Dạ cổ hoài lang: Hành trình trăm năm

Thứ Hai, 18/11/2019 | 18:33

Được công bố năm 1919, bản Dạ cổ hoài lang (DCHL) của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu qua 100 năm vẫn khẳng định vị trí của mình trong lòng người mộ điệu. DCHL làm thổn thức người nghe bởi hàm chứa nội dung và giá trị nghệ thuật trong một bản nhạc độc đáo đã được nhiều nhà nghiên cứu về âm nhạc dân tộc thừa nhận!

Bản nhạc lòng DCHL đã gặp được những tâm hồn đồng điệu, rồi hợp thành một con đường âm nhạc diệu kỳ. DCHL đã tạo nên niềm đam mê, vương vấn khôn nguôi trong đời sống tinh thần của những người yêu dòng nhạc dân tộc.

Lễ hội Dạ cổ hoài lang.
Trải lối xuyên thế kỷ

Lối đi xuyên thế kỷ đó cũng chính là con đường hạnh ngộ của những trái tim nghệ sĩ đa tài. Khởi nguồn từ nền cổ nhạc Nam bộ đầu thế kỷ XX, Bạc Liêu thành lập một trường phái cổ nhạc mà người có công lớn phải kể đến là “hậu Tổ cổ nhạc” Lê Tài Khí (tức Nhạc Khị). Sinh ra trong một gia đình nghèo, bản thân lại mang nhiều dị tật (mù cả hai mắt, hai tay teo nhỏ, một chân bị liệt…), sống trong thời buổi nước mất nhà tan, không thể cầm súng, Nhạc Khị đã lấy tài năng làm vũ khí chiến đấu. Năm 30 tuổi, Nhạc Khị đứng ra thành lập ban nhạc cổ, tuy chỉ là phục vụ các buổi ma chay, tiệc tùng - nhưng từ những “lò” luyện âm nhạc này, hàng loạt bài ca yêu nước thời ấy đã được khai sinh.

Trong hàng trăm tác phẩm được các môn đồ sáng tác dựa theo chủ đề “Chinh phụ vọng chinh phu”, cải biên từ bài Nam ai “Tô Huệ chức cẩm hồi văn” đã xuất hiện tuyệt phẩm DCHL của người học trò ưu tú Cao Văn Lầu. Quá trình Cao Văn Lầu sáng tác DCHL không phải ngày một ngày hai, đó là nỗi niềm riêng của chồng vợ chia lìa do quan niệm “tam niên vô tử bất thành thê” cộng nỗi niềm chung của bao người phụ nữ trông chồng nơi trận chiến xa xôi thời buổi loạn ly. Cảm xúc riêng - chung quyện đan rồi dệt thành khúc nhạc lòng DCHL, một nền tảng quan trọng để cải lương sau này có một bài gọi là bài ca vua - bài vọng cổ!

Từ một trào lưu sáng tác cổ vũ cho phong trào yêu nước, DCHL xuất hiện như một tuyệt phẩm vụt sáng trong hàng trăm sáng tác thời kỳ vàng son của cổ nhạc Bạc Liêu đầu thế kỷ XX. Rồi sự đồng điệu của những tâm hồn nghệ sĩ, quá trình “tung hứng nhịp phách” đã đưa DCHL từ 20 câu nhịp đôi trở thành vọng cổ nhịp 4, nhịp 8, nhịp 16, nhịp 32, nhịp 64… Những người trải lối cho DCHL xuyên thế kỷ cũng đã lưu danh trong sử sách cổ nhạc như: Lư Hòa Nghĩa - người mở đầu kỷ nguyên vọng cổ, Trần Tấn Hưng - người khai sinh 6 câu vọng cổ nhịp 32, Trịnh Thiên Tư - nhà nghiên cứu cổ nhạc lão thành (tác giả sách Ca nhạc cổ điển), Mộng Vân - soạn giả có nhiều kịch bản cải lương nhất, Ba Chột - một con người kỳ tài với nhiều sáng tác được sử dụng rộng rãi trong giới đờn ca tài tử (ĐCTT) và cải lương từ xưa đến nay, Lý Khi - người biên soạn bản vọng cổ nhịp 64, Hai Thơm - vua vĩ cầm trong làng cổ nhạc…

Năm 1999, sau khi “ra đời” 80 năm - DCHL tiếp tục được nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển phục hiện và đưa vào thanh nhạc Tây phương. Nhạc lòng lại trỗi khúc vấn vương trên sân khấu âm nhạc trong và ngoài nước. DCHL trở thành một biểu tượng cho nỗi niềm thương nhớ quê cha đất mẹ khi bước lên sân khấu kịch nói với vở kịch cùng tên. DCHL cất lên nơi đất khách quê người làm rơi lệ cộng đồng kiều bào sống ly hương… DCHL ngay hiện tại cũng đã được “quốc tế hóa” thành 3 thứ ngôn ngữ phổ biến trên thế giới: Anh, Pháp và Trung Hoa. Đó cũng là một công trình mà nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển đã tận tụy thực hiện và quyết định công bố với tất cả sự trân trọng!

