Văn hóa - Nghệ thuật
Cà rem
Từ “cà rem” giờ đây chắc hẳn chỉ con nít ở những vùng thôn quê mới hay dùng để gọi một món ăn khoái khẩu của độ tuổi này. Buổi trưa hè, nghe tiếng “leng keng” quen thuộc, bon trẻ lại ùa ra sân gọi í ới: “cà rem, cà rem”. Với vài ngàn đồng vừa xin được của mẹ, chúng được thưởng thức một cây kem mát lạnh sảng khoái trong buổi trưa nóng nực…
Làm gì có được những chiếc kem vừa “sang trọng”, đắt tiền, thơm ngon mang thương hiệu như Marino, Wall’s hay những ly kem tươi đủ hương vị như ở vùng thành thị, lũ trẻ ở quê thường chỉ được ăn những loại cà rem không thương hiệu, cà rem dạng kem tươi đóng thùng khi mua được múc vào chiếc bánh hình xoắn ốc, chiếc bánh xốp hình con sò úp hai mặt lại với nhau, sang hơn một chút cũng chỉ là loại kem có tên cơ sở sản xuất dạng nhỏ lẻ tại địa phương. Giá phải rẻ thì những ông bán cà rem mới mong bán được cho trẻ nhỏ ở những vùng nông thôn, thế nên chuyện bán kem ngon, có uy tín không ai nghĩ tới, không ai dám… bán, sợ bị ế! Đôi khi, vì đảm bảo tiêu chí rẻ nhưng muốn có đồng lời nhiều nên một số cơ sở sản xuất kem đã pha chế với công thức sao cho… ít vốn nhất, thế là nhiều khi bọn trẻ thưởng thức cà rem xong thì sinh ra bệnh đau bụng, tiêu chảy làm mẹ cha một phen hú vía… Chỉ tội cho mấy ông bán cà rem dạo là lãnh phần trách nhiệm, trong khi họ chỉ là những người vất vả kiếm đồng lời nhỏ nhoi từ việc mua sỉ, bán lẻ.
Hồi nhỏ, tôi thường được mẹ đón mua cho cà rem được xắt thành khối vuông, sau đó nó được ghim vào trong một cây tăm. Thế là có món cà rem thơm ngon, thanh mát. Cái mùi vị béo ngọt của nó cho tới bây giờ tôi còn chưa tìm ra loại kem cao cấp nào mà ngon được như thế. Hay phải chăng vì cuộc sống ngày xưa thiếu thốn, cho nên cà rem trở thành “đặc sản” của lũ trẻ nhà nghèo như tôi... Cà rem ngày ấy không được trang trí bằng màu sắc bắt mắt như bây giờ, nó có màu trắng đục của nguyên liệu nước cốt dừa, màu xanh của lá dứa, đậu xanh, màu vàng của mít… Còn cà rem ở những vùng nông thôn bây giờ đủ sắc màu, chắc chắn nó không chỉ làm bằng hương liệu tự nhiên mà còn được “dặm” thêm hóa chất.
Tiếng “leng keng” của ông bán cà rem mỗi buổi trưa hè lại làm tôi nhớ về món ăn đặc sản của tuổi thơ mình. Và đôi khi âm thanh ấy còn gợi cho tôi niềm thương cảm đối với cái nghề cực nhọc nhưng hiếm hoi đồng lời. Đạp xe khắp xóm, thi thoảng mới bán được cây cà rem vài ngàn đồng, cà rem dễ tan chảy trong miệng và cũng dễ tan chảy thành nỗi vất vả nhọc nhằn của những người bán cà rem…
Phan Anh
- Long trọng Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước
- Đoàn đại biểu tỉnh Ninh Bình đến Bạc Liêu dự mít-tinh kỷ niệm Ngày 30/4
- Lãnh đạo Tỉnh ủy kiểm tra các hạng mục khánh thành Bảo tàng tỉnh Bạc Liêu
- Khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 4 - năm 2025
- Đoàn Văn công Bộ đội Biên phòng biểu diễn nghệ thuật phục vụ cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân khu vực biên giới biển