Văn hóa - Nghệ thuật
Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943: Khởi nguồn và động lực phát triển
Thu hút sự quan tâm của các nhà quản lý, nhà khoa học, văn nghệ sĩ và sự đồng tình, cổ vũ của dư luận xã hội, Hội thảo khoa học quốc gia “80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943 - 2023) - Khởi nguồn và động lực phát triển” mang ý nghĩa trọng đại đối với việc tiếp tục khẳng định tầm quan trọng của đường hướng “văn hóa soi đường quốc dân đi”.
Gìn giữ những giá trị văn hóa bản sắc luôn được Bạc Liêu quan tâm. Trong ảnh: Lễ giỗ Tổ cổ nhạc tổ chức tại Nhà hát Cao Văn Lầu.
Khẳng định giá trị toàn diện
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương (một trong các chủ tọa Hội thảo) cho rằng các ý kiến tham luận hết sức sâu sắc, tập trung vào 2 nhóm vấn đề cơ bản: Giá trị lý luận, thực tiễn của Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 và Văn hóa, con người Việt Nam - nền tảng tinh thần, động lực phát triển đất nước trong giai đoạn cách mạng mới. Cùng với thành quả đã nghiên cứu và những tư liệu lịch sử đã công bố, một lần nữa Hội thảo chứng minh và khẳng định giá trị to lớn, toàn diện của Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 đối với sự nghiệp cách mạng vẻ vang của dân tộc ta dưới sự lãnh đạo của Đảng.
GS-TS Hoàng Chí Bảo, nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, cho rằng: “Trong sự phát triển lý luận về văn hóa của Đảng ta, từ yêu cầu đổi mới và hội nhập, nhất là trong điều kiện kinh tế thị trường, tư duy lý luận của Đảng về văn hóa còn đề cập tới xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh; tìm tòi các giải pháp đột phá để chấn hưng đạo đức dân tộc; khắc phục bằng được sự suy thoái, xuống cấp về đạo đức trong Đảng và trong xã hội; xây dựng và phát triển ngành công nghiệp văn hóa, gắn văn hóa với kinh tế, đổi mới phương thức đầu tư và phân bổ nguồn lực để văn hóa phát triển tương xứng với kinh tế và chính trị, cải cách thể chế phát triển, trong đó có thể chế văn hóa... liên quan trực tiếp đến các lĩnh vực báo chí, xuất bản, truyền thông, bảo tồn, phát huy di sản, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại. Đó là những định hướng và giải pháp quan trọng để xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam. Với tư duy chiến lược về phát triển, Đảng ta đã chỉ đạo xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị con người Việt Nam dựa trên cơ sở hệ giá trị gia đình Việt Nam từ truyền thống đến hiện đại. Đó thật sự là những bước tiến lớn về lý luận văn hóa của Đảng đang tiếp tục phát triển và hoàn thiện”.
Mỗi tham luận, mỗi ý kiến tại Hội thảo đã làm sáng rõ thêm tầm quan trọng của một văn kiện xứng đáng là di sản dân tộc - Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943. Hơn 1.700 trang giấy là tâm huyết, hiến kế đầy tinh thần dân tộc, trách nhiệm của mỗi trí thức, nhà quản lý, nhà văn hóa khắp nơi trên cả nước.
Bạc Liêu chú trọng đầu tư nguồn nhân lực chất lượng cao để “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”. Trong ảnh: Học sinh Trường tiểu học Nguyễn Thị Định, TP. Bạc Liêu). Ảnh: C.T
Sức mạnh nội sinh quan trọng
Vai trò của văn hóa nhiều năm qua cũng đã được Bạc Liêu đặt làm sức mạnh nội sinh quan trọng để phát triển bền vững. Nói về quan điểm chú trọng yếu tố văn hóa, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy - Tạ Trung Dũng khẳng định: “Những năm qua, Bạc Liêu luôn chú trọng việc xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh để nâng cao chất lượng sống cho người dân, đồng thời vừa tạo điểm đến hấp dẫn cho du khách và bạn bè. Bên cạnh đó là việc khai thác các giá trị và thế mạnh của văn hóa - nghệ thuật Bạc Liêu (văn hóa vật thể và phi vật thể) để tạo ra các sản phẩm phù hợp với thị trường; quan tâm đầu tư xây dựng các công trình văn hóa, mở rộng sản xuất - kinh doanh (SX-KD), gắn các cơ sở SX-KD với dịch vụ du lịch, nhằm không ngừng quảng bá, kêu gọi đầu tư; tạo thêm việc làm cho người lao động...”.
Bạc Liêu đã và đang sử dụng văn hóa, phát huy cao độ các thành tố văn hóa để thúc đẩy, tăng trưởng kinh tế. Đó là việc phát huy những truyền thống tốt đẹp của con người Bạc Liêu như yêu nước, cần cù lao động, đoàn kết, nhân ái, ý chí tự lập và khát vọng vươn lên...; biến hệ giá trị chuẩn mực nêu trên chuyển tải thành động lực mạnh mẽ vào quá trình hoạt động, SX-KD, hoạt động tạo ra của cải vật chất và tinh thần. Phát huy, sử dụng có hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh, nguồn lực của Bạc Liêu và chuyển hóa các năng lực tinh thần, giá trị của con người thành yếu tố nội sinh quan trọng. Vấn đề quan trọng còn lại là tỉnh phải tiếp tục hoàn thiện các chính sách đầu tư thỏa đáng cho lĩnh vực văn hóa, coi trọng và đầu tư đúng mức các thành tố của văn hóa, tạo ra đời sống tinh thần cao đẹp, trình độ dân trí cao. Trên cơ sở định hướng chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, địa phương cần đề ra nghị quyết chuyên đề phù hợp với các điều kiện đặc thù, tiềm năng, các nguồn lực của Bạc Liêu, trong đó đặc biệt chú trọng nguồn nhân lực.
CẨM THÚY
- Chủ tịch UBND tỉnh - Phạm Văn Thiều trao tặng 100 suất quà cho các gia đình chính sách và hộ nghèo huyện Hòa Bình
- TX. Giá Rai: Họp mặt gia đình chính sách vùng căn cứ cách mạng nhân dịp Xuân Ất Tỵ 2025
- Công đoàn Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam: Trao tặng 200 suất quà tết cho hộ nghèo và gia đình chính sách tại Bạc Liêu
- THÔNG BÁO
- Hội thảo khoa học quốc gia kỷ niệm 95 năm thành lập Đảng