Để nghệ thuật Đờn ca tài tử trường tồn và phát triển

Thứ Hai, 20/05/2024 | 15:14

Nghệ thuật Đờn ca tài tử (ĐCTT) đã trải qua hơn 300 năm hình thành và phát triển trên vùng đất Nam Bộ. Đặc biệt, từ khi ĐCTT được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và Festival ĐCTT quốc gia được tổ chức lần đầu tiên (năm 2014) tại Bạc Liêu thì loại hình nghệ thuật này đã khoác lên mình một chiếc áo mới, bước sang một trang mới, và chặng đường đi tới nhiều cơ hội nhưng cũng lắm thách thức.

Cơ hội mới

Phải tự hào khẳng định rằng, cho đến hiện tại, chưa có một di sản phi vật thể - loại hình nghệ thuật nào lại có độ phủ sóng trải rộng trên khắp 21 tỉnh, thành phía Nam với hàng ngàn nghệ nhân như ĐCTT!

Rộng về phạm vi, những động thái bảo tồn và phát huy di sản ĐCTT cũng sâu về chất lượng. Riêng Bạc Liêu đã làm được rất nhiều việc cho ĐCTT thời gian qua như: thành lập nhiều câu lạc bộ, đội, nhóm, xây dựng chính sách đãi ngộ, hỗ trợ; mở lớp đào tạo, tập huấn, tạo điều kiện cho các nghệ nhân sinh hoạt, tham gia các liên hoan, hội thi, hội diễn; xây dựng các công trình, biểu tượng vinh danh, trưng bày, quảng bá; tăng cường công tác khen thưởng, tổ chức giới thiệu, đề nghị xét tặng các danh hiệu cho nghệ nhân.

Không chỉ vậy, đầu năm 2020, Liên hiệp các Hội VH-NT tỉnh đã thành lập Chi hội Nghệ nhân ĐCTT (trên cơ sở tách ra từ Hội Sân khấu tỉnh). Chi hội là một tổ chức xã hội, nghề nghiệp với nòng cốt là 22 nghệ nhân được Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý “Nghệ nhân uu tú”. Đây là đội ngũ nghệ nhân có bề dày kinh nghiệm, có đầy đủ năng lực, phẩm chất đạo đức và uy tín để tập hợp giới nghệ nhân trong tỉnh, tổ chức các hoạt động, thẩm định, đánh giá cũng như đề ra những định hướng phát triển của phong trào ĐCTT tại tỉnh nhà trong thời gian tới.

Đặc biệt, đề án bảo tồn và phát triển nghệ thuật ĐCTT cũng được Bạc Liêu xây dựng và thực hiện với những động thái tích cực, thiết thực trong việc để cho ĐCTT không chỉ được gìn giữ mà phải phát huy giá trị trong hiện tại và tương lai.

Câu lạc bộ Âm vang dạ cổ biểu diễn phục vụ du khách tại Khu lưu niệm nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu. Ảnh: C.T

Thách thức không ít

Thuận lợi nhiều nhưng nếu tìm hiểu cặn kẽ vào từng góc khuất của ĐCTT thời hiện tại, chúng ta không khỏi giật mình với những vấn đề đặt ra. Thời kỳ bùng nổ công nghệ thông tin, hội nhập sâu rộng, giao lưu văn hóa mạnh mẽ đã làm nảy sinh cuộc cạnh tranh khốc liệt giữa các giá trị văn hóa - nghệ thuật bản thể dân tộc với các luồng văn hóa du nhập. Sức sống của ĐCTT dần dần bị xâm lấn, thu hẹp trong cộng đồng. Một bộ phận giới trẻ có biểu hiện quay lưng với các giá trị văn hóa - nghệ thuật truyền thống, nhân tố kế thừa càng hiếm hoi trong giới trẻ. Mặt khác, cuộc sống tất bật với cơm áo gạo tiền đã cuốn hầu hết nghệ nhân ĐCTT vào guồng quay đó, không ít người buông bỏ hay tạm gác lại đam mê để mưu sinh bằng ngành nghề khác.

Trước những thách thức này, rất cần tỉnh tiếp tục có kế hoạch cụ thể cho công tác bảo tồn ĐCTT trong thời gian tới. Trong đó có những việc như: hoàn tất Quỹ hỗ trợ Lê Tài Khí, rà soát số lượng nghệ nhân, củng cố câu lạc bộ, đội, nhóm, phân cấp công nhận nghệ nhân cấp tỉnh để có chính sách hỗ trợ, đãi ngộ hợp lý cho giới ĐCTT; mở lớp đào tạo, chuẩn hóa đội ngũ nghệ nhân, nhất là tăng cường công tác phát hiện chăm bồi cho lực lượng trẻ, có triển vọng, trong đó ưu tiên cho lớp nghệ nhân đờn và sáng tác lời mới.

Một đề xuất nữa là khi đưa ĐCTT vào du lịch, phải tính cách sao cho du khách được đắm mình vào không gian văn hóa Nam Bộ thông qua nghệ thuật biểu diễn ĐCTT. Nên tổ chức lễ hội ĐCTT truyền thống cấp tỉnh theo định kỳ năm; tổ chức các hoạt động biểu diễn ĐCTT trong khuôn khổ các lễ hội địa phương; đầu tư phát triển mở rộng mạng lưới các sân khấu, câu lạc bộ, sinh hoạt cộng đồng... trở thành các chương trình biểu diễn nghệ thuật ĐCTT thường xuyên và vào các sự kiện nổi bật trong năm. Trong các chương trình biểu diễn, cần lưu ý hạn chế xu hướng sân khấu hóa mà cần thể hiện những giá trị chân thực, mộc mạc, giản dị của loại hình nghệ thuận âm nhạc độc đáo này.

Cuối cùng là nâng cao nhận thức về vai trò, trách nhiệm của mỗi nghệ nhân trong sự nghiệp chung là gìn giữ và phát huy di sản ĐCTT mà ông cha đã dày công gây dựng và trao truyền lại cho mình. Hơn ai hết, tự thân chúng ta phải vận động vì đó là tài sản quý báu của chúng ta, nếu có lối suy nghĩ trông chờ, ỷ lại, lối tư duy thụ động thì “của để dành” sẽ đánh mất từ chính tay mình. Mỗi nghệ nhân phải đoàn kết, chung sức, chung lòng vì di sản ĐCTT trường tồn và không ngừng phát triển.

Nghệ nhân ưu tú DƯƠNG MINH KHƯƠNG

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.