Văn hóa - Nghệ thuật
Độc đáo tục cúng đưa ông Táo về trời
Ngày 23 tháng Chạp là ngày Táo Quân cưỡi cá chép về chầu Ngọc Hoàng để bẩm tâu chuyện dưới trần gian. Tục lệ này đã ăn sâu vào tâm thức của người Việt nên ngày đưa ông Táo về trời luôn được người dân chuẩn bị chu đáo với đầy đủ, đa dạng lễ vật cúng bái.
Ảnh minh họa: B.T
Theo tục lệ lưu truyền, ngày 23 tháng Chạp, Táo Quân sẽ cưỡi cá chép lên thiên đình để báo cáo mọi việc lớn nhỏ trong nhà của gia chủ với Ngọc Hoàng thượng đế, và Táo Quân sẽ ở lại Thiên đình cho đến ngày cuối năm - giao thừa - mới trở lại trần gian để tiếp tục công việc coi sóc bếp lửa của mình. Cá chép là phương tiện đưa ông Táo về trời, cho nên sau khi làm lễ cúng bái xong, nhiều gia đình đều đem con cá chép ra sông hay ao hồ thả, với ý nghĩa là “cá chép hóa rồng”, vượt vũ môn thành công mang lại may mắn cho năm mới. Chính vì thế, tục lệ phóng sinh cá chép đã trở thành một nét văn hóa đẹp của người Việt và được gìn giữ cho đến hôm nay.
Ngày nay có nhiều biến thể trong việc bày biện lễ vật cúng đưa ông Táo về trời. Gia đình gốc Hoa thì có vẻ khá cầu kỳ, bởi phong tục này có nguồn gốc từ dân tộc Hoa. Người Hoa trưng bày nhiều món ăn gợi ý nghĩa một năm sung túc đủ đầy như: bánh bao, bánh bò (các loại bánh được làm từ bột nổi, ý là khởi đầu năm mới đầy thịnh vượng, phát tài phát lộc); gà luộc, trái cây, hoa tươi, thèo lèo (kẹo đậu phộng), nhất là không thể thiếu bánh tổ - với ý nghĩa tượng trưng cho việc nâng cao bản thân trong mỗi năm tới. Bánh tổ là loại bánh làm từ bột nếp trộn với đường, nước cốt dừa, nắn thành hình tùy ý (có gia đình cũng nắn hình con cá chép, hình thỏi vàng) rồi sau khi cúng xong sẽ chiên lên ăn. Tuy nhiên, hiện nay có nhiều gia đình Việt không cúng rập khuôn theo tục lệ, họ tùy vào sở thích thành viên trong nhà mà bày mâm cúng để tránh lãng phí.
Đặc biệt, trong mâm cúng của các gia đình luôn có bộ đồ lễ. Bộ đồ lễ thường được bán sẵn tại các tiệm nhang đèn, gồm áo mão của bà Táo và 2 ông Táo, tiền, vàng, giày, hia… Và cứ đến dịp gần tết, thị trường vàng mã lại có cơ hội ăn nên làm ra.
Dù phải lo nhiều thứ khi tết đến xuân về, nhưng các gia đình Việt vẫn chú trọng nghi thức đưa ông Táo về trời hàng năm. Vì ai cũng quan niệm rằng, trong nhà điều đặc biệt là cái bếp phải ấm thì gia đình mới hạnh phúc, ấm êm. Mượn nghi thức đưa ông Táo về trời, gia đình Việt cũng gửi gắm bao ước nguyện, cầu một năm mới vạn sự như ý, bình an, phát tài!
Ngọc Vũ
- Tập huấn chuyên sâu về thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính
- Hội Cựu chiến binh TP. Bạc Liêu: Tổng kết công tác Hội năm 2024
- Tỉnh Bạc Liêu và Quảng Ngãi chia sẻ kinh nghiệm về công tác chống khai thác IUU
- Hơn 200 cán bộ, giáo viên mầm non được bồi dưỡng năng lực giáo dục quyền con người
- Tận dụng, phát huy nguồn lực thực hiện tốt Quy hoạch tỉnh Bạc Liêu