Văn hóa - Nghệ thuật
Để văn học - nghệ thuật truyền cảm hứng
Văn học - nghệ thuật (VH-NT) có khả năng truyền cảm hứng để con người thêm yêu đời, yêu người, và sâu xa hơn là yêu Tổ quốc, yêu đồng bào mình! Thực tiễn từ lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc với sự đồng hành của VH-NT đã chứng minh điều đó. Vấn đề là trong thời đại công nghệ số này, làm thế nào để VH-NT giữ được khả năng truyền cảm hứng ấy...
Chương trình Ngày thơ Việt Nam năm 2023 do Liên hiệp các Hội VH-NT Bạc Liêu tổ chức. Ảnh: C.T
Vun bồi cho VH-NT
“VH-NT là lĩnh vực rất quan trọng, đặc biệt nhạy cảm và tinh tế của văn hóa, là nhu cầu thiết yếu thể hiện khát vọng chân - thiện - mỹ của con người, có tác dụng đặc biệt trong việc vun trồng, bồi dưỡng tâm hồn, tình cảm, nhân cách, đạo đức, trí tuệ, bản lĩnh cho các thế hệ con người”, Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị (khóa X) về “Tiếp tục xây dựng và phát triển VH-NT trong thời kỳ mới” đã khẳng định như vậy. 15 năm vun bồi cho vườn hoa VH-NT, Bạc Liêu đã có những mô hình hay, cách làm sáng tạo để thực hiện đúng tinh thần Nghị quyết 23!
Các bản vọng cổ: “Chiếc vòng cẩm thạch” của tác giả Phương Tử Yến, “Làm theo gương Bác” - sáng tác của Võ Trường Giang, bài thơ “Nhường” của tác giả Vưu Long Vĩ, phổ nhạc cố nhạc sĩ Thế Phương, hay vở cải lương “Cuộc chiến thời bình” của soạn giả Ngô Quốc Khánh là những tác phẩm về chủ đề học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã đạt giải thưởng cấp Trung ương. Cùng với nhiều tác phẩm trên các lĩnh vực nhiếp ảnh, sân khấu, văn học, mỹ thuật, âm nhạc... đã đoạt trên 1.000 huy chương các loại ở cấp tỉnh, khu vực, quốc gia và quốc tế... Với những thành tựu ấy, VH-NT đã góp phần tích cực giới thiệu, quảng bá hình ảnh đất và người, bản sắc văn hóa các dân tộc Bạc Liêu đến với công chúng. Những văn nghệ sĩ Bạc Liêu đã góp sức vun bồi cho VH-NT Bạc Liêu trở thành vườn hoa hương sắc trong đời sống tinh thần của Nhân dân. Những vở diễn hay, tấm ảnh đẹp, bức hội họa ý nghĩa hay một bài ca, một bài thơ hay, áng văn thâm thúy... tất cả đều truyền cảm hứng để người ta khi thụ hưởng sẽ tự khắc thấy yêu đời hơn, nhìn cuộc đời tươi tắn, trong trẻo hơn.
Những tác phẩm truyền đi thông điệp ca ngợi Đảng quang vinh, Bác Hồ vĩ đại mãi trong lòng dân tộc, hay ngợi ca những thành tựu của quê hương sẽ trở thành động lực, thôi thúc mạnh mẽ hơn nữa khát vọng hướng tới tương lai phồn vinh. Đó là sứ mệnh của VH-NT mà đội ngũ văn nghệ sĩ Bạc Liêu trong 15 năm qua đã nỗ lực và có sự định hướng từ nghị quyết chuyên đề dành cho VH-NT.
