Công tử Bạc Liêu: Từ giai thoại đến thương hiệu

Thứ Hai, 18/11/2019 | 18:38

Năm 2019 là tròn 100 năm hình thành di tích kiến trúc nghệ thuật nhà Công tử Bạc Liêu (CTBL). Di tích kiến trúc nghệ thuật cổ ở Bạc Liêu có nhiều, nhưng chỉ có một đã trở thành “thương hiệu” đất Bạc Liêu từ những sự thật và giai thoại gắn liền với tên tuổi vị công tử giàu khét tiếng sở hữu dinh thự ấy - CTBL Trần Trinh Huy (1900 - 1973). Đây cũng chính là tiềm năng đã và đang được phát triển thành sản phẩm du lịch (DL) đặc thù cho vùng đất Bạc Liêu.

Điểm du lịch nhà Công tử Bạc Liêu.

Đi từ Bắc chí Nam, khi tự bạch mình là người Bạc Liêu, không biết bao nhiêu lần tôi đã nhận được lời đáp từ “à, quê hương CTBL đây mà”. Tên tuổi của vị công tử một thời đã đi khắp đất nước như thế! CTBL có gì mà vang danh đến vậy?

Từ những giai thoại lẫy lừng 

Cụm từ CTBL xuất hiện rất nhiều trong những tài liệu, tư liệu mang tính nghiên cứu, “khảo cổ”, về vùng đất Nam bộ xa xưa! Có thể kể đến như: “Lịch sử khẩn hoang miền Nam”, “Đất Gia Định xưa”, “Văn minh miệt vườn”, “ĐBSCL - nét sinh hoạt xưa” của nhà văn Sơn Nam, “Tự vị tiếng nói miền Nam” của Vương Hồng Sển; “Gia Định thành thông chí” của Trịnh Hoài Đức; “Bạc Liêu xưa và nay” của Huỳnh Minh… Và đặc biệt là tập sách “CTBL - Sự thật và giai thoại” của nhà văn Phan Trung Nghĩa, một ấn phẩm mà du khách đã đến tham quan nhà CTBL thì hầu hết đều muốn sở hữu!

Du khách giao lưu, chụp ảnh với con trai Công tử Bạc Liêu. Ảnh: H.T

CTBL được kể lại với nhiều câu chuyện ly kỳ, hấp dẫn. Qua lời kể, tất nhiên, không thể nào tránh được sự “tam sao thất bản”. Cho nên, chuyện về CTBL luôn là những sự thật đan xen giai thoại, nửa thực nửa hư (“hư” ở đây không phải là bịa, mà là hệ quả tất yếu của “tam sao thất bản” như đã  đề cập). Đó là những câu chuyện về thói phong lưu, ăn chơi, phung phí tiền của của một công tử con nhà giàu. Trước hết là câu chuyện về một cậu ấm được cha gửi sang Tây du học, để rồi sau 3 năm ở trời Tây, những thứ mà cậu có được là bằng lái xe ô tô, kinh nghiệm nhảy đầm và… một cô vợ Tây cùng một đứa con lai gửi bên xứ ấy. CTBL chỉ có một người vợ chính thức là bà Ngô Thị Đen, nhưng nhân tình, nhân ngãi, con cái nhiều dòng và kể cả những người con “rơi rớt” thì vô phương thống kê đầy đủ. Từ người vợ chính thức đến những bà vợ “lẻ” (được biết đến) đều có chân dung tại nhà CTBL bây giờ. Rồi CTBL còn tổ chức cuộc thi hoa hậu cấp đồng bằng đầu tiên, CTBL lái máy bay thăm ruộng, có lần lái sang địa phận nước Thái Lan, bị bắt giữ và xử phạt đến 200.000 giạ lúa; CTBL chạy ô tô Peugeot thời ấy chỉ có hai chiếc, là chiếc của CTBL và chiếc kia là của… vua Bảo Đại!…

Với những câu chuyện, giai thoại  “lẫy lừng” về “thành tích” ăn chơi xa hoa đó, CTBL đã ít nhiều giới thiệu  về một vùng đất trù phú, giàu có, nơi có rất nhiều đại điền chủ không phải là quân cường hào ác bá, ngược lại rất giàu tình thương đối với tá điền, sẵn sàng tiếp tế cho cách mạng. Điển hình cụ thể là CTBL Trần Trinh Huy từng ủng hộ Việt Minh một lúc 13.000 giạ lúa, giảm tô, không hợp tác với Pháp, hỗ trợ vải vóc, thuốc men cho kháng chiến…

Du khách tham quan nhà Công tử Bạc Liêu.

