Văn hóa - Nghệ thuật
Ai đem con sáo sang sông
Một đêm Hà Nội gần 6 năm về trước, ở vào cái lúc “trà dư tửu hậu”, giữa những đồng hương Bạc Liêu - Cà Mau có một cuộc (tạm gọi là) tranh luận sôi nổi… Bên cho là không có, còn bên kia khẳng định chắc ăn rằng có một bản dân ca tên là Lý con sáo Bạc Liêu! Tàn cuộc, có một người thuộc “biên chế” của “bên khẳng định là có” ấy, từ đầu tới cuối không tham gia “tranh cãi” câu gì. Lặng lẽ về phòng, lặng lẽ gõ từ khóa “Lý con sáo Bạc Liêu” trong Google; lặng lẽ nghe Phi Nhung ca bản ấy. Và… lặng lẽ khóc…
Cũng không rõ rượu khóc, “con sáo” khóc, hay mình khóc nữa.
Lặng lẽ khóc muồi rồi lặng lẽ nhớ, hơn chục năm trước, hồi người viết còn công tác bên ngành Văn hóa, có lần Đoàn cải lương Cao Văn Lầu dựng chương trình mới, nghệ sĩ Giang Tuấn băn khoăn hoài một câu trong ca từ bài Lý con sáo Bạc Liêu. Tuấn nói: “Không hiểu kỹ, ca không có trôi…”. Câu ấy là: “Trách chi câu thề khi nào cậu quay nó á quay”. Hai anh em ngồi mấy tiếng đồng hồ, suy đi xét lại. Từng có câu: “Bao giờ chiếc xáng nọ bung vành/ Tàu Tây lủng đáy, anh mới đành xa em”… thì cái câu “cậu quay” đích thị là cái cầu Quay (cầu Kim Sơn bây giờ). Chàng trai và cô gái Bạc Liêu ra bờ sông nhìn cái cầu Quay mà thề thốt “… Khi nào cầu Quay nó (á) hết quay/ Thì ta với bậu mới đứt dây can thường”, vậy đó, nhưng rồi “… Mà nay con sáo sang sông/ Sáo sang sông rộng theo người dưng về xứ xa”. Đoàn rước dâu khuất dần trong tiếng hát não nề… Tiết mục lần ấy của Đoàn Cao Văn Lầu đoạt một giải khá cao. Giang Tuấn - người ca chính bản ấy, nay đã được phong danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú.
Cũng hơn chục năm trước, thạc sĩ Lâm Thành Đắc - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học - Kỹ thuật tỉnh Bạc Liêu, khi ấy là Phó trưởng Phòng Nghiệp vụ Văn hóa (Sở VH-TT&DL) từng có một công trình nghiên cứu về điệu Nói thơ Bạc Liêu, Hò chèo ghe và Lý con sáo Bạc Liêu. Anh khẳng định: Lý con sáo Bạc Liêu là một trong 3 di sản văn hóa phi vật thể riêng của Bạc Liêu mình mà không đâu có được. Nghe mà thấm lắm. Cái tên Lý con sáo chung chung ấy, nó dễ làm cho người ta nhầm rằng chỉ có một Lý con sáo chung chung mà thôi, tìm đâu ra cái gọi là Lý con sáo Bạc Liêu! Trong khi có tới cả mấy chục điệu Lý con sáo lận kia, từ 4 điệu Lý con sáo trung du Bắc Bộ trong hát ghẹo, 3 bài Lý con sáo Bắc trong dân ca quan họ Bắc Ninh và hát trống quân, đến Lý con sáo Thanh Hóa, 4 bài Lý con sáo Bình - Trị - Thiên, 2 bài Lý con sáo Quảng Nam, rồi hơn một chục bài Lý con sáo Nam Bộ, trong đó về miền Tây có Lý con sáo Gò Công. Phong phú đến nỗi, từng có ý kiến nêu rằng, trong các điệu lý trong kho tàng văn nghệ dân gian Việt Nam, nếu cần chọn ra một điệu lý tiêu biểu để làm đại diện, kiểu như “quốc lý” của Việt Nam, chắc có lẽ Lý con sáo sẽ là ứng viên hàng đầu được giới thiệu để ra “tranh cử”, bởi đó là bài ca đẹp, giàu tính ca xướng và tính trữ tình, mang màu sắc thôn dã, chất phác, trìu mến và đắm thắm… Ngồi gõ bài báo nhỏ này, người viết đang mở nghe Liên khúc 15 bài Lý con sáo trong Google, với những dị bản mang sức sống, sức lan tỏa và sáng tạo từ kho tàng văn hóa, văn nghệ dân gian phong phú Việt Nam.
Lại nhớ, trong hội thảo về “Dạ cổ hoài lang” và âm nhạc truyền thống Nam Bộ tại TP. Hồ Chí Minh năm 2009, nhân kỷ niệm 90 năm ra đời bản “Dạ cổ hoài lang”, do Sở VH-TT&DL Bạc Liêu và Hội Sân khấu TP. Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức, GS-TS Trần Văn Khê đã làm cho khán phòng sôi nổi hẳn lên khi nói về Lý con sáo: Con sáo bay từ Bắc đến Nam, và mỗi khi nó đậu nơi nào thì nó lại hót lên điệu hót của địa phương đó, nhưng câu hát cơ bản vẫn là: “Ai đem chim sáo sang sông/ Cho nên chim sáo sổ lồng bay xa”. Rồi ông còn ngân nga về cách luyến láy của Lý con sáo Trung Bộ và Lý con sáo Nam Bộ khác nhau thế nào, nhưng vẫn có sự thống nhất về tố chất tâm lý của một dân tộc…
Để rồi, lần hồi theo bước chân những người mở đất xuôi về phương Nam, về đến Bạc Liêu, cái mạch cảm xúc “Ai đem chim sáo sang sông” ấy đã thổn thức buồn mà tiếp biến và chuyển hóa thành Lý con sáo Bạc Liêu, với những câu từ dân dã, mộc mạc, giai điệu man mác buồn mà người viết bài này đã vừa khóc muồi vừa lặng lẽ nghe Phi Nhung ca trong điện thoại trong một đêm “dạ cổ hoài hương” gần 6 năm về trước. Ca rằng: “Rồi thì sáo cũng bay xa/ Bỏ trên bến nước tiếng ca buồn hiu/ Vàng trôi chẳng tiếc chi nhiều/ Tiếc thương em bậu chín chiều ruột đau…/ Ai đem cái kìa con sáo nó sang sông/ Để cho cái kìa con sáo sổ lồng bay xa”.
Mà vẫn chưa nghiệm ra, hôm bữa, không rõ là rượu khóc, “con sáo” khóc, hay mình khóc nữa.
Y Lan