Bất khuất tên anh…

Thứ Tư, 26/07/2017 | 16:03

Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, dân tộc Việt Nam nói chung, nhân dân Bạc Liêu nói riêng đã trải qua muôn vàn gian khổ, hứng chịu bao mất mát, hy sinh để tạo nên một đất nước độc lập - tự do - hạnh phúc hôm nay. Trong những thời khắc ác liệt nhất của hai cuộc chiến, có những hy sinh đã hóa thành bất tử muôn đời. Máu xương các anh đã tô thắm thêm màu cờ Tổ quốc, tên các anh từ đó cũng trở thành những biểu tượng bất khuất, hiên ngang…

Dũng sĩ tuổi 13
Nhà thơ Tố Hữu đã từng viết: “Dân ta gan dạ anh hùng/ Trẻ làm đuốc sống, già xông lửa đồn”. Lịch sử Việt Nam có “ngọn đuốc sống” Lê Văn Tám, lịch sử kháng chiến ở Bạc Liêu còn có thiếu niên ôm mìn để diệt quân thù! Đó là Phùng Ngọc Liêm, một anh hùng tuổi nhỏ đã đi vào lịch sử. 
Phùng Ngọc Liêm sinh năm 1955, tham gia cách mạng ngày 1/2/1968 và hy sinh ngày 11/9/1968. Nghĩa là, 13 tuổi Liêm trở thành chiến sĩ (hoạt động tại đội biệt động thuộc Ban chỉ huy Thị đội Bạc Liêu), và anh dũng hy sinh chỉ sau hơn 7 tháng hoạt động cách mạng! Cha là liệt sĩ, lại hàng ngày chứng kiến tội ác mà địch gieo rắc trên quê hương đã nung nấu ý chí đánh giặc trong người hùng tuổi nhỏ này. Tự nguyện nhận nhiệm vụ dùng mìn diệt địch, trong thời khắc chọn lựa giữa tháo chạy để giữ lại tính mạng hoặc ôm mìn để “dụ” bọn địch tập trung lại hòng tiêu diệt hàng loạt, Phùng Ngọc Liêm đã bùng lên tinh thần “quyết tử, sống chết với kẻ thù” và đã ôm chặt chiếc giỏ xách có chứa mìn để gom địch lại. Một tiếng nổ vang trời cũng trở thành tiếng bom bất tử trong lòng nội thành kể từ giây phút ấy! Nhiều tên sĩ quan ngụy bị tiêu diệt tại chỗ, nhiều tên khác bị thương nặng, Phùng Ngọc Liêm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và hy sinh một cách oanh liệt, máu xương như tô thắm thêm màu cờ Tổ quốc. Đồng đội mất đi một chiến sĩ nhỏ gan dạ, anh hùng, gia đình mất đi một người con ngoan nhưng quê hương này lại có thêm một tượng đài anh hùng bất khuất. Liệt sĩ - anh hùng thời niên thiếu với tên gọi Phùng Ngọc Liêm sau đó cũng đã được tặng thưởng danh hiệu “Dũng sĩ diệt ngụy”. 

Tượng đài liệt sĩ Phùng Ngọc Liêm trong khuôn viên Trường tiểu học Phùng Ngọc Liêm (phường 3, TP. Bạc Liêu). Ảnh: C.K

Chiến đấu đến hơi thở sau cùng
Đó là liệt sĩ - Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (AHLLVTND) Trần Hồng Dân. Anh tên thật là Trần Văn Thành, sinh năm 1916 ở quận Phước Long (nay là huyện Thạnh Trị, tỉnh Sóc Trăng). Đầu năm 1946, trên cương vị là Bí thư Quận ủy Phước Long, trong một trận đối đầu với địch, nhằm bảo vệ tài liệu của đơn vị và an toàn cho đồng đội, Trần Hồng Dân đã quyết “mở đường máu”, một mình vừa rút lui để bảo vệ đơn vị, vừa bắn trả với bọn sĩ quan Pháp. Sức cùng lực kiệt, anh bị chúng bắt và bắn chết tại chỗ, sau đó chúng còn dùng dao xắt chuối chặt thi thể anh làm 3 khúc hết sức dã man…
Đó là liệt sĩ Ngô Quang Nhã xuất thân từ một gia đình địa chủ giàu có nhưng sớm giác ngộ cách mạng. 23 tuổi anh tham gia cách mạng, 29 tuổi hy sinh, chỉ 6 năm mà đã tham gia 44 trận đánh, góp công lớn trong diệt và làm thiệt hại 33 xe quân sự, diệt 4 đồn, giải phóng 2 xã… Trận đánh cuối cùng là vào năm 1962, khi tham gia đánh đoàn xe của địch tại cầu Phú Giao (huyện Vĩnh Lợi), do không nắm chắc tình hình của địch nên thế lực không cân bằng, anh bị thương nặng nhưng lại ra lệnh cho anh em rút lui, một mình chặn địch. Đến phút cuối, anh rút chốt hai quả lựu đạn tiêu diệt 3 tên địch, anh hy sinh còn đồng đội được rút lui an toàn…
Đó là đồng chí Trần Huỳnh, người con của thị trấn Hòa Bình, huyện Vĩnh Lợi (nay là Hòa Bình), đồng chí đảm trách nhiều nhiệm vụ như: công tác quân báo cho Tỉnh đội tại địa bàn tỉnh lỵ, Phó Đoàn trưởng Đoàn thanh niên cứu quốc tỉnh Bạc Liêu, Bí thư Thị đoàn Bạc Liêu… Khi hoạt động bị lộ, Trần Huỳnh bị bắt và bị tra tấn dã man, chẳng những không một lời khai báo, mà còn vạch mặt tội ác bọn Mỹ - Diệm. Bị địch tra tấn dã man, ngày 23/11/1956, anh trút hơi thở sau cùng tại Bệnh viện Bạc Liêu…
Chiến đấu đến hơi thở sau cùng còn có tấm gương những người liệt nữ anh hùng đất Bạc Liêu, đó là liệt sĩ - AHLLVTND Lê Thị Riêng, liệt sĩ Lê Thị Cẩm Lệ… Dù “chân yếu tay mềm”, nhưng các chị đã dũng cảm, mưu trí trước họng súng của kẻ thù, có chị còn gạt bỏ tình mẫu tử thiêng liêng để hoàn thành nhiệm vụ chung, và cuối cùng đã ngã xuống trong hiên ngang!
Những anh hùng liệt sĩ trên đây là điển hình trong hàng ngàn liệt sĩ của đất Bạc Liêu. Tri ân công lao to lớn đó, Bạc Liêu đã lấy tên các anh, các chị đặt thành tên gọi của huyện, trường học, con đường, công trình… để đời sau mãi nhớ! Hành động anh hùng, truyền thống “vì nước quên mình, quyết chiến quyết thắng” trong chiến đấu chống kẻ thù, góp phần giải phóng quê hương của các anh, các chị sẽ mãi lưu truyền đến mai sau.
Cẩm Thúy

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.