Ký ức một thời

Chòm mả hoang ở đầu vàm Cả Vĩnh

Thứ Tư, 24/04/2024 | 15:19

Tôi chôn nhau cắt rốn ở ấp Bờ Xáng, thuộc xã Vĩnh Trạch (TP. Bạc Liêu) bây giờ. Đó là cái ấp nghèo, vùng sâu, nằm trên bờ sông Bạc Liêu. Đối diện với ấp Bờ Xáng là ấp Cả Vĩnh (xã Hưng Hội, huyện Vĩnh Lợi). Ấp Cả Vĩnh thì làng xóm định hình từ lâu và định vị cách bờ sông khoảng 500m, phía triền sông nhà cửa rất thưa thớt, chủ yếu người xóm Bờ Xáng chạy qua ở để tản cư - trốn chiến tranh.

Một điều rất lạ là, chỉ cách một con sông, chưa đầy 100m mà trước năm 1975, ấp Cả Vĩnh là vùng chính quyền Sài Gòn kiểm soát, là ấp bình định của họ. Còn phía ấp Bờ Xáng là địa bàn hoạt động của lực lượng giải phóng miền Nam Việt Nam. Xóm Bờ Xáng rừng rất nhiều, ven sông là rừng trâm bầu, mắm và lá dừa nước, sau hậu làng cũng là những vạt rừng chồi chạy dài mút tầm mắt. Bởi thế, quân giải phóng hay vào hoạt động ban đêm và trong những cụm rừng sau làng họ làm nhiều hầm bí mật. Năm 1972, lính đồn Cả Vĩnh kéo sang lùng trong cụm rừng nhà tôi, họ phát hiện 3 cái hầm bí mật, may mà cán bộ cách mạng ẩn núp tại hầm kịp thời chạy thoát, gia đình tôi cũng kịp thời xuống ghe lánh nạn vào chùa Cù Lao (chùa Khmer). Thế là quân đội Sài Gòn chỉ lấy được mấy cái lò xô, chén, đũa... Họ ấm ức nên đốt căn nhà lá của tôi cháy rụi.

Tôi sinh năm 1961, nên gần như “hứng” trọn cuộc chiến tranh chống Mỹ. Đó là lúc người Mỹ nhảy vào dựng nên chính thể Việt Nam cộng hòa đệ nhất, đệ nhị, từ Tổng thống Ngô Đình Diệm đến Nguyễn Văn Thiệu, họ viện trợ tài lực và nặn ra những chiến dịch, chiến thuật từ những bộ óc đỉnh cao của nền văn minh Mỹ. Đó là cuộc chiến tranh “Tìm diệt”, chiến lược “Bình định” nông thôn, chiến dịch “Phượng hoàng”…, đẩy chiến tranh Việt Nam lên thành “Việt Nam hóa chiến tranh”. Chiến tranh leo thang dần cho đến khi nó bước vào cường độ mà người ta bật thốt: Chiến tranh khốc liệt, chiến tranh tàn độc. Và nó được  diễn ra một cách trần trụi nhất, xúc cảm nhất của từ ngữ này.

Bắt đầu từ năm 1967 - 1975, xóm Bờ Xáng và những làng xóm phụ cận trở thành điểm dội pháo của quân lực Việt Nam cộng hòa. Cứ khoảng 3 giờ chiều là chiếc đầm già L19 bay từ tiểu khu Bạc Liêu ra rồi lượn nghiêng, lượn dọc, nơi nào mà nó nghi ngờ có cộng sản là y như rằng đêm ấy, lúc thì đầu hôm, lúc rất khuya, pháo 105mm từ Bạc Liêu bắn ra dội trên đầu xóm làng nhà cửa. Hồi đó bọn tôi 5 - 7 tuổi đã biết thích nghi với đời sống chiến tranh. Tôi đi cắm câu, giăng lưới ngoài đồng nghe tiếng đề-pa của pháo từ hướng Bạc Liêu thế là lắng nghe tiếng hú của đường đạn bay hễ nó “queo quéo” là biết rằng trái pháo đó nổ cách xa mình, thế là cứ xổng lưng mà gỡ lưới. Nhưng nếu âm thanh nghe “xè xè” thì phải lập tức nhảy xuống kênh mà lặn. Có bữa nhảy không kịp, pháo nổ gần, cục lửa cỡ cái nhà, ngực tức muốn nín thở, may là không dính mảnh pháo.