VH-NT góp phần tái hiện lịch sử truyền thống cách mạng của dân tộc. Trong ảnh: Vở “Dòng sông đỏ” do Hội Văn nghệ dân gian dàn dựng, biểu diễn. Ảnh: M.Đ
Ươm khát vọng để sáng tác
Để VH-NT tiếp tục truyền cảm hứng trong đời sống tinh thần của công chúng, thiết nghĩ phải chú trọng đến những vấn đề cấp thiết như: gìn giữ, bảo tồn và phát triển các loại hình nghệ thuật truyền thống như đờn ca tài tử, điệu nói thơ Bạc Liêu, hò chèo ghe, dù kê, múa lâm-thôn... Một đội ngũ kế thừa các loại hình cần được quan tâm trăn trở khi tre già cần măng mọc. Việc đưa đờn ca tài tử vào giảng dạy ngoại khóa trong các trường phổ thông nên có lộ trình để không dừng lại ở khâu lý thuyết, mà phải làm sao truyền cảm hứng đam mê để các em tự giác tiếp thu; và trong số những học sinh học để biết sẽ tìm ra lớp kế thừa đủ đam mê để gánh nghiệp tiền nhân.
Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa của dân tộc là một mặt, mặt quan trọng không kém chính là tổ chức nhiều hơn và có sức hút hơn các hoạt động giới thiệu, quảng bá nhằm đưa tác phẩm VH-NT đến các vùng, các tầng lớp nhân dân. Những sản phẩm VH-NT chỉ sáng tác để dự giải, đoạt giải hay in thành sách để trên kệ sách hay trong kho tư liệu thì VH-NT chưa làm hết vai trò của mình. Xã hội hóa các hoạt động VH-NT để huy động tối đa nguồn lực bồi dưỡng, khích lệ tài năng trẻ trong hoạt động sáng tác cũng là một giải pháp khác mở đường cho VH-NT phát triển. Trong thời đại công nghệ số phát triển như vũ bão hiện nay thì bên cạnh bảo đảm chất lượng cho VH-NT và định hướng thẩm mỹ của công chúng thì điều cấp thiết nữa là kịp thời ngăn chặn, xử lý các hoạt động sáng tác, truyền bá những sản phẩm VH-NT có nội dung, tư tưởng xấu ảnh hưởng đến xã hội.
Bí thư Tỉnh ủy - Lữ Văn Hùng khi định hướng phong trào sáng tác VH-NT tỉnh nhà để tiếp tục thực hiện hiệu quả tinh thần Nghị quyết 23 đã đề nghị đội ngũ văn nghệ sĩ tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm, kiên định lập trường trước tác động, xuyên tạc, chống phá của các thế lực thù địch trên lĩnh vực tư tưởng văn hóa; bảo vệ, phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc và tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại; lên án, phê phán mạnh mẽ những tiêu cực, những thói hư, tật xấu làm cản trở sự phát triển và ảnh hưởng đến nhân cách con người, nhất là đối với thế hệ trẻ. Phấn đấu ngày càng có nhiều tác phẩm, công trình nghiên cứu VH-NT đạt chất lượng, có giá trị cao. Bên cạnh đó, cần tích cực tham gia các hoạt động tư vấn, phản biện xã hội trên một số lĩnh vực, góp phần quan trọng giúp các cấp, các ngành trong triển khai thực hiện nhiệm vụ chính trị của tỉnh.
VH-NT Bạc Liêu sẽ tiếp tục truyền cảm hứng, lan tỏa những câu chuyện hay, những thông điệp đẹp khi mỗi văn nghệ sĩ vẫn còn sáng tác bằng trái tim, hướng đến những giá trị chân - thiện - mỹ và ươm mãi khát vọng phát triển quê hương mình.
CẨM THÚY
- Các khu, điểm du lịch đón khoảng 245.000 lượt khách trong dịp tết Nguyên đán
- Rộn ràng chương trình nghệ thuật và bắn pháo hoa chào xuân Ất Tỵ 2025
- Lãnh đạo tỉnh thăm, chúc Tết các bệnh viện và Trung tâm Dịch vụ đô thị tỉnh
- Mở cửa làm việc xuyên Tết, Công an Bạc Liêu phục vụ người dân làm Căn cước
- Bế mạc và trao giải các hội thi tại Hội xuân “Chợ quê ngày Tết”