Dưới chân những tượng đài!

Thứ Sáu, 05/04/2024 | 16:05

Việt Nam ta có lịch sử dựng nước và giữ nước oai hùng và thuộc nhóm các quốc gia có nền văn hiến lâu đời nhất. Những pho sử vàng ấy được tái hiện phần nào qua hơn 630 tác phẩm điêu khắc tượng đài được dựng đặt từ Bắc chí Nam vừa mang giá trị nghệ thuật, và hàm chứa sự ngợi ca, tôn vinh truyền thống lịch sử, văn hóa, nhắc nhở muôn đời sau.

Trong chuyến đi đến tỉnh Đồng Nai và Tây Nguyên tháng 3 vừa rồi, đoàn công tác Báo Bạc Liêu đã may mắn được đến tham quan, đứng dưới chân những tượng đài danh nhân, tượng đài sự kiện đấu tranh giành độc lập, thống nhất quê hương!

Tượng đài Thượng đẳng thần Nguyễn Hữu Cảnh (1650 - 1700) tại Cù Lao Phố (TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai).

Định hình dải đất hình chữ “S:”

Mấy năm gần đây, các bạn trẻ thường loan truyền trên mạng Internet, nhất là các nền tảng mạng xã hội màn đối đáp về hình dạng của đất nước mình. Có bạn nhắc lại câu trả lời quen thuộc xưa nay là nước ta có hình chữ S, nằm cạnh biển Đông. Một câu khẳng định không sai, nhưng đầy đủ phải là chữ “S:”, dấu “:” ấy là quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa - những phần máu thịt không thể tách rời của biên cương nước Việt. Đó là thông điệp mà tuổi trẻ nước nhà đưa ra, muốn lan tỏa sâu rộng đến muôn nơi, mọi người cả trong và ngoài nước.

Công cuộc xây dựng, mở rộng và bảo vệ toàn vẹn, thống nhất lãnh thổ quốc gia của nước Việt ta trải qua bao đời, có sự tiếp nối liên tục, kế thừa, và trong tiến trình ấy có dấu ấn sâu đậm của Lễ thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh. Ông là người được lịch sử ghi nhận đã xác lập chủ quyền quốc gia trên đất Nam Bộ. Câu chuyện về danh tướng nhà Nguyễn kỳ công khai sơn phá thạch, chia dinh định huyện ở miền Nam được thể hiện đậm nét tại Di tích lịch sử quốc gia Đền thờ Thượng đẳng thần Nguyễn Hữu Cảnh (còn gọi Đình Bình Kính) tại Cù Lao Phố (TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai).

Chiều muộn, đoàn công tác chúng tôi đến viếng Đền thờ, thành kính thắp nén nhang tri ân tiền nhân có đại công mở mang, chấn chỉnh bờ cõi phía Nam Tổ quốc. Trên sân đình, hậu thế dựng tượng đài Đức ông Nguyễn Hữu Cảnh hướng mặt về dòng sông Đồng Nai đang êm đềm trôi, phía bên phải là cây cầu sắt nâng đỡ đoàn tàu Thống nhất Bắc - Nam. Học giả Vương Hồng Sển có thuật lại: “Chúa Nguyễn là Nguyễn Phúc Chu sai ông Nguyễn Hữu Kính (tức Nguyễn Hữu Cảnh) làm kinh lược đất Chân Lạp, chia đất Đông Phố (Giản Phố) ra làm dinh, làm huyện, lấy xứ Đồng Nai làm huyện Phúc Long và xứ Sài Gòn làm huyện Tân Bình. Đặt Trấn Biên dinh (tức Biên Hòa) và Phiên Trấn dinh (tức Gia Đình), sai quan cai trị”.

Đời sau ghi nhớ công ơn của tiền nhân nên đã đặt câu đối: “Dẹp Chiêm Thành, sắp đặt Cao Man (Miên), làm tướng, làm thần, vinh sông thác/ Dân Ngũ Quảng mở mang Lục tỉnh, dày công, dày đức, tạc non sông”. Truyền thống “uống nước nhớ nguồn” ấy chảy mãi trong tâm thức người Việt như dòng sông Đồng Nai ngày đêm nghiêng mình trước Đền thờ. Khi chúng tôi sắp rời đi, một nhóm học trò trường tiểu học gần đấy, dưới sự hướng dẫn của thầy cô tiến vào Đền thờ. Gặp người lớn (dù không quen biết), các cháu khoanh tay trước ngực, cúi đầu lễ phép chào và tiến hành công việc quen thuộc của mình - quét dọn khuôn viên Đền thờ.

Tượng đài Anh hùng N’trang Lơng và phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc 1912 - 1936 tại TP. Gia Nghĩa (tỉnh Đắk Nông).

“Nỏ và xe tăng” tại ngã 6 Buôn Ma Thuột

Rời miền Đông Nam Bộ, theo đường Hồ Chí Minh, chúng tôi tiếp tục hành trình tiến lên Tây Nguyên. Con đường mang tên Bác dài gần 3.200 cây số, như một dải lụa đào mềm mại mà bền bỉ nối liền 30 tỉnh, thành phố, trong đó có khu vực Tây Nguyên và tỉnh Bạc Liêu, bắt đầu từ Pác Bó (tỉnh Cao Bằng) và kết thúc tại “nơi cuối trời” Mũi Cà Mau (tỉnh Cà Mau).