… Đến thương hiệu đặc thù

Những giai thoại của CTBL có rất nhiều. Nhưng điều mà du khách đến Bạc Liêu mục sở thị và trầm trồ, thích thú chính là dinh thự của CTBL bề thế, với những nét chạm trổ, hoa văn tinh xảo và những vật dụng còn lưu giữ nơi này.

Nằm cạnh bờ sông, tọa lạc tại số 13, đường Điện Biên Phủ (phường 3, TP. Bạc Liêu), ngôi biệt thự được xây dựng vào năm 1919. Ngôi nhà do kỹ sư người Pháp thiết kế, toàn bộ vật liệu xây dựng được vận chuyển từ Pháp qua. Các con bù loong, ốc vít được đóng dấu chìm mẫu tự chữ “P” chứng thực nơi sản xuất là Paris - thủ đô Cộng hòa Pháp. Đây được xem là ngôi biệt thự bề thế nhất ở Nam kỳ lục tỉnh lúc bấy giờ, người dân vẫn quen gọi là “nhà lớn”. Vật liệu dùng để xây ngôi nhà là thép đúc, đá cẩm thạch, các khung sắt trang trí với hoa văn, đường nét tinh tế… tạo nên một công trình kiến trúc cổ đẹp, sang trọng bề thế của đương thời và được lưu giữ đến tận trăm năm sau.

Nhà CTBL còn có nhiều món đồ cổ quý hiếm. Các bộ bàn ghế đều được cẩn xà cừ, chạm trổ hoa văn sắc sảo. Những chiếc bình, chum trà trang trí hình rồng tô điểm cho ngôi nhà thêm nhiều màu sắc sống động. Đặc biệt, du khách đến tham quan các gian phòng của CTBL rất thích thú với 2 chiếc giường được đóng bằng gỗ sưa, gọi là giường nóng và giường lạnh. Gường nóng gồm 3 miếng gỗ giáng hương ghép lại, để ngủ vào mùa mưa. Giường lạnh thì lót miếng đá cẩm thạch lớn mát lạnh dùng để ngủ vào mùa hè nhằm tránh nóng.

Như vậy, chính kiến trúc nghệ thuật nhà CTBL 100 năm qua đã nói lên được câu chuyện về đất Bạc Liêu một thời trù phú, xứ sở có những con người giàu có, phóng khoáng trong cách ăn, nếp ở. Nghĩ về CTBL, có lời khen - chê nhưng những câu chuyện, giai thoại lẫy lừng ấy đã tạo nên thương hiệu đặc thù cho Bạc Liêu trong câu chuyện làm DL. Nhà CTBL từng được các công ty, đơn vị  đầu tư phát triển DL. Lượng khách đến với nơi này có ngày lên đến con số ngàn. Thế nhưng, những hạn chế trong cung cách làm DL của nơi đây đã không làm hài lòng hoàn toàn sự hiếu kỳ, nhu cầu của du khách khi ghé thăm.

Đầu tư phát triển DL từ thương hiệu CTBL luôn được Bạc Liêu trăn trở, nhất là khi các công ty DL lữ hành bày tỏ rằng: CTBL hoàn toàn có khả năng hấp dẫn du khách với điều kiện được nhà CTBL đón khách một cách chỉn chu, bài bản. Và một hướng mở đầy lạc quan cho thương hiệu này khi đã có một dự án mang tên CTBL trong Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Bạc Liêu năm 2018. Đó là Công ty Cổ phần DV-DL CTBL (gọi tắt là Công ty CTBL), thuộc Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Nguyễn Hoàng với dự án khu văn hóa đa năng ngoài công lập CTBL. Được biết, nhà đầu tư này thuê kỹ sư người Pháp thiết kế mô hình cho dự án. Và Ban tổ chức Tuần Văn hóa - Du lịch Bạc Liêu 2019 đã chỉ đạo quyết liệt, yêu cầu các ngành chức năng phải tạo mọi điều kiện để nhà đầu tư khởi công công trình trong dịp này!

100 năm, nhà CTBL vẫn “trơ gan cùng tuế nguyệt” bởi giá trị của một công trình được đầu tư xây dựng bằng “tiền của chất đống” của một trong những nhà giàu khét tiếng Nam bộ. 100 năm, những câu chuyện nửa thật, nửa giai thoại của CTBL vẫn còn sức hấp dẫn bao lớp người hậu bối, để du khách khắp mọi miền đất nước đặt chân đến xứ sở này là muốn ghé thăm và nghe chuyện về CTBL.

CTBL sẽ làm khởi sắc DL Bạc Liêu hơn nữa trong tương lai nếu chúng ta biết cách khai thác bài bản thương hiệu độc quyền này.

Nhật Quỳnh

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.