Minh họa: V.T

Đêm chiến tranh đi qua nặng nề và đầy ác mộng. Bọn trẻ chúng tôi bị lùa vào hầm tránh pháo mà ngủ. Đó là những căn hầm chật chội và nóng như lửa đốt, mồ hôi tứa ra suốt đêm rồi ghẻ lở khắp người. Chúng tôi chỉ ước mơ có một ngày đẹp trời đi vào giấc ngủ có gió thu mơn man da thịt. Cứ thế những đêm hãi hùng, nặng trịch đi qua trong đời chúng tôi, âm thanh là tiếng pháo nổ đinh tai nhức óc, hòa lẫn với tiếng chó tru hoảng loạn. Và năm, ba bữa có tiếng khóc rộ lên từ nhà ai đó trong sớm vì pháo rớt trúng nóc hầm, gia đình có người chết, có những cái chết cả gia đình không sót một ai.

Cái làng Bờ Xáng của tôi thuở nghèo đến “rớt mồng tơi”. Có người đến lớn tồng ngồng mà chưa biết chợ Bạc Liêu tròn méo thế nào. Tối ngày cứ cấy, gặt, rồi cắm câu, giăng lưới kiếm ăn. Chẳng ai đoán trước ngày mai mình còn sống khi mà bom pháo đầy trời. Ngoài việc chịu những trận pháo 105mm bắn ra hằng đêm thì chúng tôi còn phải đội đạn bom của con đầm già L19 phóng pháo giết người. Rồi trực thăng soi đêm, bắn xuống làng xóm âm thanh nghe như bò rống. Chưa hết, tàu chiến từ chợ Bạc Liêu cứ cách ngày là chạy ra, họ dùng súng phóng lựu M79 và cả súng 38mm bắn lên những cụm rừng chòi của làng tôi.

Ngày 14/7/1968 (âm lịch), lúc đó tôi 8 tuổi, nhưng vì sự việc xảy ra tang thương quá nên tôi không thể nào quên. Buổi sáng đó trên bến sông, trước mặt nhà anh Tư Đẩu - cạnh nhà tôi, có một chiếc ghe cập bến và người ta bu kín bến sông. Tôi nhìn xuống ghe, phía dưới lớp cao su đậy lòi ra tay chân của trẻ con và người lớn, dưới nữa là máu đỏ ngập đáy nghe. Thì ra vợ chồng thằng Năm Dửng - con anh Tư Đẩu đang chạy ghe lên vùng trên mua cóc, ổi, mía về bán Rằm tháng 7 thì một trái 105mm từ Bạc Liêu bắn ra làm chết cả gia đình nó, gồm vợ chồng và 2 đứa con.

Đến chiều hôm sau, khoảng 6 giờ, anh Tám Cầm, một người bà con của tôi chạy bộ từ xóm Năm Căn ra báo cho nhà tôi biết là chị Hai tôi vừa bị chiếc máy bay L19 bay theo triền sông Bạc Liêu hằng ngày phóng pháo chết rồi. Chị Hai tôi tên Hai Nhạc, chị hiền và đẹp nhất xóm. Da chị trắng ngần, mái tóc bồng bềnh màu nâu. Suốt ngày chị giữ em, nấu cơm rồi xuống bến sông trước cửa nhà để thụt chem chép, cá bóng sao… làm thức ăn cho gia đình. Má tôi đi chợ về, mua một cây mía chặt ra đều cho các con, phần của chị chị không ăn mà đến tối chị kéo tôi và con Diệu (em gái tôi) vào buồng chia cho hai đứa. Mới 17 tuổi ba má tôi gả chị ra xóm Năm Căn cách nhà tôi khoảng 4 cây số vì ngoài đó chiến tranh cường độ thấp hơn trong này.

