Bạc Liêu thân thương, nghĩa tình trong lòng các nhạc sĩ TP. Hồ Chí Minh

Thứ Hai, 29/07/2019 | 16:30

Dù đã nhiều lần hay chỉ mới lần đầu về thăm Bạc Liêu, song các hội viên của Hội Âm nhạc TP. Hồ Chí Minh đều có chung ấn tượng, tình cảm tốt đẹp về quê hương bản “Dạ cổ hoài lang”. Mảnh đất tuy còn nghèo khó nhưng luôn mang trong mình khát vọng vươn lên, với bản sắc văn hóa độc đáo và những con người trọng nghĩa tình, mến khách… đã dễ dàng “thấm” vào lòng bạn bè phương xa và trở thành chất liệu để các nhạc sĩ “bắt mạch”, khơi nguồn cảm hứng sáng tác.

Mới đây, Hội Âm nhạc TP. Hồ Chí Minh có chuyến thực tế sáng tác tại TP. Bạc Liêu. Sau nhiều năm trở lại nơi này, những nhạc sĩ tài danh của làng âm nhạc nước nhà nói chung, thành phố mang tên Bác nói riêng như: Trần Long Ẩn, Nguyễn Ngọc Thiện, Thế Hiển, Nhất Sinh, Hoài An… dù đã thân quen, đã hiểu về đất và người Bạc Liêu nhưng trong họ vẫn dâng trào cảm xúc.
Nhạc sĩ Nhất Sinh - năm 2016 đã sáng tác ca khúc “Hướng về Bạc Liêu” bày tỏ: “Tôi thật sự vui mừng vì được trở lại Bạc Liêu, trong không khí tỉnh đang hướng đến kỷ niệm 100 năm ra đời bản “Dạ cổ hoài lang”. Tôi đã thấy một Bạc Liêu đang ngày càng đổi mới nhưng tính cách con người thì vẫn vẹn nguyên sự mến khách và trọng nghĩa tình. Chính cốt cách này đã làm nên một Bạc Liêu thân thương, mang “âm sắc” riêng và khiến những ai đã một lần đến thăm cũng mong ngày trở lại”.
Chuyến thực tế sáng tác đưa hội viên Hội Âm nhạc TP. Hồ Chí Minh đến tìm hiểu những công trình văn hóa, điểm du lịch tiêu biểu của Bạc Liêu. Quảng trường Hùng Vương hội tụ nhiều công trình mang đậm nét văn hóa của 3 dân tộc anh em Kinh - Khmer - Hoa, Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tỉnh và Tượng đài sự kiện Mậu Thân 1968 - những biểu tượng về lịch sử đấu tranh hào hùng, truyền thống cách mạng vẻ vang của Bạc Liêu; Khu lưu niệm nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu như một “bảo tàng” lưu giữ tinh hoa của di sản văn hóa phi vật thể đại diện cho nhân loại; cánh đồng điện gió hùng vĩ đang được đầu tư xây dựng trải dọc 56km đường bờ biển… mang đến cho các nhạc sĩ những góc nhìn, chất liệu về một mảnh đất mang tầm vóc mới nhưng thấm đẫm tính nhân văn, đậm bản sắc văn hóa truyền thống.

Hội Âm nhạc TP. Hồ Chí Minh tham quan Khu lưu niệm nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu. Ảnh: H.T

Nhạc sĩ Thế Hiển chia sẻ: “Nói đến Bạc Liêu, điệu thức của bản “Dạ cổ hoài lang” là nền tảng để các nhạc sĩ thổi những giai điệu quê hương vào ca khúc, đặc biệt là những ca khúc mang âm hưởng Nam bộ. Từ sự trải nghiệm của chuyến sáng tác, tôi đã cảm nhận rõ hơn về tính cách, khát vọng đi lên của Bạc Liêu. Dù là địa phương còn khó khăn nhưng luôn cố gắng vươn lên, mở cửa đón bạn bè bằng tất cả tấm lòng, sự cầu thị và chân tình. Những điều này cho tôi nguồn cảm hứng dồi dào để tiếp tục chấp bút viết những ca khúc mới về Bạc Liêu, về vùng đất Nam bộ”.
Cũng trong chuyến thực tế sáng tác, Hội Âm nhạc TP. Hồ Chí Minh đã phối hợp với các đơn vị của Bạc Liêu như: Công an tỉnh, Sở VH-TT-TT&DL, UBND TP. Bạc Liêu tổ chức chương trình giao lưu văn nghệ, với chủ đề “Âm nhạc tỏa sáng”. Đồng thời, viếng Tượng đài sự kiện Mậu Thân 1968, dâng hương cho cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu và kết nạp hội viên mới.
Phó Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Chủ tịch Hội Âm nhạc TP. Hồ Chí Minh - Trần Long Ẩn cho biết: “Chọn Bạc Liêu làm nơi về nguồn sáng tác là vì tỉnh có bản sắc văn hóa độc đáo và là một trong những “chiếc nôi” quan trọng của nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ. Qua chuyến về nguồn, Hội mong muốn “mượn” truyền thống cách mạng hào hùng của địa phương để giáo dục lòng yêu nước, đạo lý uống nước nhớ nguồn và truyền cảm hứng sáng tác cho các hội viên, nhất là hội viên trẻ. Chúng tôi sẽ động viên các hội viên viết những ca khúc mới để làm quà tặng Bạc Liêu, cũng như góp một phần sức làm lan tỏa vẻ đẹp của đất và người Bạc Liêu đến những người yêu âm nhạc nước nhà”.
HỮU THỌ

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.