Văn hóa - Nghệ thuật
“Đất lạ hóa quê hương…”
LTS: Ký ức là chuyện đã đi qua, đã trở thành quá khứ… Nhưng những gì đã được gọi tên là “ký ức” thì dù vui hay buồn, được hay mất cũng sẽ đọng lại trong chúng ta những cảm xúc không thể nào quên, có khi cả đời còn mang theo. Là ký ức về một thời bom đạn, ký ức về những năm tháng tuổi thơ bên ông bà, cha mẹ; những hoài niệm về một mối tình thơ, những kỷ niệm với bè bạn, những trải nghiệm trong nghề nghiệp…
Báo Bạc Liêu mở chuyên mục “Ký ức một thời” gom nhặt những câu chuyện như vậy để chúng ta cùng sống cho hiện tại mà không quên quá khứ. Vì quá khứ có những điều, những bài học quý giá, đáng trân trọng, chắt chiu!
Bài viết cộng tác cho chuyên mục xin gửi về địa chỉ email: camthuybbl@gmail.com. Ban Biên tập Báo Bạc Liêu rất mong độc giả gần xa tham gia cộng tác!
“Đất lạ hóa quê hương…”
Khoảng đầu giờ chiều 30/4/1975, một thằng bé con lên 7 tuổi lang thang ở đường Giữa (đường vào Nhà thờ Đá Phát Diệm, Kim Sơn, Ninh Bình). Chiếc xe thông tin cổ động chạy chầm chậm rồi dừng lại. Trên xe, loa phóng thanh phát ra thông báo: “Đồng bào ơi, miền Nam giải phóng rồi”. Liền đó, mấy người trên xe nhảy xuống, treo tấm băng-rôn căng ngang đường.
Thị trấn xứ đạo chộn rộn những ngày dài sau đó. Thích nhất là mỗi hội nghị, đại biểu đều tập trung ra sân hội trường Huyện ủy Kim Sơn học múa tập thể, bài “Như có Bác trong ngày vui đại thắng”. Thằng bé con đứng ngó, rồi đem câu chuyện về nhà bác nó mà khoe. Vậy là trước mỗi bữa cơm chiều, nó trở thành “diễn viên múa solo”, trình diễn điệu múa theo nhịp xe điếu thuốc lào mà bác rể nó là nhạc trưởng.
Thằng bé con lên 7 ngày ấy chính là tôi. Khi ấy múa hát, nó có ngờ đâu 4 năm nữa nó sẽ trở thành một “công dân nhí” của vùng đất gần cuối trời Nam Tổ quốc, nơi trưa hôm nọ chiếc loa thông tin lưu động loan báo tin đã giải phóng, rồi ở luôn đó cho đến tận hôm nay ngồi viết những dòng này.
***
Một buổi tối mùa mưa 1979, sau 26 ngày khởi hành từ Phát Diệm, mẹ tôi đưa được ba đứa con “trứng gà trứng vịt” đặt chân đến TX. Bạc Liêu, nơi cha tôi đã công tác 3 năm trước đó, theo dạng cán bộ miền Bắc tăng cường. Khu dân cư Bến xe - Bộ đội Biên phòng đông đúc hiện giờ, lúc ấy là sân bay Bạc Liêu với bạt ngàn cây mắc cỡ, những tấm lót đường băng, đạn pháo và cơ man những chiếc xe hơi cũ, có cảm giác như cả cái thị xã này dồn xe phế bỏ về đây. Cơ quan cha tôi ở đó. Và chỗ ở gia đình tôi những ngày đầu đến Bạc Liêu là tại đó.
Đó là những tháng ngày vô cùng bỡ ngỡ. Vào giờ học, cô giảng bài, tôi không sao nghe kịp. Giờ ra chơi, trò chơi của tụi bạn chẳng giống những trò chơi anh em tôi chơi lúc còn học ngoài Bắc. Cái áo cái quần tôi mặc cũng chẳng giống ai, bởi ngày ấy ở quê tôi vải vóc hiếm hoi, quần áo của trẻ con hầu như toàn được may rộng để mặc được lâu, mặc “đón tuổi”. Kiểu may đã khác, chất liệu vải và màu sắc lại càng khác hơn… Tôi học Trường phường 3A cuối đường 30 tháng 4 (Trường tiểu học Phùng Ngọc Liêm bây giờ). Đi bộ từ nhà đến trường không ngán, sợ nhất là bị bọn bạn học xúm lại chọc ghẹo, vào lớp cứ co ro một chỗ. Bị chọc riết, tôi rủ nhỏ em gái học sau tôi 2 lớp cúp cua đi coi người ta dỡ bỏ cầu Quay để xây cầu Kim Sơn, rồi lang thang khắp mọi ngóc ngách trong thị xã. “Kịch bản” ấy lặp đi lặp lại suốt từ học kỳ trước qua học kỳ sau, năm học này qua năm học khác, khiến em tôi ở lại lớp hết một năm, còn tôi - tác giả kiêm “tổng đạo diễn”, ở lại lớp hai năm liền.
