Bữa cơm gia đình: Nơi gắn kết yêu thương

Thứ Hai, 02/06/2014 | 17:59

Bữa cơm trong gia đình người Việt không chỉ đơn thuần là để mọi người được thưởng thức những món ăn ngon, mà còn là nơi gắn kết các thành viên, hình thành nên truyền thống tốt đẹp của gia đình. Và những bữa cơm ấy còn là yếu tố quan trọng góp phần xây dựng nên nền tảng hạnh phúc…

Bữa cơm gia đình ngày nay không được chú trọng

Xã hội ngày một phát triển khiến nhiều gia đình luôn phải tất bật với gánh nặng cơm - áo - gạo - tiền, chính vì lẽ đó, nhiều người không có thời gian để chăm lo cho bữa cơm gia đình. Thường thì trong gia đình, người đàn ông luôn là người trụ cột. Họ bận bịu với công việc ở cơ quan, nhiều khi ngoài giờ hành chính còn phải tiếp khách, tiệc tùng… nên thường vắng mặt trong bữa ăn của gia đình. Còn với người phụ nữ, nếu trước đây họ chỉ lo chuyện con cái, bếp núc thì nay nhiều chị em đã đảm nhận những vị trí quan trọng trong xã hội, nên việc vun vén cho bữa cơm gia đình đôi khi bị xao nhãng. Thay vì vất vả nấu nướng thì nhiều người đã chọn cách ăn uống sao cho giản tiện như: ăn ở quán, mua đồ ăn làm sẵn mang về nhà… Và thế là không ít gia đình lâm vào tình cảnh “cơm hàng cháo chợ” đến ngán ngẩm. Cũng từ đó đã dẫn đến tình cảm gia đình rạn nứt hay xảy ra mâu thuẫn giữa các thành viên do thiếu sự gắn bó và quan tâm lẫn nhau.

Bữa cơm gia đình Việt chứa đựng những yếu tố văn hóa hết sức tinh tế. Ảnh minh họa: B.T

Bà Trần Thị Út (ngụ phường 1, TP. Bạc Liêu) chia sẻ: “ Gia đình tôi có hết thảy 5 thành viên. Hai vợ chồng tôi giờ đã nghỉ hưu, ở nhà trông cháu. Con trai và con dâu tôi thì đi làm cả ngày, đôi lúc còn tăng ca nên không về nhà dùng cơm được, phải ăn ở bên ngoài. Nhiều khi tôi nhắc tụi nó tranh thủ thời gian ghé nhà ăn cơm, nhưng chúng gạt đi với lý do quá bận bịu. Già rồi, vợ chồng tôi chỉ mong sao được quây quần bên con cháu trong những bữa cơm mà sao khó quá”.

Bữa cơm gia đình - nơi gắn kết yêu thương

Theo các chuyên gia tâm lý, bữa cơm gia đình vô cùng quan trọng, đó là sợi dây kết chặt tình yêu thương giữa các thành viên trong gia đình với nhau; là nơi hun đúc tạo nên những giá trị truyền thống của gia đình. Và thông qua bữa cơm còn thể hiện rõ nét đẹp văn hóa trong giao tiếp và ứng xử, đó là phải “ăn coi nồi, ngồi coi hướng”, phải biết “học ăn, học nói, học gói, học mở”… Không chỉ vậy, khi quây quần bên mâm cơm, các thành viên còn thường nhường nhau từng miếng ngon để thể hiện tình cảm thân thiết, ấm cúng của gia đình. Nếu là trẻ nhỏ thì trong mâm cơm không được gắp thức ăn trước người lớn, dẻ cá phải dẻ từ dưới lên và tránh để cơm rơi rớt hoặc dư thừa trong chén, vì theo quan niệm của người xưa hạt gạo chính là “hạt ngọc, hạt vàng” cần được quý trọng. Hơn nữa, bữa cơm gia đình không phải chỉ để ăn cho no, mà còn là nơi quây quần của các thành viên sau một ngày làm việc vất vả, để cùng nhau thưởng thức những món ăn ngon và kể cho nhau nghe về chuyện học hành, công việc, những câu chuyện xảy ra bên lề cuộc sống…

Nhớ lại thời sinh viên luôn phải sống xa nhà, nên đối với tôi những bữa cơm “bụi”, những “bữa cơm không gia đình” đã không còn xa lạ. Nhiều lúc thèm được ăn cơm gia đình do mẹ nấu, tuy chỉ có tô canh rau với mẻ cá kho đạm bạc, vậy mà thật đậm đà hương vị và ấm áp tình yêu thương.

Hạnh phúc gia đình là thế, không khó để vun đắp mà chỉ đơn giản là qua những bữa cơm gia đình. Đó là nơi khơi nguồn cho sự yêu thương, gắn bó, là sợi dây vô hình gắn chặt tình thân. Và những người trẻ như chúng ta hiện nay cần nên có ý thức học tập và noi theo truyền thống tốt đẹp đó để góp phần giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa của gia đình Việt Nam.

Huỳnh Hiếu

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.