Cùng nói chuyện… văn chương

Thứ Hai, 15/12/2014 | 16:54

Chỉ trong một ngày ngắn ngủi, nhưng sự trải nghiệm của những người từng và đang “gánh nghiệp” văn chương đã thật sự gieo vào suy nghĩ của nhiều người yêu văn chương những cảm nhận khác hơn về sự nghiệp viết lách, đặc biệt là viết văn, làm thơ…

Mang ý nghĩa là lớp bồi dưỡng nghiệp vụ để nâng cao kỹ năng viết văn, làm thơ, nhưng thật ra khi viết lách hay nói về chuyện viết lách thì người ta đang nói đến chuyện của… tâm hồn. Thế nên để tâm hồn tươi mát, đủ cảm xúc mà bàn chuyện thơ văn, phải chọn một không gian thoáng đạt, gợi hứng đủ tạo nên chất xúc tác. Khuôn viên nhà vườn của nhà văn Phan Trung Nghĩa tại một miền quê cách TP. Bạc Liêu không bao xa đã được Liên hiệp Hội chọn làm điểm “tập kết” và mời nhà văn Lê Văn Thảo (nguyên Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn TP. HCM) cùng nhà thơ Phạm Thu Nguyệt (hội viên Hội Nhà văn Việt Nam) trao đổi với gần 20 hội viên thuộc Liên hiệp Hội VH-NT tỉnh.

Nhà văn Lê Văn Thảo truyền đạt kinh nghiêm viết văn cho các hội viên thuộc Liên hiệp Hội VH-NT tỉnh. Ảnh: Châu Khánh

Hầu hết các thành viên của buổi gặp gỡ này, từ người trong vai trò trao truyền kinh nghiệm cho đến những người lắng nghe, đều là người ĐBSCL. Nhà văn Lê Văn Thảo chia sẻ rằng ông là người An Giang, nên trong sự nghiệp sáng tác của mình, điều ông chú trọng nhất là ngôn ngữ trong mỗi tác phẩm phải đậm chất miền Tây, bởi theo ông, nghề viết văn thì quan trọng nhất là gắn bó với ngôn ngữ! Điều này vừa là ưu cũng vừa là nhược của văn học!

Cái ưu nằm ở chỗ, từ chất liệu ngôn ngữ thôi mà văn học trở thành một chuyên ngành cốt lõi của các chuyên ngành văn học - nghệ thuật! Sự tinh vi của văn học nằm ở chỗ chỉ bằng ngôn ngữ mà người ta miêu tả được cả khía cạnh vô thức tiềm tàng trong con người. Một quyển tiểu thuyết, truyện ngắn… có thể khái quát cả một thời đại lịch sử, nhân chứng được ký gửi vào trong nhân vật! Nhưng cái nhược là, chính vì sử dụng chất liệu sẵn có là ngôn ngữ mà nhiều người lầm tưởng rằng… ai cũng viết văn được! Nói về điều này, nhà văn Lê Văn Thảo chia sẻ kinh nghiệm: “Viết văn không phải cứ nói được là viết được! Muốn viết văn trước hết phải đọc và ham đọc, đọc phải chú ý cách viết của tác giả. Phải đi đây đi đó để thu thập vốn sống. Tôi khẳng định rằng, các bạn ngồi bàn nghị sự sẽ không rút ra được gì để viết văn chương, thay vì các bạn nên ra ngoài cuộc sống, ví dụ như đi trên một chiếc tắc ráng ra chợ bạn sẽ nghe và nhìn được nhiều điều hơn là ngồi trong bàn hội nghị…”. Cũng theo nhà văn, đừng lạm dụng ngôn ngữ để giải thích trong viết văn, đó là điều đại kỵ, phải viết làm sao để người ta hiểu ra vấn đề một cách tự nhiên. Văn chương đích thực thì chỉ nên kể một câu chuyện mà không cần giải thích, khỏi nêu lý lịch gì trong đó, hãy để độc giả tự nghiền ngẫm…

Lao động cần cù mới tạo ra văn chương! Đó là một quan niệm nữa của nhà văn Lê Văn Thảo. Ông kể chuyện vui mà có thật, có khi một tác phẩm ông viết xong, trau chuốt thật kỹ rồi đem cất, không vội in, khoảng 3 tháng sau lấy ra đọc lại, thấy nó… sai rất nhiều chỗ! Thế là phải chỉnh sửa. Theo nhà văn, làm thơ thì người ta làm lúc cảm xúc dâng tràn nhưng viết văn thì ngược lại, phải để tâm hồn thật tịnh, thật lắng đọng mới viết sâu sắc và hay! Và “tài năng chỉ 1%, sự rèn luyện, cần cù mới tạo thêm 99% còn lại cho sự thành công trong nghề viết văn”, nhà văn chia sẻ.

Còn đối với nhà thơ Phạm Thu Nguyệt, chị đã đúc kết thái độ lao động trí óc nói chung, nghiệp viết lách, làm thơ nói riêng bằng câu trích khá ấn tượng: Một giọt cà phê tử tế không bao giờ rơi xuống một cách vội vã. Giọt cà phê ấy phải qua nhiều giai đoạn để mang hết tinh túy trở thành một giọt cà phê ngon lành, “tử tế”! Nhà thơ cho rằng, thái độ lao động và quan niệm sáng tác là điều quan trọng hàng đầu, đừng nghĩ rằng mình làm thơ chỉ để trải lòng mình mà phải xem nó có ích gì cho ai không, vì không ai cần xem nỗi lòng của tác giả lúc làm thơ là gì cả! Cái độc đáo của thơ ở chỗ nó có thể nói lên những điều mà văn không tải được, ví như câu thơ về chiếc lá rơi của Trần Đăng Khoa: “Tiếng rơi rất mỏng như là rơi nghiêng”…

Dù tính chất của buổi bồi dưỡng là trao đổi nhưng thực chất, các thành viên tham dự lắng nghe nhiều hơn đặt câu hỏi. Những trải nghiệm trong nghiệp viết lách, sự phân tích vai trò lớn lao của nghiệp văn chương, thái độ và trách nhiệm đối với văn chương của người viết lách… đã thật sự thu hút mọi người. Những câu hỏi trao đổi nghiệp viết lách cũng đã được nhiều hội viên gửi đến các nhà văn, nhà thơ như tìm cách “gỡ rối” những quan niệm về viết văn, làm thơ, thậm chí là những vấn đề khá “nóng” trên văn đàn thời gian qua…

Một buổi sẻ chia ngắn nhưng vô cùng hữu ích. Nó giúp mỗi người khi bắt tay sáng tác văn chương phải hiểu rõ chức trách lớn lao của cái nghiệp ấy! Và rất cần một thái độ lao động cật lực với nghiệp, từ chuyện thu nạp kiến thức cho đến những trải nghiệm thực tế ở mỗi người, khi ấy may ra mới có những tác phẩm có giá trị trên văn đàn…

CẨM THÚY

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.