Sau lũy tre làng

Đám giỗ ngày ấy - bây giờ

Thứ Sáu, 18/09/2020 | 18:05

Cúng giỗ (đám cúng cơm) là một nét đẹp trong văn hóa truyền thống của người Việt Nam. Cúng giỗ hàng năm là dịp để con cháu tưởng nhớ về tổ tiên, ông bà, để người còn sống thể hiện hiếu đạo với người đã khuất. Không chỉ vậy, đây còn là dịp để con cháu, họ hàng sum họp, thắt chặt tình nghĩa giữa những người có cùng huyết thống với nhau.

Không khí đám giỗ ở quê. Ảnh minh họa: Internet

“Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây” - là những bài học đạo lý được ông bà ta truyền dạy từ xưa, răn dạy con cháu phải nhớ đến cội nguồn. Tục cúng giỗ được hình thành, gìn giữ từ đời này sang đời khác cũng nhằm phát huy truyền thống tốt đẹp ấy.

Tổ chức cúng giỗ vào ngày người thân qua đời là để tưởng niệm đến người đã khuất, bày tỏ lòng hiếu thảo với ông bà nên con cháu tự nhớ ngày này như cách nhắc nhớ bổn phận, trách nhiệm của mình. Nhịp sống bận rộn, người ta phải tất bật chạy đua với thời gian để mưu sinh, từ đó phong tục cúng giỗ ở nơi này, nơi khác có những thay đổi nhất định. Trước đây, vào ngày đám giỗ, con cháu sẽ tụ họp về, mang những con gà, con vịt, bánh mứt quây quần cùng nhau làm những mâm cúng dâng lên tổ tiên, ông bà. Ngoài con cháu, giỗ dù tổ chức nhỏ hay lớn cũng có sự góp mặt của xóm giềng. Khi nghe một gia đình nào có giỗ, bà con trong xóm sẽ đến để phụ giúp. Mọi người sẽ cùng nhau nấu cơm canh, cùng gói những đòn bánh tét, cái bánh ít… Sau khi dâng cúng, rồi cùng nhau ăn. Rồi khi ra về, chủ nhà sẽ biếu cho khách đến phụ một vài quà cúng gọi là “ăn lấy thảo”. Đây cũng là một nét văn hóa đẹp rất riêng của người miền Tây, phóng khoáng, hào sảng và thân thiện.

Còn ngày nay, khi tới dịp giỗ, nhiều gia đình sẽ thuê thợ nấu hoặc đặt sẵn các món ăn ở nhà hàng rồi nhờ họ đem đến để dâng cúng. Ít khi bắt gặp hình ảnh con cháu mang những con gà, con vịt hay gói mứt đến để dâng lên bàn thờ mà thay vào đó là những… phong bì, thùng bia.

Đám giỗ ngày nay được xem như là việc riêng của mỗi nhà. Hiếm có hình ảnh xóm giềng tụ họp lại để phụ giúp, mà họ được mời đến như những vị khách xã giao thông thường khác. Còn con cháu, đôi khi vì bận mưu sinh hoặc ở xa, cũng không tụ họp về cúng giỗ ông bà đông đủ như ngày trước.

Giỗ nay còn khác giỗ xưa ở những “thùng nhạc sống”. Khi gia đình có giỗ, người ta sẽ thuê nhạc sống để mọi người có thể hát hò, thậm chí là nhảy múa. Có nhiều gia đình mở nhạc đến tận đêm khuya, gây ảnh hưởng đến những hàng xóm xung quanh. Chính vì vậy, nhiều người lại thấy phiền mỗi khi gia đình nào đó có giỗ thay vì vui mừng vì có dịp để tạo mối quan hệ gắn bó với xóm làng.

Tấm lòng hiếu kính của con cháu đối với ông bà tổ tiên, những người đã khuất là những giá trị tinh thần quý giá của người Việt Nam. Đừng vì chạy theo nhịp sống hối hả mà chúng ta bỏ quên hoặc xem nhẹ những phong tục truyền thống mà ông bà đã để lại cho mình. Thiết nghĩ, việc gìn giữ những nét đẹp truyền thống của tục cúng giỗ là cách chúng ta lưu truyền, gìn giữ những điều tốt đẹp thuộc về truyền thống đạo đức của dân tộc Việt Nam.

Kiều Duyên

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.