Sau lũy tre làng

Cái cự củi

Thứ Hai, 24/02/2020 | 16:21

Người thành thị, chắc vô phương biết cái cự củi. Đó là nơi để chứa củi ở một góc sân, hoặc trong góc bếp ở quê. Tận dụng khoảng trống dưới gầm bếp hoặc đóng hai cái cọc chất củi lên ngay hàng thẳng lối ở ngoài sân thì đã có cái cự củi để dành sử dụng cho việc bếp núc lâu dài. Nhiều gia đình có nhiều cự củi trong nhà để nấu nướng trong những tháng mưa dầm.

Cự củi ở nông thôn. Ảnh: C.T

Những đứa trẻ lớn lên chốn thị thành chắc còn không biết củi là gì. Bởi, góc bếp núc ở đại đa số gia đình thời nay, từ thành thị đến nông thôn, người ta đã sử dụng nồi cơm điện, bếp gas, bếp điện từ, lò vi sóng, lò nướng… thay cho chất đốt là củi của mấy chục năm trước. Củi giờ chỉ còn được sử dụng ở nông thôn, trong những gia đình nghèo khó, hoặc nếu còn được sử dụng ở những gia đình khá giả thì chắc chắn nhà đó phải còn người lớn tuổi. Nói điều này là vì, thường chỉ những người nhà quê có tuổi với bản chất cần kiệm mới tận dụng củi để nấu nướng. Nhà có đủ điều kiện để sắm lò điện, bếp gas nhưng xung quanh sân vườn có củi thì không thể lãng phí thứ tài nguyên thiên nhiên có sẵn này được.

Củi phong phú, đa dạng lắm. Đó là cây so đũa, cây trâm bầu, tàu dừa, lá dừa, vỏ trái dừa, những thứ nhánh khô mục rụng trong vườn, sang hơn thì có cây đước… Miễn cây gì có thể chẻ ra được, đem phơi khô được thì loại đó sẽ là củi. Về nông thôn ngày nay, bất chợt nhìn hình ảnh những người dân nông thôn ngồi cặm cụi chẻ củi, thấy nhớ thương làm sao ông bà mình ngày xưa từng nhọc nhằn với công việc này. Mỗi lần đi chặt củi, phải cần có một cây búa, hoặc nếu là dao thì phải là loại có lưỡi dày, dao không cần bén nhưng phải dày và thật chắc ở phần giáp nối giữa lưỡi và cán, cần thêm một cái thớt (hoặc khúc cây to) để lót phía dưới, tránh để mẻ lưỡi búa, lưỡi dao. “Người chặt củi không chỉ dùng sức mà phải dụng thế để việc bửa củi được an toàn, không phí sức”, hồi đó ông ngoại vẫn hay nói với tôi như vậy để sau này tôi lớn lên có thể thành một nội trợ đảm đang, khéo léo.

Người nhà quê có cái tính “tích cốc phòng cơ”, nghĩa là biết lo xa nhiều việc. Chẳng hạn như khi no thì biết để dành lúc đói, khi trời còn nắng chang chang thì vẫn biết lo đến lúc mưa dầm. Trong chái bếp của nhà quê, cái cự củi chính là biểu hiện cho sự lo xa ấy. Người ta chất củi để dự trữ cho lúc mưa xuống, nên cái cự củi không bao giờ vơi, vừa cạn đi là bắt đầu đi tìm củi để chẻ, phơi khô; có nhà có đến vài cái cự củi để dành trong bếp, ngoài sân.

Cái cự củi là biểu hiện cho tính chăm chỉ, cần mẫn của những người ở quê, nhất là người phụ nữ nội tướng trong nhà. Nhìn vào cách chất cự củi cũng biết cái nết người làm nên nó. Những cái cự củi ngay ngắn, củi loại nào chất theo loại ấy chính là biểu hiện cho tính khéo léo, tỉ mỉ của chủ nhà. Những cự củi để ngoài sân còn được chuẩn bị sẵn những tấm cao su phòng khi đột ngột mưa xuống. Nhớ hồi còn nhỏ, đang chơi ngoài sân với chúng bạn, hễ trời vừa có đám mây đen thì việc đầu tiên mà bà ngoại vẫn hay réo gọi bầy cháu là “dọn củi vô mấy đứa ơi”…

Cự củi nhà quê giờ khá hiếm hoi, nhưng mỗi lần nhìn thấy lại gợi trong tôi hình bóng thân thương của bà, của mẹ đang loay hoay bên chái bếp đầy khói tỏa…

Nhật Quỳnh

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.