Rồi một bữa kia, cô Huỳnh Quý Lê, giáo viên Tổng phụ trách Đội của trường kêu tôi lại, gợi ý tham gia các hoạt động của Đội thiếu nhi; cô chủ nhiệm lớp thì giao tôi làm mẫu thực hành một số động tác của bài thể dục giữa giờ… Hào hứng dần lên, tôi tỏ ra hăng hái với những hoạt động ấy, cái mà bây giờ hay được gọi là “kỹ năng mềm”. Rồi cũng quen dần. Làm tới “chức” đội trưởng đội trống thiếu nhi của trường thì tôi đã hòa đồng lắm với tụi bạn. Bọn nó thôi chọc ghẹo tôi, tôi cũng không còn mặc cảm với bọn nó. Những năm học tiếp theo trôi qua với bao kỷ niệm yêu thương, gắn bó cùng ngôi trường rêu phong, giữa thị xã tỉnh lỵ phương Nam đầy nắng gió.
Sau này, có những lúc nghĩ về ngày tháng cũ, tôi mang ơn cô giáo tôi ngày ấy thật nhiều vì cô đã khích lệ, giúp đỡ, cho tôi có được tự tin cần thiết ở độ tuổi “dở dở ương ương” đặc thù, cùng “độ mẫn cảm” cá nhân quá đáng (vì bao nhiêu đứa bạn miền Bắc theo cha mẹ vô đây, đi học cũng bị chọc ghẹo mà có ở lại lớp như tôi đâu), để mà sống chan hòa cùng những người bạn mới nơi quê hương thứ hai thân thương của mình.
***
Tình cờ tôi đọc được câu chuyện “Một lời hẹn khó quên” đăng ở chuyên mục “Ký ức một thời” mới mở trên báo Bạc Liêu. Ký ức xúc động của anh Bảy Chiến, nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, nguyên Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh khóa XIII về một anh bộ đội miền Bắc tên Tân làm “cựa quậy” trong tôi một nỗi niềm. Vậy là đã tròn 7 năm, ngày 2 tỉnh Bạc Liêu - Ninh Bình ký kết chương trình hợp tác và phát triển trong giai đoạn mới (18/4/2013 - 18/4/2020). “Đã qua rồi những năm tháng chiến tranh/ Phút gặp lại vẫn thủy chung son sắt/ Như ngọn hải đăng không bao giờ tắt…” - mấy câu ấy là của chị Nguyễn Thị Bình, giảng viên Trường đại học Hoa Lư, đọc tại buổi giao lưu Trường đại học Bạc Liêu - Trường đại học Hoa Lư một trưa hè Phước Long, quê hương anh Bảy.
“Không có ai tẻ nhạt trên đời/ Mỗi số phận chứa một phần lịch sử” - (ý của Ep-tu-sen-co). Ai cũng có ký ức của riêng mình, nếu được chia sẻ, sẽ trở thành tài nguyên chung vô giá. Mà, lịch sử là một chuỗi nối dài của những ký ức. Ký ức của nhiều người góp lại sẽ thành ký ức cộng đồng. Ký ức cộng đồng sẽ giúp người đương thời “ôn cố tri tân”, để rồi biết rằng mình cần nghĩ gì, làm gì ở thì hiện tại. Tôi đã nghĩ vậy khi đọc và viết chuyên mục “Ký ức một thời”…
Nguyễn Huy Thái
- Phiên họp thứ 4 Ban Chỉ đạo Trung ương triển khai Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát
- Gần 200 võ sinh thi thăng đẳng môn Vovinam
- Quay hình chương trình đờn ca tài tử năm 2025
- Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh: Thăm, chúc mừng Đại lễ Phật đản Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh và các cơ sở Phật giáo
- Hơn 300 đoàn viên, công nhân viên chức, lao động tham gia Hội thao chào mừng Tháng Công nhân