Đọc sách - thói quen tốt đang bị lãng quên

Thứ Hai, 25/08/2014 | 16:56

Vài năm trở lại đây, nhiều người không còn thiết tha với việc đọc sách, nghiên cứu sách để làm giàu kiến thức, bởi đã có sự hỗ trợ đắc lực của công nghệ hiện đại. Chỉ cần “click” chuột, lướt tay trên điện thoại, máy tính bảng… thì dễ dàng tìm thấy mọi thông tin trong tích tắc. Lâu dần, điều này đã trở thành một thói quen và việc đọc sách bỗng trở nên lỗi thời, lạc hậu.

Nhớ “thời hoàng kim” của sách

Cách đây chưa đầy một thập niên, sách là “món ăn tinh thần” không thể thiếu đối với nhiều người. Đó là món quà quý trong ngày mừng thọ, sinh nhật của ông bà, cha mẹ; dâng tặng thầy cô hay ký gửi tâm tình cho “một nửa yêu thương” và vun đắp cho tâm hồn trẻ thơ những bài học quý về đạo đức, xây dựng hình mẫu một công dân có ích cho xã hội lúc trưởng thành… Bởi vậy, sách được trân trọng và người sở hữu được càng nhiều sách càng được mọi người đề cao, ngưỡng mộ.

Học sinh Trường THPT Phan Ngọc Hiển đọc sách tại thư viện của trường. Ảnh: Đ.K.C

Người viết bài này đã tận mắt chứng kiến 3 tấm gương điển hình vì sự đam mê dành cho sách. Họ là những người thầy với đồng lương giáo viên ít ỏi nhưng vẫn dành một phần để “tậu” sách. Một người là giáo viên THPT dạy Toán, sách chiếm gần hết căn phòng tập thể dành cho giáo viên của thầy, chỉ còn một góc nhỏ trên giường là chỗ để ngả lưng. Mỗi lần lĩnh lương, thầy lại khăn gói lên tận Cần Thơ, TP. HCM để tìm mua sách…

Vào đại học, tôi lại được diện kiến hai “cao nhân” khác. Một là thầy dạy Văn học Trung Quốc, thầy này mê sách đến nỗi thuê hẳn căn phòng trọ chỉ để chứa sách. Chỉ có học trò “ruột” mới được thầy đưa đến “tổng hành dinh” ấy. Người tiếp theo là thầy Ngọc Mân, dạy Văn học Ấn - Nhật. Dù đã bước vào tuổi thất thập, nhưng niềm đam mê sách trong thầy không bao giờ tắt lịm. Thầy có thể dùng cả tháng lương để tậu sách và dùng cả cuộc đời mình để đọc sách. Với mỗi quyển sách đọc xong, thầy lại cho vào túi nylon một cách cẩn thận để chống mối mọt…

Cùng vực dậy thói quen đọc sách

Ngày nay còn mấy ai giữ được thói quen ấy khi ngày càng nhiều phương tiện nghe nhìn, các tiện ích bổ trợ học tập, nghiên cứu hiện đại. Trẻ con hào hứng với những món đồ chơi đắt tiền hơn là khi được người lớn tặng sách. Những quyển truyện cổ tích Việt Nam, thần thoại Hy Lạp… không còn là sách gối đầu giường của trẻ con, mà cha mẹ chúng thường đưa chúng đi vào giấc nồng bằng những trò chơi trên máy tính bảng, điện thoại. Người lớn cũng thế, thay vì dùng thời gian để đọc sách thì họ lại lướt web để truy cập thông tin, nếu bí lối mới nhờ đến sự hỗ trợ của sách.

Nhiều người cho rằng, đọc sách mất rất nhiều thời gian và việc mua sách khá tốn kém. Một số người còn cho rằng chỉ đọc qua một lần rồi bỏ, mua làm gì cho phí phạm. Thậm chí, có bạn trẻ còn cho rằng đó là một thói quen lạc hậu trong thời đại công nghệ số…

Thiết nghĩ, để vực dậy thói quen đọc sách, người lớn nên nêu gương cho trẻ nhỏ, tập cho các em tình yêu sách từ những ngày đầu làm quen với thế giới xung quanh. Các trường học cần phát huy vai trò của các thư viện để kích thích học sinh niềm đam mê với sách. Thường xuyên trao đổi, luân chuyển sách mới đến các thư viện ở nông thôn để xây dựng thói quen tốt trong cộng đồng. Tổ chức nhiều buổi tuyên truyền, giới thiệu sách đến độc giả, công chúng, đặc biệt là bà con nông thôn vùng sâu, vùng xa. Các thư viện tỉnh, huyện cũng cần thiết kế không gian đọc sách thu hút độc giả, có cung cách phục vụ tận tình và thoáng hơn trong việc cho bạn đọc mượn sách về nghiên cứu ở nhà để tăng lượng độc giả. Đối với mỗi công sở, cơ quan nên xây dựng một tủ sách thanh niên để sẻ chia, giới thiệu cho bạn bè, đồng nghiệp những thông tin, kiến thức bổ ích về nghề nghiệp, công việc và qua đó góp phần vực dậy thói quen đọc sách.

KIM TRÚC

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.