Chị Hai tôi lãnh nguyên một trái pháo, tay chân gãy hết, đầu tóc cháy sém. Anh rể tôi thổn thức, khi chết chị đã có thai. Ba má tôi đầy sự buồn tủi, chở con gái của mình về chôn ở cặp bìa rừng sau hậu đất. Mấy chục năm sau tôi nhìn cái mả chị cô quạnh và buồn hiu hắt trong những buổi chiều tàn mà nước mắt ứa ra, rồi bật thốt: Cuộc đời con người chỉ có vậy ư?

----------------------------------------

Nước mắt của má tôi chảy dài theo những năm tháng ấy. Và những năm tháng ấy, mắt của người làng tôi cũng rất lạ, nhìn vào ta không bắt gặp sự mưu toan, mà ở đó hằn lên những tia máu đỏ, hoảng loạn và đầy sợ hãi. Khúc sông quê của làng tôi xưa vốn sôi động với cảnh trẻ con tắm sông, thôn nữ ra sông giặt áo, rồi người ta chất chà đánh bắt tôm, cá…  thì từ năm 1966 - 1970 lại vắng lặng đến phát sợ.

Đêm đêm bầy đom đóm bay lập lòe trên những rặng bần, mắm ở triền sông, thứ ánh sáng ẻo lả như ma trơi. Ban ngày sông cũng quạnh vắng, lờ đờ trôi trong tiếng bìm bịp dội rền nghe trầm uất u buồn đến lạ và trên cái dòng nước lờ đờ ấy thi thoảng người làng nhìn thấy một tử thi trương sình trôi ngang. Đặc biệt là năm 1968, người chết trôi sông rất nhiều mà bọn trẻ con chúng tôi gọi là “chòng chỏng chết trôi”. Có thể đó là lính quốc gia đi càn vào vùng căn cứ Vàm Lẽo bị bắn chết, cũng có thể là quân giải phóng tấn công vào TX. Bạc Liêu trong sự kiện Mậu Thân 1968 bị giết thả trôi sông. Và cũng có khi họ chỉ là dân thường chết vì tên bay, đạn lạc. Mà dù cho họ là ai thì nó cũng là nỗi cám cảnh xót thương của cư dân ở hai làng Bờ Xáng và Cả Vĩnh. Họ thương cho cái đời “trôi sông lạc chợ”. Thế là mấy ông già của hai xóm bơi xuồng ra buộc dây kéo những tử thi ấy về phía đoạn sông cuối của hai làng mà người của làng tôi gọi là đầu vàm Cả Vĩnh. Rồi họ dọn ráng, ô rô, cóc kèn, đào thành những cái huyệt. Nắm đất sình nhão nhoẹt được đắp lên thành một nấm mộ. Đây là nơi an nghỉ ngàn năm của một kiếp người. Chỉ có nấm mộ thôi, hoàn toàn không có bia ghi tạc tên người.

Cứ thế năm tháng trôi qua, sau này con nít của hai làng bị dịch tả, sốt xuất huyết chết mà ngày xưa dân làng tôi gọi là ma bắt, còn người Khmer ở xóm Cả Vĩnh thì nói A Gặt bắt… cũng được mang xuống khu mả hoang đầu vàm Cả Vĩnh chôn. Và từ đó cái bãi đất ven sông đầu vàm Cả Vĩnh trở thành cái nghĩa địa, nghĩa địa hoang vô danh, vô chủ.

Hồi nhỏ, mỗi lần bơi xuồng ngang vàm Cả Vĩnh là tôi không dám nhìn lên nghĩa địa. Trong đầu cứ lởn vởn những sinh linh uổng tử trên bãi đất ven sông đang kêu khóc vì sự oan khuất của mình. Đến lớn khôn, mỗi bận đi ngang, tôi nhìn lên cái nghĩa địa rồi ứa nước mắt mà bật thốt: Đất nước điêu linh, con dân lạc loài!

