Gia đình - trường học đầu tiên của mỗi người

Thứ Tư, 19/12/2018 | 14:55

“Gia đình là nơi cuộc sống bắt đầu và tình yêu không bao giờ kết thúc”.

Gia đình là nơi cuộc sống bắt đầu, vì ở đó một con người được sinh ra. Và tình yêu trong gia đình cũng không bao giờ kết thúc, vì ít nhất ở đó có sự yêu thương vô bờ bến của cha mẹ dành cho con. Chính vì thế, gia đình luôn là điểm tựa tinh thần vững chắc nhất cho mỗi con người. Không thể tìm ở đâu, một tình yêu chân thành và không-đánh-đổi như tình yêu thương giữa những người thân ruột rà trong một gia đình đúng nghĩa. Từ đó, gia đình cũng là chiếc nôi ấm, là trường học đầu đời và cha mẹ chính là những người thầy đầu tiên của mỗi con người.

Đại gia đình hạnh phúc của chú Nguyễn Phúc Tài (phường 7, TP. Bạc Liêu). Ảnh: Nguyễn Hiền

Cha mẹ - tấm gương sáng cho con

Nơi gắn bó đầu tiên của con người chính là chiếc nôi gia đình. Người gần gũi, cận kề hàng ngày với chúng ta chính là cha mẹ. “Cây xanh thì lá cũng xanh/ Cha mẹ hiền lành để đức cho con”,  câu ca dao này cho thấy ông bà ta quan niệm rằng, cho con núi tiền, vàng bạc cũng không bằng ăn ở hiền lành để tạo phúc cho con. Không biết có tạo phúc hay không, nhưng cha mẹ hiền lành, sống có đạo đức trước hết chính là tấm gương sáng để giáo dục con.

Không khó để tìm những gia đình văn hóa, gia đình hiếu học kiểu mẫu ở Bạc Liêu. Mẫu số chung ở những gia đình này chính là tấm gương sáng của cha mẹ - những người thầy đầu tiên của con cái.

Gia đình của chú Nguyễn Phúc Tài (phường 7, TP. Bạc Liêu) là một điển hình như thế. Vợ chồng chú là người gốc Ninh Bình, vào Bạc Liêu năm 1976 theo diện cán bộ miền Bắc tăng cường. Chú nguyên là Phó Giám đốc Công ty chăn nuôi, sau là Chi cục trưởng Chi cục Thú y của tỉnh. Chú cũng là Trưởng Ban liên lạc Hội đồng hương Ninh Bình tỉnh Bạc Liêu. Những năm tháng mới vào Bạc Liêu, hai vợ chồng đối mặt với không ít khó khăn. Nhưng chính tình yêu thương trong mái  ấm gia đình; phong thái chính trực, vai trò rường cột của người chồng - người cha; đức chịu thương chịu khó, tấm lòng bao la của người vợ - người mẹ đã giúp gia đình chú trở thành chiếc nôi ấm, trường học khuôn mẫu đầu đời cho những người con. Con gái, con rể của chú Tài đều là những người thành đạt và là những con, cháu thảo hiền. Có thể kể đến TS. Nguyễn Thị Hồng Hạnh là một trong những giảng viên ưu tú của Trường đại học Cần Thơ bảo vệ luận án tiến sĩ chuyên ngành Lý luận văn học (của Trường đại học KHXH&NV TP. Hồ Chí Minh) đạt loại xuất sắc, ở tuổi đời 35; chị Nguyễn Thị Tình, nguyên là Phó Hiệu trưởng Trường tiểu học Phùng Ngọc Liêm và hiện là Hiệu trưởng Trường tiểu học Lê Quý Đôn (TP. Bạc Liêu). Những người con còn lại của chú đều là cán bộ, giảng viên, giáo viên công tác tốt ở cơ quan, đơn vị - thành đạt ngoài xã hội lẫn thành công trong xây dựng mái ấm gia đình.

Gia đình là ngôi trường đầu tiên giáo dục nhân cách cho con người. Tuy không có sách vở, giáo án, nhưng tấm gương của cha mẹ, sự giáo dục đúng cách và đúng hướng có tác động mạnh mẽ đến việc “đào tạo” những học trò xuất sắc, những công dân gương mẫu cho xã hội. Cha mẹ giáo dục con cái bằng tình yêu thương. “Dạy con từ thuở còn thơ”, cha mẹ gần gũi, quan tâm từng cử chỉ, hành vi nhỏ nhất của con để kịp thời uốn nắn. Trẻ nhỏ thường bắt chước người lớn. Sống nhân hậu, nghĩa tình, biết kính trên nhường dưới, vợ chồng thuận hòa, thống nhất trong cách dạy dỗ con cái sẽ tạo ra những học trò - đứa con ngoan hiền. Cha mẹ dạy con thành “nhân” trước khi bước chân vào trường học, xã hội để thành “tài”.

