Văn hóa - Nghệ thuật
87 năm sự kiện Đồng Nọc Nạng: Dấu ấn quá khứ hướng đến tương lai
Trong những ngày cuối tháng Giêng này, người dân huyện Giá Rai đang náo nức trông đợi lễ hội kỷ niệm 87 năm sự kiện Đồng Nọc Nạng. Lễ hội này được tổ chức thường niên nhằm tưởng nhớ những người nông dân “chân lấm tay bùn” đã đứng lên đấu tranh chống lại sự áp bức của chế độ thực dân Pháp vào ngày 25/1/1928 (âm lịch).
![]() |
Hướng dẫn viên khu di tích Nọc Nạng giới thiệu với khách tham quan về trận quyết tử của gia đình ông Mười Chức năm 1928 được tái hiện qua mô hình. Ảnh: T.L |
Ngược dòng lịch sử 87 năm về trước tại cánh đồng ven rạch thuộc ấp 4, xã Phong Thạnh, huyện Giá Rai. Và ở vùng đất một thời hoang dại ấy đã để lại câu chuyện đầy bi tráng về những người nông dân đứng lên chống áp bức, bất công để giành lại mảnh đất mà họ đổ mồ hôi gầy dựng. Đỉnh điểm của sự nổi dậy diễn ra vào ngày 25/1/1928 (âm lịch), hai tên cò Tây là Tournier và Bouzou cùng bốn lính mã tà từ Bạc Liêu đến Phong Thạnh để tiếp tay với hương chức làng tịch thu lúa trên phần đất của anh em Biện Toại. Cuộc giằng co dẫn đến xô xát xảy ra giữa một bên là nông dân quyết giữ hạt lúa do mình làm ra, một bên là bọn hội tề. Tức nước vỡ bờ, gia đình Mười Chức lấy dụng cụ sản xuất làm vũ khí xông ra đối đầu với bọn cò Pháp và hương chức làng với súng ống trong tay, dẫn tới vợ chồng Mười Chức và đứa con còn trong bụng mẹ, hai anh của Mười Chức là Năm Nhẫn và Sáu Nhịn hy sinh. Còn tên Tournier bị đâm chết tại trận và nhiều tên khác bị thương. Khi người dân Đồng Nọc Nạng hay tin chạy đến thì bọn cò Pháp và tay sai đã tháo chạy về Bạc Liêu.
Cuộc đấu tranh của nông dân vùng Nọc Nạng tuy chỉ là đấu tranh tự phát nhưng đã gióng lên hồi chuông cảnh báo những tên cường hào ác bá, là động lực thúc đẩy nhiều phong trào đấu tranh nhân dân trong tỉnh. Để từ đó hình tượng người nông dân Bạc Liêu chất phác thật thà mà đầy nghĩa khí đã trở thành dấu ấn lịch sử đời đời.
Khúc ca đi cùng năm tháng
Dù đã 87 năm trôi qua, nhưng sự kiện Đồng Nọc Nạng vẫn còn in đậm trong ký ức của người dân quê hương Giá Rai nói riêng, Bạc Liêu nói chung. Nó đi vào thơ, ca, hò, vè và nhiều tác phẩm văn học - nghệ thuật khác như một khúc ca hào hùng đi cùng năm tháng. Để ghi lại sự kiện bi thương và cũng đầy dũng khí này, UBND tỉnh đã cho xây dựng khu di tích tại cánh đồng Nọc Nạng năm xưa. Di tích là chứng tích lịch sử thể hiện công cuộc đấu tranh của nông dân Bạc Liêu nói riêng, nông dân Nam bộ nói chung chống lại những tên địa chủ, thực dân cướp đoạt ruộng đất của nhân dân. Năm 1991, di tích lịch sử Đồng Nọc Nạng được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia và được nâng cấp khang trang. Trong khuôn viên di tích, nổi bật nhất là cụm tượng tái hiện lại hình ảnh gia đình Mười Chức chống lại bọn cò Tây.
“Địa chỉ đỏ” ấy thu hút hàng ngàn lượt du khách trong và ngoài tỉnh tìm đến hàng năm, nhất là vào dịp lễ hội “Dấu ấn Đồng Nọc Nạng” diễn ra vào tháng Giêng. Khách tham quan đến nơi đây vào dịp lễ hội như tìm về nguồn cội, thắp một nén hương bày tỏ lòng thành kín, tri ân các bậc tiền nhân. Trong những ngày diễn ra lễ hội, tại khu di tích lịch sử Nọc Nạng có nhiều hoạt động phong phú như: giao lưu ẩm thực, thi đấu các trò chơi dân gian, thi cờ tướng, kéo co, thả diều, gánh nước về làng, bóng đá tứ hùng… Đặc biệt, tại lễ hội năm nay còn diễn ra hội thi đờn ca tài tử với sự tham gia của 10 xã, thị trấn trong huyện. Và tất nhiên lễ hội không thể thiếu các hoạt động ôn lại quá khứ hào hùng của nông dân Giá Rai nói riêng, nông dân Bạc Liêu nói chung, góp phần giáo dục truyền thống và lòng yêu quê hương, đất nước của nhân dân và thế hệ trẻ.
HOÀNG UYÊN
- Kỷ niệm 10 năm thành lập Quỹ Khuyến học Võ Văn Kiệt tỉnh Bạc Liêu
- Nghị quyết 68: Vận hội mới cho kinh tế tư nhân bứt phá
- Những bài học “soi lối” cho báo chí cách mạng phát triển đúng hướng
- Bế mạc Giải vô địch cầu lông các CLB tỉnh Bạc Liêu năm 2025
- Luật BHXH 2024: Người từ 75 tuổi được hưởng trợ cấp hưu trí