Ba hiện vật của Bạc Liêu được công nhận bảo vật quốc gia

Thứ Sáu, 15/01/2016 | 14:41

Bạc Liêu vừa đón nhận tin vui mới: Chính phủ công nhận bảo vật quốc gia cho 3 hiện vật được khai quật tại Tháp cổ Vĩnh Hưng (ấp Trung Hưng 2, xã Vĩnh Hưng A, huyện Vĩnh Lợi). Từ đây, một hướng mới đang mở ra cho việc thu hút du khách về với vùng đất hữu tình này!

Tượng Nữ thần Laksmi và đầu tượng Thần Shiva. Ảnh: N.V

- Tượng Savashiva có hình dáng rất độc đáo: tư thế đứng, có 5 đầu, 10 tay; mỗi khuôn mặt đều có 3 mắt. Tượng không những có giá trị ở di tích kiến trúc nghệ thuật tháp Vĩnh Hưng, Nam bộ Việt Nam nói riêng, mà còn có giá trị trong việc nghiên cứu về lịch sử vương quốc Phù Nam - một vương quốc lớn nhất ở Đông Nam Á thời cổ.

- Nữ thần Laksmi là vợ của Thần Vishnu. Nếu như Thần Vishnu là tượng trưng cho sự bảo tồn thì Nữ thần Laksmi tượng trưng cho nhiều đức tính quý khác nhau theo truyền thống Ấn Độ như: may mắn, của cải dồi dào, sự phì nhiêu và sắc đẹp. Tượng nữ thần được tạc với dáng vẻ quý phái: dái tai dài dạng quý tướng; thân trên để trần thể hiện bộ ngực căng tròn, vòng eo thắt, mông to mang nét đặc trưng của nghệ thuật Ấn Độ; thân dưới mặc váy dài tới chân có thắt dây nơ dài trước bụng, thế đứng hơi lệch tạo nên sự mềm mại, nữ tính của người phụ nữ.

- Shiva là vị thần quan trọng nhất trong văn hóa Óc - Eo, xuất hiện trong suốt thời kỳ văn hóa Óc - Eo, có số lượng áp đảo so với các vị thần khác. Shiva là vị thần vừa mang tính hủy diệt vừa mang tính sáng tạo, vừa được coi là hung thần phá hoại, hủy diệt muôn loài, vừa là phúc thần bảo vệ đời sống của cư dân. Thần Shiva thường thể hiện dưới dạng một nam châm có 3 con mắt với mắt thứ ba ở giữa trán; 3 mắt tượng trưng cho mặt trời, mặt trăng, ngọn lửa thế gian và có thể nhìn thấu hết quá khứ, hiện tại, tương lai.

Bạc Liêu nổi tiếng với nhiều di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật không chỉ phục vụ tốt công tác nghiên cứu, giáo dục thế hệ trẻ, mà còn tạo điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch. Trong đó, Tháp cổ Vĩnh Hưng là di tích kiến trúc nghệ thuật thuộc nền văn hóa Óc - Eo còn sót lại duy nhất ở Tây Nam bộ với nhiều hiện vật quý giá, trở thành địa chỉ “hot” đối với các nhà nghiên cứu và hấp dẫn du khách trong, ngoài tỉnh.

Năm 2002, PGS-TS Bùi Chí Hoàng (Trung tâm Khảo cổ học thuộc Viện Khoa học Xã hội vùng Nam bộ) chủ trì cuộc khai quật trên diện rộng xung quanh chân Tháp cổ Vĩnh Hưng nhằm nghiên cứu về trật tự phát triển và niên đại hướng tới giải quyết vấn đề vị trí của tháp trong bối cảnh các nền văn hóa cổ ở Nam bộ Việt Nam. Năm 2011, PGS-TS Bùi Chí Hoàng tiếp tục tiến hành khai quật khu vực phía trước tháp và đã phát hiện nhiều hiện vật, cứ liệu quan trọng của toàn bộ kiến trúc tháp. Qua nhiều lần khai quật và trùng tu, tôn tạo, diện mạo Tháp cổ Vĩnh Hưng đã trở nên rõ ràng, khang trang hơn. Các phát hiện khảo cổ học qua những lần khai quật đã làm tăng giá trị duy nhất và độc đáo của một di tích trên vùng đất gần cực Nam Tổ quốc. Di tích này đã trở thành địa chỉ văn hóa của Bạc Liêu để mọi người từ mọi miền đất nước đến chiêm ngưỡng một giá trị văn hóa - lịch sử đặc biệt. Được công nhận là di tích cấp quốc gia năm 1992, hiện Tháp cổ Vĩnh Hưng đang được các cơ quan chức năng của Bạc Liêu trùng tu, tôn tạo các hạng mục như: nhà trưng bày, đường nội bộ, khuôn viên và các công trình phụ để phục vụ khách tham quan nhằm phát huy giá trị di tích này.

Trong đợt công nhận bảo vật quốc gia vào cuối năm 2015 mới đây (đợt 4), Thủ tướng Chính phủ đã công nhận 3 bảo vật được khai quật tại Tháp cổ Vĩnh Hưng, trong tổng số 25 bảo vật của cả nước. Đó là tượng Nữ thần Laskmi (niên đại thế kỷ VII), Tượng Sadashiva (niên đại khoảng thế kỷ thứ XII) và đầu tượng Thần Shiva (niên đại thế kỷ thứ XII). Ba bảo vật quốc gia này hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Bạc Liêu.

Các bảo vật phản ánh đời sống tinh thần đậm nét của nền văn hóa Óc - Eo, điều đó một lần nữa cho thấy: nền văn minh Óc - Eo đã tồn tại rất lâu ở vùng đất vốn có truyền thống văn hóa này. Điều này khẳng định sự giao thoa văn hóa từ ngàn đời nay và là cơ sở để người Bạc Liêu gìn giữ truyền thống gắn bó ấy. Tượng Nữ thần Laksmi có dáng tượng độc đáo nên có giá trị là một tác phẩm nghệ thuật, phản ánh trình độ, phong cách tạc tượng đá của vương quốc Phù Nam. Tượng Sadashiva là tượng duy nhất tìm thấy trong văn hóa Óc - Eo kể cả vương quốc Phù Nam và qua các đợt khai quật cho nên có giá trị nghiên cứu về lịch sử, văn hóa hậu Óc - Eo ở Nam bộ. Đầu tượng thần Shiva là đầu tượng duy nhất tìm thấy trong văn hóa Óc - Eo, một lần nữa khẳng định giá trị về mặt nghệ thuật. Từ đầu tượng thần Shiva, chúng ta có thể nghiên cứu khoa học về nghệ thuật, mỹ thuật, tín ngưỡng… của thời văn hóa Óc - Eo.

Với 3 bảo vật quốc gia mới được công nhận, Bạc Liêu đang có thêm điều kiện để phát triển du lịch và phục vụ công tác nghiên cứu. Không được thiên nhiên ưu ái ban tặng những danh lam thắng cảnh tuyệt đẹp, Bạc Liêu chọn con đường phát triển du lịch bằng những “điểm hẹn văn hóa” độc đáo như thế.

Ngọc Trân

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.