều tin bài trên nhiều mảng đề tài khác nhau, có những bài viết tôi không thể nhớ nổi tên. Nhưng những bài báo đầu tiên thì đã khắc vào ký ức tôi thành những dấu ấn sâu đậm, và mãi mãi đó là niềm tự hào của riêng tôi.
Lâm Anh
- TỔNG BÍ THƯ, CHỦ TỊCH NƯỚC TÔ LÂM GỬI THƯ CHÚC TẾT TRUNG THU CHO CÁC CHÁU THIẾU NIÊN, NHI ĐỒNG
- Phiên tòa giả định tuyên truyền chống khai thác IUU
- 100 thí sinh tranh tài tại Chung kết Cuộc thi “Em yêu biển, đảo quê hương”
- Trao quà Trung thu cho trẻ em lớp học tình thương
- Dâng hương tưởng niệm nhạc sĩ Cao Văn Lầu nhân kỷ niệm 105 năm Ngày ra đời bản Dạ cổ hoài lang