Văn hóa - Nghệ thuật
Bút ký “Bửu bối của dòng họ” của nhà văn Phan Trung Nghĩa: Những “bửu bối” để đời...
Bút ký “Bửu bối của dòng họ” của nhà văn Phan Trung Nghĩa vừa được tạp chí Văn nghệ Quân đội tặng thưởng tác phẩm văn xuôi của năm 2015 (đây là giải thưởng hàng năm do Tạp chí Văn nghệ Quân đội trao tặng để ghi nhận đóng góp của những tác giả, cộng tác viên có tác phẩm xuất sắc trong năm). Đọc lại những thông điệp gửi gắm trong bút ký, mới vỡ lẽ, đó không chỉ là “bửu bối của dòng họ” của riêng tác giả, mà biết đâu đó cũng là bửu bối để đời của mỗi chúng ta! Trong muôn vàn bửu bối của truyền thống văn hóa Việt Nam đã được kiến tạo, gìn giữ; thứ bửu bối ấy luôn cần được bảo tồn, phát huy trong xã hội hôm nay và mai sau…
Dẫn dắt vào câu chuyện là tình huống chị Út Dứt trút hơi thở cuối cùng vì tai biến mạch máu não. Nhưng đó không phải là tình huống người viết đưa ra để lấy nước mắt người xem, dù câu nói của đứa con nghe mà đứt từng đoạn ruột: “Về nhà mình mẹ ơi!”… Cái điều muốn đề cập tiếp đến của nhà văn Phan Trung Nghĩa (em bà con cô cậu với chị Út Dứt) là nỗi lo làm sao chị Út có được mồ yên mả đẹp khi mà gia cảnh chị quá bần hàn. Thế rồi, cái đám tang ấy có đông nghẹt người ta đến phúng viếng, bà con họ hàng ở thật xa cũng về, người tiếp một tay lo hậu sự, thế là chị Út Dứt đã được mồ yên mả đẹp trong cái sự bất ngờ đến ngỡ ngàng của chính người viết…
Sự ngỡ ngàng đó lại trở về bình thường khi nhà văn Phan Trung Nghĩa ngộ ra rằng đó là truyền thống dòng họ, dòng máu dòng họ, thứ bửu bối mà dòng họ mình đã tạo ra, gìn giữ và lưu truyền nhiều thế hệ. Nhà văn đã đưa độc giả quay ngược thời gian trở về quá khứ, cách đây ngót nghét trăm năm. Đó là thời điểm ông bà nội của ông từ miệt Tiền Giang xuôi về khai phá một vùng đồng bưng cỏ mọc cao ngang bụng trâu, cái làng chưa có tên gọi (nay là xã Vĩnh Trạch, TP. Bạc Liêu). Vốn liếng chỉ có đôi bàn tay cần cù lao động, cùng đàn con nheo nhóc, vậy mà những “người xa xứ lạc loài đến đây” ấy đã gầy dựng nên cơ ngơi ngày một lớn. Lo phận mình an cư lạc nghiệp xong rồi, họ còn tính đến chuyện ngược về chốn cũ mời gọi người đồng hương xuôi về đất mới làm ăn, rủ rê rồi nuôi chứa đồng hương trong nhà như anh em ruột thịt… Câu chuyện khai phá đất mới và tấm lòng nhân hậu, bao dung của đời ông, rồi đời cha của người viết bút ký, cũng chính là câu chuyện “hành phương Nam”, khai phá vùng đất mới của nhiều người dân xa xứ của hơn trăm năm trước. Trong những chuyến đi đó, những truyền thống văn hóa bản địa cũng được nảy mầm. Trong đó, nổi bật là cách sống, cách ứng xử đậm tình người…
Việc phục dựng mô hình Tết quê trong Hội Xuân hàng năm (do Hội Nhà báo tỉnh tổ chức) luôn chú trọng giữ gìn truyền thống dòng họ, truyền thống gia đình. Ảnh: M.Đ
