Đọc “Người Sài Gòn bất đắc dĩ” của Võ Đắc Danh: Để biết yêu và day dứt…

Thứ Sáu, 27/10/2017 | 16:02

Gần như là một hiện tượng trên văn đàn, ít nhất là đối với những người hâm mộ tên tuổi nhà văn Võ Đắc Danh - kể từ khi tuyển tập “Người Sài Gòn bất đắc dĩ” ra mắt độc giả (Nhà xuất bản Trẻ phát hành cuối tháng 9/2017). Vì quyển sách là một tuyển tập hay với những câu chuyện hay về tình đời, tình người; hay tên tuổi Võ Đắc Danh đã được đông đảo độc giả ngưỡng mộ qua bút pháp chân chất của một “người nông dân cầm bút”; hay từ ý nghĩa làm từ thiện của việc ra mắt sách? Tất cả đều đúng!

Tôi mua sách với tinh thần ủng hộ tác giả làm từ thiện, vì được biết mục đích việc phát hành cuốn sách này là nhằm xây một cây cầu ở huyện Đầm Dơi (tỉnh Cà Mau) - quê hương tác giả - và gây quỹ học bổng hỗ trợ học sinh nghèo. Góp một số tiền nhỏ để ủng hộ tinh thần đầy ý nghĩa ấy, tôi đã nhận về một quyển sách hay!
Thú thật, tôi chỉ mới đọc chưa đến phân nửa tuyển tập gồm 47 truyện ngắn, ký, ghi chép trong “Người Sài Gòn bất đắc dĩ” dày trên 500 trang. Thường, tôi đọc sách đã chậm, đọc “Người Sài Gòn bất đắc dĩ” của Võ Đắc Danh, tôi càng đọc chậm hơn! Mỗi một câu chuyện cứ làm tôi day dứt, có chuyện làm tôi khóc, có chuyện khiến tôi bần thần, nghĩ suy miên man…


