“Bữa tiệc” đặc sắc của sân khấu cải lương

Thứ Sáu, 29/09/2023 | 15:39

Đủ sắc màu, kịch bản phong phú mang đến nhiều tuyến nhân vật đa dạng, và cả khâu kỹ thuật, âm thanh, ánh sáng hiện đại hỗ trợ... Tất cả đã tạo nên những “bữa tiệc” nghệ thuật đặc sắc làm thỏa lòng khán giả mộ điệu khi đến với Cuộc thi Tài năng diễn viên cải lương toàn quốc - 2023 (gọi tắt là cuộc thi) diễn ra trọn 1 tuần tại Nhà hát Cao Văn Lầu (TP. Bạc Liêu).

Nguyễn Văn Mẹo (Sân khấu Chí Linh - Vân Hà) trong vai vua Lê Uy Mục (trích đoạn “Vua quỷ”).

Bức tranh từ cổ chí kim

Giới nghệ sĩ, soạn giả gạo cội của cải lương Việt Nam từng trăn trở: cải lương thời hiện đại thiếu vắng những kịch bản sử Việt. Vậy thì, ở cuộc thi này, hàng loạt trích đoạn về sử Việt đã “giải tỏa” nỗi lo đó! Có thể kể tên những trích đoạn cải lương như: “Bức ngôn đồ Đại Việt”, “Dấu ấn giao thời”, “Kẻ sĩ Thăng Long”, “Nỗi lòng quân vương”, “Trọn đời trung hiếu với Thăng Long”, “Bão lòng Trần Thị Dung”, “Bến nước Ngũ Bồ”... Những vở ấy, trên sân khấu được thiết kế như cung điện hoàng tráng, cùng phục trang đẹp, lối diễn đầy oai phong đã đưa khán giả thời hiện đại trở về quá khứ, lật lại lịch sử vương triều ngàn năm về trước của từng thời đại, nhất là khi nhìn ngắm những nghệ sĩ, diễn viên hóa thân thành Nguyễn Trãi, Lê Chiêu Thống, Lê Tư Thành, Lê Quyết, Lý Huệ Tông, Lý Chiêu Hoàng, Trần Thị Dung, Trần Thủ Độ...

Rời ánh hào quang của sân khấu thời vua chúa, khán giả có những lúc lặng đi khi chứng kiến những bom đạn vang rền với ánh chớp sáng lòe - là những trận ném mìn hòng tiêu diệt bước chân mở đường của những cô gái Trường Sơn năm ấy, rồi hình ảnh quân giặc tàn ác giày xéo quê hương, những màn tra tấn dã man trên sân khấu... Song, không khuất phục được những con dân yêu nước, đó có thể là một lão đồ đưa khách sang sông, một ông già nhà quê, một cô gái chân yếu tay mềm nhưng khẩu khí và chí khí trước quân thù luôn chất ngất...

Việc trùng lặp kịch bản, kể cả vai diễn dự thi là điều không hiếm ở các cuộc thi về cải lương. Như lần này, “Bến nước Ngũ Bồ” được Nhà hát nghệ thuật truyền thống Thanh Hóa và Đoàn cải lương Hải Phòng “đo ni đóng giày” cho thí sinh, “Dấu ấn giao thời” cũng được Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang và Nhà hát nghệ thuật truyền thống Thanh Hóa chọn diễn, “Đời luận anh hùng” là kịch bản được thí sinh Đoàn cải lương Long An và Viện nghiên cứu phát triển và bảo tồn văn hóa nghệ thuật Đông Nam Á thi diễn; và đặc biệt có 2 trích đoạn có đến 3 đơn vị chọn dự thi là “Thời con gái đã xa” (Nhà hát Cao Văn Lầu, Hội Văn nghệ dân gian Bạc Liêu, Đoàn cải lương Hải Phòng); “Dòng sông đỏ” (Nhà hát Cao Văn Lầu, Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang, Công ty TNHH tổ chức biểu diễn Song Việt)...

Nguyễn Văn Khởi (Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang) trong một cảnh bị tra tấn khi vào vai Lê Hồng Phong trong “Câu hò đất mẹ”. Ảnh: C.T

Hóa thân trên sân khấu

Khán giả thật sự rùng mình khi nhìn Nguyễn Văn Mẹo (Sân khấu Chí Linh - Vân Hà) vào vai Lê Uy Mục, một nhân vật được mệnh danh là “quỷ vương” trong lịch sử các triều đại vua chúa ở Việt Nam, (trích đoạn “Vua quỷ”). Từng ánh mắt, giọng nói và dĩ nhiên là những hành động dã man của tên bạo chúa đã được anh diễn tròn vai. Hay Diệu, một nữ thanh niên xung phong trong đội quân mở đường Trường Sơn, đã được đến 3 nữ diễn viên thể hiện, và cả 3 đều như bóp nghẹt tim người xem! Nhất là khi nhân vật đau xót tận cùng mà thốt lên: “anh ấy cho tôi đứa con không phải vì tình yêu, mà vì lòng nhân đạo”. Hay lão đồ trong “Bến nước Ngũ Bồ” được 2 diễn viên rất trẻ thủ vai, cũng cả 2, khi cất lên câu nói: “đất nước còn, ta không còn cũng được, đất nước không, ta có cũng bằng không” bằng sự kiên cường, bất khuất khi đối mặt quân thù đã làm rung lên những cảm xúc trong lòng khán giả.