Ở Tây Nguyên, tháng 3 là mùa con ong đi lấy mật, bướm bay là đà trên nương rẫy, dọc các tuyến đường, còn với chúng tôi là hành trình trở về lịch sử kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, ngụy. Cái nắng khô cây, cháy cỏ, cộng thêm các cơn gió lửa hùa theo thử thách khách phương xa cũng không khiến chúng tôi chùn chân, mà như cảm nhận được sức nóng, sự khốc liệt của cuộc chiến đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, bao gồm Chiến dịch Tây Nguyên, tạo bước ngoặt lịch sử, quan trọng cho Đại thắng mùa Xuân năm 1975!

Chiến dịch Tây Nguyên được mở màn bằng chiến thắng Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk) ngày 10/3/1975. Chiến thắng vang dội, chóng vánh trong 31 giờ đã được khái quát hóa thông qua hình tượng nghệ thuật Tượng đài Chiến thắng Buôn Ma Thuột đặt tại ngã 6 trung tâm tỉnh lỵ của tỉnh Đắk Lắk hôm nay. Tác phẩm điêu khắc bằng bê-tông mô phỏng kích cỡ thật chiếc xe tăng T-54 số hiệu 980 do Anh hùng Đoàn Sinh Hưởng - nguyên Đại đội trưởng Đội xe tăng 9 của Trung đoàn 273 sử dụng trong trận Buôn Ma Thuột gần nửa thế kỷ trước. Năm xưa, xe tăng số hiệu 980 dẫn đầu đội hình thọc sâu của trận đánh, chính nó bắn sập cổng Bộ Tư lệnh Sư đoàn 23 của ngụy quân Sài Gòn, rồi dẫn dắt đội hình xung phong đánh chiếm căn cứ quan trọng này. Mô hình chiếc xe tăng nằm trong tạo hình tái hiện chiếc nỏ - loại vũ khí thô sơ mà đồng bào các dân tộc Tây Nguyên sử dụng trong sinh hoạt và giữ bon (làng).

Theo dõi sa bàn thuyết minh trận đánh này tại Bảo tàng cấp 1 Đắk Lắk, chúng tôi thêm tự hào về tài thao lược của Đại tướng Văn Tiến Dũng, sự mưu trí, dũng cảm, đồng lòng của Quân đội và đồng bào đại ngàn Tây Nguyên. Ứng dụng công nghệ vào giới thiệu lịch sử, chỉ vỏn vẹn 15 phút, Bảo tàng Đắk Lắk đã đưa người tham quan về quá khứ một cách sinh động, chân thật: “Đúng 2 giờ 3 phút ngày 10/3/1975, cuộc tấn công như bão lửa vào các mục tiêu then chốt ở Buôn Ma Thuột bắt đầu: đặc công đánh sân bay thị xã, lực lượng bộ binh đánh sân bay Hòa Bình, khu kho Mai Hắc Đế. Cùng thời gian, hỏa tiễn H12 và các cụm pháo tập trung bắn vào Sở Chỉ huy Sư đoàn 23 ngụy kéo dài cho đến sáng,…”.

Quét mã… để hiểu quá khứ!

“Người anh em” của tỉnh Đắk Lắk là tỉnh Đắk Nông vừa kỷ niệm 20 năm tái lập (1/1/2004 - 1/1/2024) trong một sự kiện được tổ chức tại khu Đảo nổi, hồ Trung tâm, TP. Gia Nghĩa - ngay dưới chân Tượng đài Anh hùng N’Trang Lơng và phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc 1912 - 1936. Địa phương theo tiếng đồng bào bản địa nơi đây có nghĩa là “Nguồn nước trên cao” này là vùng đất cổ, nằm trên cao nguyên M’Nông, nơi sinh sống lâu đời của các dân tộc M’Nông, Mạ, Ê đê…

Một trong những người con ưu tú nhất của đồng bào nơi đây là Anh hùng N’Trang Lơng. Vị Anh hùng ấy đã lãnh đạo đồng bào M’Nông mình đấu tranh chống thực dân Pháp kéo dài từ năm 1912 cho đến khi ông bị thương và mất năm 1935, đến năm 1936 phong trào khởi nghĩa cũng bị dập tắt. Tuy cuộc khởi nghĩa chưa đi đến thắng lợi cuối cùng, nhưng những trận đánh, chiến công của nó đã cổ vũ đồng bào các dân tộc trên vùng Tây Nguyên không cam chịu áp bức, nô lệ và giương cao ngọn cờ đấu tranh chống kẻ thù xâm lược. Các thông tin cơ bản về công trình tượng đài này (tiếng Việt và tiếng Anh) sẽ hiển thị chỉ sau thao tác quét mã QR đặt dưới chân tượng đài.

Tượng đài Chiến thắng Buôn Ma Thuột tại ngã 6, TP. Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk).

Một chuyến đi không dài ngày, thời gian dừng chân tại các địa phương chưa phải là nhiều, ấy vậy mà đã đem lại cho chúng tôi bao điều mới mẻ, hiểu thêm về quá khứ, nắm bắt nhiều thông tin hiện tại để cùng nhau hướng đến một ngày mai tươi sáng hơn. Dọc hành trình ấy, các tượng đài là dấu gạch nối giữa các chiều của không gian và thời gian!

Bài và ảnh: Hoàng Quân

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.