Chương trình nghệ thuật “Trở lại Bạc Liêu”: Hơn một lời tri ân

Thứ Tư, 20/11/2019 | 16:40

Nằm trong khuôn khổ Tuần Văn hóa - Du lịch Bạc Liêu 2019, đêm 19/11, tại Nhà hát Cao Văn Lầu đã diễn ra chương trình nghệ thuật “Trở lại Bạc Liêu” - Tôn vinh bản “Dạ cổ hoài lang” (DCHL) của nhạc sĩ Cao Văn Lầu, kết nối từ giai điệu trong những ca khúc của nhạc sĩ - nhà báo Vũ Đức Sao Biển. Chương trình do Sở VH-TT-TT&DL Bạc Liêu phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam, Báo Nhà báo và Công luận tổ chức.

Lãnh đạo UBND tỉnh và các đơn vị tổ chức tặng hoa cho những nghệ sĩ thực hiện chương trình nghệ thuật “Trở lại Bạc Liêu”.

ĐẬM ĐÀ TÌNH YÊU BẠC LIÊU

Chương trình nghệ thuật với những tiết mục được đầu tư chỉn chu làm cho người xem cảm nhận sâu sắc rằng, đây là một trong những hoạt động khai màn Tuần Văn hóa - Du lịch Bạc Liêu 2019 được chăm chút bằng cả tấm lòng tri ân, phải nói là hơn một lời tri ân đối với nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển. Hình ảnh những cánh chim muôn phương tìm về nơi đất lành, từng đoàn người tha phương cầu thực chọn Bạc Liêu làm xứ sinh cơ lập nghiệp đánh thức tâm cảm, tình yêu dành cho mảnh đất hiền hòa này. Đó là mảnh đất lành, nơi hội tụ, ươm mầm những tài năng nghệ thuật như: Nhạc Khị, Cao Văn Lầu, Ba Chột, Trịnh Thiên Tư, Lư Hòa Nghĩa, Trọng Nguyễn, Yên Lang… Đất này cũng là nơi góp tình để vun bồi thêm tâm hồn thi ca của người thầy giáo đất Quảng Nam đến với Bạc Liêu vào đầu thập niên 70 của thế kỷ 20.

Chân dung của nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển hiện trên tấm phông chủ đạo lúc mở màn chương trình đã chạm đến trái tim của người xem. Người dẫn chương trình cho hay, vì điều kiện sức khỏe nên nhạc sĩ và gia đình không thể tham dự… Vì sự vắng mặt đầy tiếc nuối ấy, nên khi hình ảnh người thầy giáo trẻ từ phương xa cắp cặp đến với Bạc Liêu, chọn đây làm nơi dừng chân để yêu thương, gắn bó (thể hiện trong một tiểu cảnh sân khấu hóa DCHL) đã khiến người xem không khỏi chạnh lòng. “Bạc Liêu, miền đất phương Nam sáng ngời tình yêu thủy chung”, câu ca dìu dặt trong ca khúc chủ đề - “Trở lại Bạc Liêu” - đã nói hộ tình cảm của ông về một vùng đất mà người nhạc sĩ này dừng chân trên một chặng đường của cuộc đời. Và ở bến dừng đó, người nhạc sĩ đất Quảng Nam đã tặng quê hương Bạc Liêu rất nhiều. Ít nhất là với “Trở lại Bạc Liêu”, “Đêm Gành Hào nghe điệu hoài lang”, nhạc sĩ đã đưa Bạc Liêu đi rất xa. Những ca khúc ấy có sức lay động diệu kỳ, mang tình yêu của khắp nơi hội tụ về đây. Từ DCHL của nhạc sĩ Cao Văn Lầu, nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển đã nối dài bản nhạc lòng với những ca từ đẹp, giai điệu vấn vương “chứa đựng nghĩa tình phương Nam”, giờ mặn mà thêm trong những tình khúc đẹp của người nhạc sĩ tài hoa! Đối với Bạc Liêu, Vũ Đức Sao Biển còn một cái ơn vô cùng sâu nặng. Vì trân trọng, vì xem DCHL là giá trị văn hóa của Bạc Liêu, của Nam bộ và của Việt Nam nên ông đã làm nhiều chuyện cho DCHL như chúng ta đã biết. Gần đây nhất là việc ông công bố bản DCHL được dịch thuật thành 3 thứ tiếng của quốc tế (Anh, Pháp, Trung Hoa), trước khi lâm vào giai đoạn khó khăn nhất của căn bệnh nan y!