Có rất nhiều trích đoạn, để hóa thân vào vai diễn, thí sinh đã phải lăn lộn, té ngã đến bầm chân tay từ khi tập diễn cho đến khi lên sân khấu. Thí sinh Hồng Thêm (Nhà hát Cao Văn Lầu) khi tập vai Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Lê Thị Riêng trong trích đoạn “Lửa” chia sẻ: “Em vào vai này té nhiều nên sưng và bầm luôn, mà lúc ấy không thấy đau đâu vì mình chỉ nghĩ mình là nhân vật đó, phải làm hết mình thì mới tròn vai”. Hay để tạo đúng hình tượng nhân vật, Mỹ Lệ (Hội Sân khấu Bạc Liêu) cũng phải hy sinh mái tóc dài để hóa thành nữ anh hùng Võ Thị Sáu, và dĩ nhiên cũng phải vất vả với những pha diễn bị tra tấn hành hình. Nguyễn Văn Khởi (Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang) cũng chịu cảnh tương tự khi vào vai Lê Hồng Phong trong “Câu hò đất mẹ”...

Những vai diễn hài nhưng ý tứ sâu cay và để lại nhiều suy ngẫm trong lòng người xem cũng đã được các thí sinh chọn. Như vai Chí Phèo (trích đoạn “Bát cháo nghĩa tình”) do Hải Đăng (Nhà hát Cao Văn Lầu) thể hiện, Thầy Lý (trích đoạn “Truân chuyên dải yếm đào”) do Mai Xuân Hùng (Nhà hát Cải lương Hà Nội) thủ vai...

Diễn viên Thúy Ái (Nhà hát Cao Văn Lầu) trong vai Diệu (trích đoạn “Thời con gái đã xa”).

Và những điều đọng lại

Nhiều người vẫn mang tâm lý: cải lương là sến súa, là sướt mướt, ủy mị. Nhưng, ai có quan niệm này tình cờ bước chân vào sân khấu cuộc thi sẽ nghĩ khác với bữa tiệc nghệ thuật này - vì những điều như trên đã phân tích.

Trả lời với báo giới xoay quanh chất lượng cuộc thi, Nghệ sĩ ưu tú Lê Nguyên Đạt (Chủ tịch Hội đồng Trường đại học Sân khấu điện ảnh TP. Hồ Chí Minh, thành viên Ban giám khảo) khẳng định: “Những diễn viên tham gia cuộc thi lần này chính là lực lượng kế thừa đầy sinh lực cho sân khấu cải lương hôm nay và mai sau. Qua từng vai diễn nhuần nhuyễn, lời ca tiếng đờn ngọt ngào, các thí sinh đã thật sự thăng hoa và vượt lên chính mình. Lớp diễn viên hôm nay chính là gạch nối thế hệ, đại diện cho văn hóa dân tộc thời đại mới. Họ không chỉ là người giữ “lửa” nghề mà còn có trách nhiệm làm cho cải lương luôn đẹp và văn minh để song hành cùng thời đại. Cuộc thi rồi sẽ đi qua với những bài học quý dành cho mỗi người tham dự, để từ đó càng thêm trân trọng, giữ gìn và làm nghề một cách tử tế. Việc quan trọng và lớn lao hơn là khi trở về với đơn vị, họ lại là những con ong chăm chỉ, tận hiến niềm đam mê và nhiệt huyết của mình cho sân khấu cải lương”.  

Riêng ở vai trò khán giả, người viết có những đúc kết “bỏ túi” từ cuộc thi này. Trước hết, nếu kể câu chuyện lịch sử bằng sự giản dị, bằng cảm xúc trong từng lời thoại, ánh mắt, cử chỉ nhân vật và khai thác các ưu thế vốn có của nghệ thuật cải lương (đưa vào các bài bản, điệu thức phù hợp với bối cảnh) thì không lo kịch bản sử Việt thiếu khán giả.

Khía cạnh nữa, diễn viên, lực lượng kế thừa cho sân khấu cải lương vẫn tràn trề sinh lực. Vấn đề còn lại là “ông bầu” cần đào bới kịch bản hay, hợp thời, cần có sàn diễn để nghệ sĩ tung hoành. Bởi thành công của diễn viên đến từ phút xuất thần của nhân vật trong trích đoạn, nhưng yếu tố đóng vai trò tiên quyết hơn cả vẫn là kịch bản hay tạo đất diễn cho họ! Một khán giả mộ điệu ở Bạc Liêu cũng chia sẻ quan điểm: “Nếu trích đoạn dự thi chưa đạt yêu cầu thì không đổ lỗi hoàn toàn cho diễn viên được. Do chưa có kịch bản hay hoặc do “bầu sô” không định hướng nên kịch bản có thể ít đất diễn để diễn viên trổ tài”.

Một điều nữa thường lặp đi lặp lại là, ở các cuộc thi, sự tham gia góp mặt để cổ vũ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm (như mục tiêu Ban tổ chức từng nêu) giữa những đơn vị bạn với nhau còn hạn chế, đa số là chỉ lo trọn phần thi của mình rồi... về!

Và để nâng cao chất lượng biểu diễn nghệ thuật phục vụ cho Nhân dân, một vấn đề không thể không nhắc là cần có những vở hướng về Nhân dân, được dân quan tâm. Khán giả H.T chia sẻ: “Cơ cấu xưa - nay của kịch bản cải lương đang thiếu phần “nay”, những trích đoạn chính kịch còn ít và đề tài “hot” đương đại chưa hiện diện”. Những đề tài “hot” là gì? Cần có câu trả lời của những người tâm huyết đang tiếp tục tìm tòi để làm mới cải lương vốn luôn là niềm đam mê - không chỉ của những “kiếp tằm” trên sân khấu mà còn của nhiều thế hệ khán giả vẫn trung thành với sân khấu cải lương.

Cẩm Thúy

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.