Đón Tết Đoan ngọ: Nét văn hóa đặc sắc của cộng đồng người Hoa ở Bạc Liêu

Thứ Hai, 29/05/2017 | 16:50

Một trong những lễ hội truyền thống mang đậm tính văn hóa của cộng đồng người Hoa ở Bạc Liêu là tục đón Tết Đoan ngọ diễn ra vào mùng 5/5 âm lịch hàng năm. Trong dịp lễ hội này, người dân tổ chức cúng đồng để tạ ơn thần nông và cầu cho một năm được mùa vụ bội thu.

Đậm tính cộng đồng
Đối với cộng đồng người Hoa, một trong những lễ vật không thể thiếu để đón Tết Đoan ngọ chính là bánh ú. Bánh ú được gói cúng ở đây có 2 loại, gồm: bánh ú ngọt và bánh ú mặn. Bánh ú ngọt là bánh ú lá tre, do bánh được gói bằng lá tre mạnh tông. Có người còn gọi là bánh ú nước tro, cũng không sai, do nếp làm bánh ú được ngâm trong nước than tro làm cho bột bánh sau khi hấp chín trong suốt và có màu vàng hổ phách. Còn vì sao gọi là bánh ú ngọt thì do nhân bánh được làm bằng đậu xanh xay nhuyễn và nấu với đường cát trắng. Riêng bánh ú mặn, hay còn gọi là “bá trạng” (theo tiếng Triều Châu thì “bá” hay “bạ” là thịt, còn “trạng” là bánh ú) với nhân thập cẩm gồm nhiều thứ khác nhau như: thịt, mỡ heo, hột vịt muối, tôm khô, lạp xưởng, đậu xanh, đậu phộng, nấm đông cô, nấm mèo và nhiều loại gia vị khác tạo nên vị bánh ú rất đặc trưng, hội tụ đủ sắc - hương - vị khi bánh ú được mở ra. Do vậy, đây được coi là món đặc trưng và chỉ có người Hoa mới làm được thứ bánh ú ngon hấp hẫp dẫn này.
Tục cúng bánh ú trong ngày Tết Đoan ngọ bắt đầu từ một tích xưa của Trung Quốc. Đó là tục ném bánh ú xuống sông Mịch La để tưởng nhớ Khuất Nguyên, một vị trung thần nước Sở (thời Chiến Quốc) đã can vua không nên nghe theo lời xu nịnh của gian thần nhưng không thành, nên đã gieo mình xuống sông Mịch La tự vẫn vào mùng 5/5. 
Tuy nhiên, khi sang Việt Nam, Tết Đoan ngọ đã mang một màu sắc riêng, thể hiện sâu sắc tính cộng đồng và văn hóa phồn thực của người Hoa. Đó là ngày tết của những người nông dân sau những ngày mùa lao động vất vả, họ tổ chức cúng đồng (đồng ruộng), tạ ơn Thần Nông và cũng là ngày diệt sâu bọ (vì theo quan niệm của người Á Đông thì Tết Đoan ngọ rơi vào thời điểm giao mùa nên dễ bị sâu bệnh tấn công và phải ra quân diệt sâu bọ). Mặt khác, Tết Đoan ngọ còn gắn với một tục khác là phải tổ chức cúng đồng ngay thời điểm chánh Ngọ.
Xuất phát từ ý nghĩa này mà trong dịp Tết Đoan ngọ, các gia đình người Hoa tổ chức cúng đồng khá hoành tráng, nhất là người dân tuyến ven biển Bạc Liêu vốn gắn bó với nghề nông từ thuở khai phá vùng đất Bạc Liêu. Trong dịp này, nhiều gia đình giết heo, giết gà và nấu nhiều món ngon để mang ra đồng ruộng bày cúng và làm lễ tạ ơn Thần Nông, cầu cho một năm mới với những vụ mùa bội thu. Sau khi cúng xong, người ta mở tiệc và mời bạn bè trong xóm cùng tham gia. Không có quy định cụ thể mà gia đình nào có điều kiện thì tổ chức cúng lớn và mời hàng xóm cùng tham gia, rồi sang năm sau là các hộ khác. Còn hộ nào không có điều kiện nhưng muốn mời các hộ khác vui Tết Đoan ngọ với gia đình mình thì các hộ khác sẽ góp vào bằng việc tặng con gà, ký thịt, rượu, bánh… để hộ đó có được một bữa tiệc tươm tất.

Một điểm bán bánh ú mặn phục vụ khách du lich trong dịp Tết Đoan ngọ của người Hoa ở Chợ Lớn (TP. HCM). Ảnh: L.H

Không chỉ có người nông dân mới tổ chức cúng Thần Nông, mà nhiều gia đình người Hoa hành nghề kinh doanh cũng cúng vị thần này, với ý nghĩa là để gia đình luôn luôn ấm no, không phải lo cái đói và giúp cho việc kinh doanh phát đạt. Do vậy, ngoài cúng bánh ú, nhiều gia đình còn dùng bột gạo và năm thứ đậu để làm bánh bột hấp. Và hình dáng của bánh bột hấp rất đa dạng, chủ yếu là các nông cụ được nắn từ bột như: cày, cuốc, nón lá, con trâu… nhằm tưởng nhớ công đức của Thần Nông.
Ngoài ra, trong dịp Tết Đoan ngọ này, nhiều gia đình còn tổ chức cúng cơm ông bà với món canh truyền thống chỉ thấy nấu cúng trong mùng 5/5. Đó là món canh cải ích mẫu nấu với thịt heo bằm và tàu cua trắng. Ý nghĩa của món ăn này là giúp cho con người giải nhiệt, luôn cảm thấy thoải mái, tiêu trừ tật bệnh và nhiều người còn cho con cháu ra ngắm mặt trời vào ngày này như một phép ngừa bệnh mắt…

Gắn với phát triển du lịch
Xuất phát từ ý nghĩa là lễ hội vui chơi sau những ngày mùa vất vả, nên nhiều địa phương đã đưa Tết Đoan ngọ vào một trong những lễ hội truyền thống được tổ chức hoành tráng hàng năm. Điển hình như huyện Chợ Lách (tỉnh Bến Tre) hàng năm đều tổ chức lễ hội trái cây và thi đấu xảo các sản phẩm độc - lạ từ sản xuất nông nghiệp và thu hút hàng trăm ngàn lượt du khách đến tham quan. Và đây cũng trở thành một trong những tua du lịch hấp dẫn của Bến Tre hiện nay. Hay tại TP. HCM, nhiều người cũng tổ chức các tua du lịch trải nghiệm bằng việc tham quan và ăn các món ngon của cộng đồng người Hoa sinh sống ở Chợ Lớn. Đó là việc kết hợp tham quan các di tích, làng nghề truyền thống của người Hoa gắn với việc thưởng thức các món ăn đậm tính truyền thống của người Hoa như: hủ tiếu Quảng Đông, chè hoa thơm, bánh bao, lạp vịt...
Đối với Bạc Liêu, với bản sắc văn hóa độc đáo được kết tinh qua quá trình cộng cư của ba dân tộc Kinh - Khmer - Hoa thì hoàn toàn có thể khai thác thế mạnh này để phát triển du lịch. Đó là việc xây dựng các tua du lịch trải nghiệm trên vùng đất Giồng ven biển gắn với khai thác những nét văn hóa tiêu biểu của cộng đồng người Hoa. Việc làm này không chỉ góp phần bảo tồn văn hóa truyền thống, mà còn phát huy và tôn vinh bản sắc văn hóa dân tộc.
Lư Dũng

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.