Đừng đổ lỗi “con hư tại…”

Dân gian có câu “Con hư tại mẹ, cháu hư tại bà”. Ngày nay, quan niệm ấy đã lạc hậu, nhưng xét về hoàn cảnh khi ra đời câu nói thì âu cũng có phần đúng. Đó là khi phụ nữ chỉ tề gia nội trợ, chưa tham gia công tác xã hội như bây giờ. Vợ ở nhà quán xuyến trong ngoài và phụ trách nuôi dạy con cái, chồng chỉ lo việc kiếm tiền. Nên “con dại cái mang”, con hư thì người ta đổ thừa do mẹ không dạy dỗ. Thế nhưng thời đại ngày nay, không thể đổ thừa “tại mẹ” dù mẹ vẫn là người gần gũi, chăm sóc con cái trong gia đình. Trách nhiệm dạy dỗ con cái phải thuộc về cả chồng lẫn vợ. Dạy con thế nào còn đòi hỏi những kỹ năng nhất định, đây cũng là vấn đề mà cả xã hội đang quan tâm để gia đình thật sự là tế bào lành mạnh cho xã hội. Nghiêm khắc nhưng không quá áp đặt, yêu thương nhưng không quá nuông chìu. Cha mẹ có trách nhiệm định hướng tương lai cho con nhưng phải thấu hiểu năng lực, sở thích của con mình. Hãy luôn là bạn của con trước khi là cha mẹ. Đừng dùng luận điệu so sánh “con người ta” thế này, thế kia mà áp đặt trong dạy dỗ con mình…

Những hội thảo về kỹ năng nuôi dưỡng, giáo dục con cái ngày một nhiều. Nhưng tình trạng báo động về những hành vi, suy nghĩ, lối sống lệch chuẩn đạo đức ở trẻ vị thành niên vẫn đang là vết thương nhức nhối trong đời sống đương đại. Đó là những thảm án đau lòng con giết cha mẹ vì nghiện game (trò chơi điện tử), là những cái chết trẻ khi sa chân vào tệ nạn xã hội, là những học trò ngồi thâu đêm suốt sáng ở quán Internet, là những nữ sinh nạo phá thai khi tuổi đời còn non trẻ… Những vấn nạn trên chỉ là một góc tối của xã hội nhưng ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển của một thế hệ tương lai của đất nước.

Có một câu châm ngôn nhắc chúng ta trong việc giáo dục con cái, đơn giản thế này: “Đừng gây bất lợi cho con bạn bằng việc cho chúng cuộc sống dễ dàng”. Cuộc sống dễ dàng ấy là sự thiếu quan tâm của cha mẹ, vì tất bật công việc, mải mê kiếm tiền. Hoặc, sự nuông chìu quá mức, cho con sống trong giàu sang mà không dạy dỗ con nên người cũng là đang tạo ra một “cuộc sống dễ dàng”. Và hậu quả, “gây bất lợi” cho con chính là lối sống ỷ lại, phụ thuộc, trông chờ; tiêu cực hơn là sa đà vào những con đường tội lỗi. Ngày nay, không hiếm trường hợp cha mẹ bận bịu đến mức ở nhà thì giao việc trông nom con cho người giúp việc, ở trường thì khoán trắng cho thầy cô. Trong khi đó, xã hội ngày một tiến bộ nhưng mặt trái lại đầy rẫy cạm bẫy đối với một đứa trẻ mới lớn.

Theo thống kê của ngành chức năng, từ tháng 10/2017 - 11/2018 toàn tỉnh đã thụ lý hơn 3.200 vụ và giải quyết hơn 3.100 vụ ly hôn. Tình trạng ly hôn ở những gia đình trẻ ngày một tăng. Hạnh phúc gia đình không vững bền làm khuyết đi những tổ ấm yêu thương - ngôi trường đầu đời của con trẻ. Người ta vẫn tranh cãi với nhau về sự chọn lựa khi đứng trước bờ vực ly hôn: chấp nhận hy sinh cái tôi để vì con mà chung sống hay “chia tay sớm bớt đau khổ”, đừng vì con mà níu kéo để rồi chúng vẫn không cảm nhận được gia đình là tổ ấm. Mỗi người sẽ có cách nghĩ riêng, nhưng thiết nghĩ, đừng để “hôn nhân là mồ chôn tình yêu” như một quan niệm cực đoan đã “phán” như thế! Hôn nhân hãy là nơi tình yêu được nhân lên, hôn nhân chỉ bắt đầu khi tình yêu thật sự chín chắn.

Gia đình hãy là nơi vun đắp tình yêu. Vợ chồng cùng nhau vun vén hạnh phúc, lan tỏa tình yêu thương để tạo thành chiếc nôi ấm, ngôi trường hạnh phúc đầu đời giáo dục con nên người. “Tình yêu thương của cha mẹ là ánh sáng soi đường cho sinh mệnh trẻ thơ”. Bằng tình yêu thương, bằng thái độ sống tử tế, cha mẹ chính là tấm gương sáng để hình thành nhân cách cho con trẻ - nền tảng quan trọng của một con người.

Cẩm Thúy

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.