Tiết mục văn nghệ kỷ niệm 100 năm ra đời bản Dạ cổ hoài lang. Ảnh: H.T

Khúc ân tình nối hành trình du lịch

Trong bối cảnh Việt Nam luôn coi trọng, phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc, đặc biệt là những di sản văn hóa để xây dựng thành sản phẩm du lịch vừa giúp quảng bá văn hóa, vừa góp phần bảo tồn và phát huy giá trị của di sản, thì một nhạc phẩm “sống mãi tròng lòng người Việt khắp năm châu” như DCHL (lời của cố GS-TS Trần Văn Khê) sẽ làm nên chuyện! Không dừng lại ở sự trân trọng, tôn vinh, mà đối với Bạc Liêu, DCHL còn là một nguồn lực vàng khi tỉnh đang tận dụng các giá trị, di sản văn hóa bản địa phục vụ đường hướng phát triển du lịch (một trong 5 trụ cột phát triển kinh tế - xã hội ở Bạc Liêu).

Bạc Liêu tri ân các bậc anh tài bao nhiêu thì càng nâng niu bản nhạc lòng DCHL bấy nhiêu - xem đó như là một tài nguyên vô giá trong quá trình làm du lịch. Khu lưu niệm nghệ thuật ĐCTT Nam bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu - nơi bảo tồn và tôn vinh giá trị một di sản văn hóa phi vật thể tầm quốc tế sắp trở thành điểm du lịch quốc gia trong tương lai gần (được xác định tại Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn năm 2030), DCHL tiếp tục mở ra lối đi khởi sắc cho du lịch Bạc Liêu. Trong những chuyến đi học tập kinh nghiệm làm du lịch, hợp tác với các công ty du lịch lữ hành, DCHL của Bạc Liêu luôn gây sự chú ý trước đối tác. Theo các chuyên gia du lịch, DCHL chính là nét riêng không lẫn với những tỉnh, thành Nam bộ cùng có nghệ thuật ĐCTT. Nghĩa là, các nơi này đều lấy nghệ thuật ĐCTT làm du lịch nhưng chỉ ở Bạc Liêu mới là nơi sinh ra bản DCHL, “viên ngọc quý” của nghệ thuật ĐCTT, của cải lương Nam bộ. Và, theo hiến kế của các chuyên gia này là Bạc Liêu nên xây dựng một kịch bản để trình diễn cho du khách xem “sự tích” của bản DCHL; diễn giải nguồn gốc ra đời của bản DCHL bằng ngôn ngữ và chất liệu nghệ thuật.

Đưa khách du lịch tham quan điểm đến và có câu chuyện để kể, tạo sự thẩm thấu và đọng lại ấn tượng đẹp khi du khách rời đi Đó là xu hướng của du lịch hiện đại. Vậy thì nguồn căn ra đời của DCHL thấm đẫm ân tình ấy, thiết nghĩ rất phù hợp để Bạc Liêu mời gọi du khách đến với mình. Tất nhiên, đồng bộ với đó còn là việc đầu tư hệ thống nghỉ dưỡng cao cấp, điều kiện đi lại dễ dàng, các dịch vụ hỗ trợ du lịch phải chỉn chu, cung cách phục vụ văn minh, lịch thiệp, thể hiện cho ra cốt cách người Bạc Liêu “thân thiện, hiếu khách, nghĩa tình”…

Trôi theo dòng thời gian đúng trăm năm, DCHL cứ lay động con tim bao thế hệ. Những cung đường lan tỏa ngày một đẹp hơn, dài hơn với những tuyệt phẩm vọng cổ ngân nga qua bao thăng trầm lịch sử bởi sự hòa điệu, chung lòng, góp trí của nhiều bậc tiền bối, nghệ sĩ, nghệ nhân khắp nơi. Những điều kỳ diệu từ trăm năm ấy khi kết thành câu chuyện kể hấp dẫn, thật thấm đẫm nhân văn sẽ đủ sức mời gọi du khách về với Bạc Liêu.

Cẩm Thúy

Trên thế giới, nhiều quốc gia đã đưa các di sản phi vật thể tham gia các hoạt động du lịch nhằm quảng bá và bảo tồn các di sản. Bởi, khác với di sản vật thể, bảo tồn di sản phi vật thể không đồng nghĩa với giữ nguyên trạng mà phải làm cho di sản được thực hành thường xuyên bởi các nghệ nhân. Dạ cổ hoài lang được trình diễn, được kể thành câu chuyện thấm đẫm nhân văn về đạo nghĩa vợ chồng vừa có ý nghĩa phục vụ đường hướng phát triển du lịch Bạc Liêu, vừa chính là cách bảo tồn và phát huy giá trị thiết thực, hiệu quả nhất!

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.