Thật quá thừa chăng nếu giờ đây ngồi viết bài “Giới thiệu sách” hay viết những câu chữ ngợi khen phong cách của “Võ lão nông”, của “người nông dân cầm bút”, của “Người Sài Gòn bất đắc dĩ” này? Thừa bởi, những bài viết ngợi khen văn chương Võ Đắc Danh đã quá nhiều - từ đồng nghiệp của anh, những người viết chuyên nghiệp lẫn cảm nhận từ độc giả…; những bút ký của anh xuất bản từ đầu những năm 2000 đến nay đã chiếm nhiều cảm tình từ độc giả; những bài viết đoạt giải thưởng cao, rồi những bộ phim tư liệu đặc sắc ký tên Võ Đắc Danh trong vai trò biên kịch và đạo diễn đã quá nhiều… Còn gì để “giới thiệu” và “khen ngợi” anh nữa?!
Chỉ biết rằng một độc giả “hậu sinh” như tôi khi đọc văn Võ Đắc Danh và nghĩ suy từ những câu chuyện thấm đẫm tình người trong “Người Sài Gòn bất đắc dĩ”, đã biết thế nào là đọc để yêu, để day dứt hơn với cuộc đời, tình người trong từng trang viết.
Biết yêu ở đây là yêu quê hương, yêu những cái chân chất, bình dị nhất mà đôi khi mình không nhận ra. Bình dị như nỗi nhớ “Nhớ củi”, “Nhớ đồng”, nhớ những “Rơm rạ dại khờ”, “Dấu ấn khoai lang”, “Mùa sa mưa”, “Mùa trái mắm”… Nhà văn Võ Đắc Danh viết nhiều điều mà những người xa quê hương chắc chắn có lúc nào đó phải nghiệm ra, chẳng hạn như giữa Sài Gòn tấp nập bất chợt nhớ quê đến xốn xang vì mùi khoai lang nướng; còn khi “người Sài Gòn” này thèm mẻ trê vàng thì không vì đó là một món ăn mà vì “đó chính là sự tích tụ của cả một cánh đồng” với bao kỷ niệm tuổi thơ. Đọc “Người Sài Gòn bất đắc dĩ”, chắc hẳn ai là người Sài Gòn sẽ thấy nao lòng, rồi sẽ tự nhắc lòng mình còn một mảnh đất nơi quê nhà, bởi “hóa ra Sài Gòn không phải của người Sài Gòn”, “người Sài Gòn ai cũng có một miền quê”…
Tôi không dám phân tích văn phong, cách viết của một bậc tiền bối như Võ Đắc Danh, chỉ thán phục ở cách anh kể chuyện, nó tự nhiên đến gần gũi, dẫn dắt mình vào nỗi nhớ thật tự nhiên, xoáy mình vào trong những nỗi đau đời nhẹ nhàng mà thâm thúy, và lấy đi những giọt nước mắt cảm thương cho những phận người… Tôi đã khóc rất nhiều khi đọc “Gã giang hồ lương thiện” (viết về cuộc đời cố nghệ sĩ Lê Vũ Cầu), “Sầu nữ Út Bạch Lan”, “Thế giới người điên”, “Đời chợ - chợ đời”… Viết về thân phận một người, Võ Đắc Danh xoáy tận ngõ ngách cuộc đời người ta, viết mà như tái hiện thành phim, phim về đời, về người rất thật và đầy cảm xúc… Rồi sau đó, tôi lại khâm phục cây bút này cách viết đầy dũng khí để đứng về phía người yếu thế, chiến đấu cho công lý, lẽ phải trên đời qua những “Đất của mẹ”, “Dân của ai và đất của ai”, “Trên đồng bưng Sáu Xã” 
Đọc “Người Sài Gòn bất dắc dĩ” khiến tôi day dứt về tình đời, tình người giữa cuộc sống này. Những nhân vật, câu chuyện anh kể đã trôi qua nhiều năm tháng, nhiều người đã không còn, nhưng đó vẫn là những câu chuyện về thế thái nhân tình luôn mang tính thời sự, luôn ẩn chứa những bài học đối nhân xử thế cần thiết giữa cuộc đời này. Nhà văn chỉ viết lại, tả lại và “để đó, không nói gì thêm” nhưng đủ khiến độc giả tự ngẫm, chẳng hạn như chuyện bà lão bán chuối chiên khi được cho hai điều ước, bà nói chỉ ước bán đắt để đủ tiền nuôi hai đứa con một điên, một bệnh nan y, và điều ước còn lại thì ước đừng chết trước hai đứa nó; hay chuyện “Gã khùng”, tuy khùng mà sống có tình thương, tất nhiên tác giả khi viết đã chú thích “không có ý động viên người khác học tập theo, bởi sẽ vô cùng phi lý nếu chúng ta đi học tập những điều hay lẽ phải ở một thằng khùng”…
Còn rất nhiều những câu chuyện hay trên mỗi trang viết “Người Sài Gòn bất đắc dĩ” mà tôi vẫn sẽ phải đọc từ tốn và chiêm nghiệm từ đó để biết yêu nhiều hơn, sống tử tế hơn sau những day dứt từ mỗi câu chuyện mà tác giả đã gửi gắm. 
Đọc “Người Sài Gòn bất đắc dĩ” của Võ Đắc Danh, ra đường, gặp bà bán ve chai lông vịt cầm cái kèn tít te, ông lão bán vé số lưng còng, hay anh thợ hồ đưa đón đám con nhỏ đi học trên chiếc xe cà tàng… tự dưng tò mò, muốn bước vào cuộc đời họ mà viết lách vô cùng! Bỗng… chùn chân, chùn bút vì sợ mình sẽ không có đủ một tấm lòng, một tài năng để viết cho ra chuyện… Để người đọc biết yêu và day dứt với đời hơn, trên từng trang viết như một tuyển tập hay tôi đang được thẩm thấu từng ngày.
Cẩm Thúy

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.