Gia đình tôi ở ấp Cả Vĩnh mãi cho đến mùa xuân 1975, đất nước thống nhất mới “hồi cố thổ”. Lúc đó tôi 15 tuổi rồi nên nhớ không sót một thứ gì. Ngày 30/4/1975 tôi hòa mình vào dòng người ở khắp các làng quê mà vào đô thành Bạc Liêu với cờ, khẩu hiệu rực rỡ, dòng người đông như trẩy hội. Chúng tôi đi bằng những bước chân nhẹ nhàng, phấn chấn như đi trên mây, trên gió, niềm vui của những kiếp đời thật sự bước vào tự do, hòa bình đến quên ăn, quên uống. Thế rồi niềm vui cũng lắng dịu khi chúng ta phải đối diện với đời sống hòa bình rất ngổn ngang. Đặc biệt là những dư âm của chiến tranh, có những vết thương không thể chữa lành mà nó buộc con người phải mang theo cho tới chết. Một người mẹ già thụ hưởng hòa bình rồi mà tâm thần bất an, sống một đời sống oằn oại vì nỗi đau 3 - 4 đứa con chết trận. Và bà đau cho đến khi xuôi tay nhắm mắt.

Tôi nhớ vào 20 năm trước đó, là năm 2000 thì phải, một bữa tôi được một người bà con xa mời lên TP. Bạc Liêu dự tiệc mừng nhà mới. Hôm đó, nắng nóng lắm, chủ nhà bố trí cho tôi ở cái bàn dưới gốc cây trứng cá. Khách ngồi trước tôi đã có 4 - 5 người. Trong đó có một người đáng chú ý. Ông ta phương phi, đẹp lão. Ông nói thao thao bất tuyệt rằng mình là Việt kiều Mỹ. Và chủ nhà giới thiệu cho tôi rằng ông là đại úy phi công của chính quyền Sài Gòn - Đại úy Lợi. Tôi bỗng chân tay rụng rời. Tôi nói với lòng mình, cố nhân đây rồi! Ông hỏi tôi: “Nhìn cậu quen quen không biết quê quán ở đâu?”. Tôi bảo: “Nhà tôi ở xã Vĩnh Trạch, một ấp nằm trên bờ sông Bạc Liêu”. Ông lại nói: “Hồi đó từ năm 1967 - 1975 tôi được giao nhiệm vụ chiếc L19 đi trinh sát tuyến sông này và các vùng phụ cận. Con sông Bạc Liêu và các làng xóm đôi bờ đẹp và nên thơ lắm”. Ông kể một cách say sưa vô cảm như kể về một chuyến du ngoạn. Hẳn rằng ông sẽ không bao giờ quên cái bấm nút phóng một trái pháo vào một buổi chiều tháng 7/1968 đã lấy đi mạng sống của một cô gái 17 tuổi mới có chồng 4 tháng và đang mang thai. Và hẳn rằng ông sẽ không quên cuộc gọi cho pháo 105mm bắn ra giết chết gia đình của Năm Dửng gồm 4 người vào chiều 13/7/1968… Đó có phải là tội ác man rợ? Sao người gây ra những điều ấy kể câu chuyện tội ác của mình một cách vô tư, vô cảm và đầy hào hứng như thế?

Tâm thần tôi bấn loạn. Nước mắt tôi ứa ra. Tôi nói, như nói với chính mình bằng nỗi đau đớn khôn nguôi rằng tôi có một người chị ruột bị chiếc máy bay L19 bắn chết khi mới 17 tuổi vào một buổi chiều năm 1968.

Câu chuyện của tôi đã làm cho mặt ông đại úy chính quyền Sài Gòn xanh mét. Khi tôi ra sau cửa rửa đi những giọt nước mắt của mình thì cũng là lúc ông ta bỏ đi khỏi buổi tiệc mừng nhà mới.

Câu chuyện về những cái chết, những chiếc máy bay cũng kết thúc tại bàn ăn hôm đó như nó chưa từng xảy ra. Người ta ăn uống say sưa và cuộc đời thì dửng dưng trôi miết như thể chẳng có gì đáng bận tâm.

Chỉ có những người bước ra từ chiến tranh như tôi thì niềm đau xé lòng ở lại.n

Phan Trung Nghĩa

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.