Truyền thống dòng họ đã được nhà văn nâng giá trị lên thành “bửu bối” - đã được hình thành trong bối cảnh đó. Cuộc sống khó khăn, phải đương đầu với những nhọc nhằn thời khai phá, với máu và nước mắt thời loạn lạc khiến dòng họ thắt chặt tình máu mủ với nhau hơn. Chị em trong nhà đùm bọc lẫn nhau, con cháu cũng biết yêu thương nhau và nhắc nhớ rằng mình có chung cội nguồn. Trải dài bút ký toàn những câu chuyện xúc động về nghĩa tình dòng họ. Đó là câu chuyện của một người thanh niên chiến đấu quả cảm rồi bị giặc bêu đầu giữa chợ, thế là anh em họ hàng hừng hực khí thế căm thù, rồi cùng nhau bước tiếp con đường vinh quang vì Tổ quốc; là câu chuyện người anh qua đời để lại ba đứa con nhỏ, người em vừa nuôi dưỡng cha mẹ già vừa cưu mang đàn cháu cho đến chúng trưởng thành mới tính chuyện riêng mình; là chi tiết chị Út Dứt lạy bàn thờ ngoại mình tới 8 lạy rồi “cắt nghĩa” rằng: 4 lạy là của mình, 4 lạy kia là thay mẹ mà lạy ngoại… Cái sự cắt nghĩa đó khiến nhà văn Phan Trung Nghĩa ngộ ra một bài học: “Ba tôi mất rồi, nếu tôi có lạt phai tình cảm dòng họ thì tôi cũng phải nhớ tới ba tôi chớ…”. Nhớ, để từ đó ông không dám chểnh mảng việc giỗ kỵ, lễ tết ở nhà cô, bác mình nữa!
Nhưng, nhà văn cũng không thể phủ nhận rằng, truyền thống dòng họ mình đang có sự rạn nứt, ông “tự bạch” như thế này trong đoạn kết của bút ký: “Tôi viết bút ký này trong tâm trạng xót xa vì nhận ra truyền thống của dòng họ mình đang có dấu hiệu của sự phôi pha, rạn nứt”. Sự rạn nứt đó là khi đám tang của chị Út Dứt, người anh ruột của chị không qua nhà nhìn mặt em lần cuối chỉ vì lời thề độc trong một vụ kiện thưa giữa hai anh em với nhau. Và đứng trước tình cảnh đó, nhà văn viết: “Cảm xúc của tôi hôm nay là nghe dòng máu dòng họ trong tôi đang chảy quằn quại thống thiết khi nhìn thái độ bàng quan của anh, khi biết được bàn thờ cô Ba tôi có đến hai, ba người thờ, do giận nhau, không tới với nhau”. Đó cũng là những rạn nứt đang gióng lên hồi chuông báo động về truyền thống gia đình, truyền thống dòng họ trong xã hội đương đại…
“Bửu bối của dòng họ” của nhà văn Phan Trung Nghĩa, đọc xong, khép từng trang giấy lại rồi thì ta mới nghiệm ra rằng đó là bửu bối mà mỗi dòng họ trong mỗi đại gia đình chúng ta nên biết dưỡng nuôi, giữ gìn như ngọc quý. Xin mượn lời kết trong bút ký cũng có thể gọi là sự chắt lọc, kết tinh thật sâu sắc của tác phẩm này, để kết thúc bài viết: “Truyền thống dòng họ là văn hóa, cái thứ văn hóa được sinh ra từ văn hóa dân tộc nhưng nó làm phong phú thêm để khẳng định những giá trị đạo đức của truyền thống văn hóa hóa dân tộc. Trong thời buổi hội nhập, việc chấn hưng văn hóa dân tộc, quay về với tâm hồn dân tộc là vấn đề sống còn, trong đó bao hàm cả vấn đề truyền thống dòng họ”.
Cẩm Thúy
- Phiên họp thứ 4 Ban Chỉ đạo Trung ương triển khai Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát
- Gần 200 võ sinh thi thăng đẳng môn Vovinam
- Quay hình chương trình đờn ca tài tử năm 2025
- Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh: Thăm, chúc mừng Đại lễ Phật đản Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh và các cơ sở Phật giáo
- Hơn 300 đoàn viên, công nhân viên chức, lao động tham gia Hội thao chào mừng Tháng Công nhân