Tiết mục vinh danh bản “Dạ cổ hoài lang” của nhạc sĩ Cao Văn Lầu.

THAY LỜI TRI ÂN

Hơn một lời tri ân cho nên chương tình nghệ thuật “Trở lại Bạc Liêu” không chỉ tôn vinh những ca khúc kết nối giai điệu cùng DCHL mà còn tái hiện một khung trời đầy thơ mộng trong thế giới thi ca, âm nhạc vô cùng phong phú của một nhạc sĩ đa tài! Ở “thế giới” được thu nhỏ trên sân khấu, dưới ánh đèn màu và từng cảnh trí được đầu tư tỉ mỉ, rồi lắng hồn mình vào những giai điệu đẹp, lời ca thâm thúy, khán giả hiểu nhiều hơn một con người tài hoa đất Quảng Nam. Đó là những ca khúc “Thu, hát cho người”, “Nhớ Quảng Nam”, “Tam Kỳ tươi đẹp”, “Trăng miền hạ”, “Hát trên đồi xưa”… Nghĩa là, yêu thương nơi dừng chân, ký gửi lại nơi này những bản tình ca bất hủ, nhưng trái tim nhạc sĩ vẫn luôn dành tình yêu lớn cho mảnh đất Tam Kỳ, nơi nhạc sĩ đã lớn lên với những kỷ niệm ngọt ngào của mối tình thơ. Âm nhạc tải những thông điệp đó rất tài tình, nhất là âm nhạc được viết bởi một tâm hồn lãng tử, sống và yêu nặng tình như người con xứ Quảng này.

Thái độ trân trọng, tấm lòng tri ân những người tài, có công đóng góp cho Bạc Liêu chính là văn hóa, là cốt cách của người Bạc Liêu trọng nghĩa, trọng tình. Bạc Liêu từng nhiều lần tổ chức tôn vinh những bậc anh tài trên nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực nghệ thuật, bởi đây vốn là vùng đất đầy ắp những người tài đã góp công hình thành, sáng tạo và trải lối cho Bạc Liêu trở thành nơi tỏa sáng những tinh hoa văn hóa rực rỡ. Gìn giữ và phát huy giá trị bản DCHL, bảo tồn nghệ thuật ĐCTT trên mảnh đất này đã là việc làm “thường trực”. Đã có “Đêm tình ca Trọng Nguyễn” để tri ân cố soạn giả Trọng Nguyễn với những tác phẩm để đời, chương trình tôn vinh soạn giả Yên Lang trong sự kiện Festival Đờn ca tài tử quốc gia lần thứ I - Bạc Liêu 2014… Và giờ đây, trong Tuần Văn hóa - Du lịch Bạc Liêu 2019 với hàng loạt hoạt động sôi nổi, chương trình nghệ thuật “Trở lại Bạc Liêu” khai màn mang thông điệp điều gì thuộc về ý nghĩa tri ân sẽ luôn là điều đầu tiên mà Bạc Liêu nghĩ đến và trân trọng thực hiện.

Trình diễn ca khúc “Đêm Gành Hào nghe điệu hoài lang” do nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển sáng tác. Ảnh: H.T

Trước khi chương trình nghệ thuật này diễn ra một ngày, người viết bài có nhận được tin nhắn riêng của nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển: “Tối mai có chương trình ca nhạc hát nhiều bài của thầy về DCHL tại Bạc Liêu. Thầy bệnh nhiều nên đi không được, gia đình cũng không có ai đi. Con đi xem và ghi nhận có gì hay thì gửi email cho thầy nhé”. Và nhạc sĩ cũng đã gửi lời cảm ơn Bạc Liêu đã tổ chức đêm nghệ thuật này qua lời người dẫn chương trình. Ngồi thưởng thức một chương trình nghệ thuật hơn một lời tri ân, nhớ lời gửi gắm đầy tâm tư ấy càng khiến chúng tôi trân trọng hơn một tấm chân tình của người thầy năm xưa đã dừng chân trên đất Bạc Liêu, chọn nơi này làm chốn để yêu, để viết, để dâng đời những khúc tình ca.

Cẩm Thúy

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.