Giáo dục di sản văn hóa trong trường học

Thứ Hai, 19/07/2021 | 15:52

Di sản văn hóa Việt Nam bao gồm kho tàng di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đa dạng, phong phú trải dài đất nước. Từ Bắc - Trung - Nam, ở đâu có dấu chân con người đi mở cõi, ở đó có những di sản quý giá người xưa để lại cho đời nay. Nâng cao hiểu biết cho thế hệ trẻ về kho tàng di sản văn hóa dân tộc luôn là việc làm cần thiết; trong đó chương trình giáo dục di sản văn hóa trong nhà trường thiết nghĩ cần được chú trọng nhiều hơn.

Học sinh tham quan, tìm hiểu Di tích lịch sử Nọc Nạng (TX. Giá Rai). Ảnh: H.T

Nâng cao hiểu biết về di sản

Di sản văn hóa Việt Nam là tài sản quý giá của cộng đồng các dân tộc Việt Nam và là một bộ phận của di sản văn hóa nhân loại, có vai trò to lớn trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của Nhân dân ta. Di sản văn hóa bao gồm di sản văn hóa phi vật thể và di sản văn hóa vật thể, là sản phẩm tinh thần, vật chất có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, được lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác. Trong đó, di sản văn hóa phi vật thể bao gồm: tiếng nói, chữ viết, nghệ thuật trình diễn dân gian, tập quán xã hội và tín ngưỡng, lễ hội truyền thống, nghề thủ công truyền thống… Còn di sản văn hóa vật thể là sản phẩm vật chất có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học bao gồm di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia.

Nhiều học sinh hiện nay rất mơ hồ khi được hỏi về kiến thức có liên quan đến di sản văn hóa Việt Nam. Trong khi, đó là kho tàng “của cải để dành” từ thời dựng nước, mở cõi mà ông cha ta ngàn năm để lại cho đời sau. Đưa chương trình giáo dục di sản vào trường học, lồng ghép vào các bộ môn phù hợp với cách giảng dạy truyền cảm hứng là thật sự cần thiết. Trong chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 mà Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành, một trong những nhóm nhiệm vụ trọng tâm được đề cập là “bảo vệ và phát huy di sản văn hóa dân tộc” với giải pháp cụ thể là bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử - văn hóa tiêu biểu, phục vụ giáo dục truyền thống, phát huy các di sản được UNESCO ghi danh, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam. Muốn vậy, trước hết phải cung cấp cho các bạn trẻ (nhất là lứa tuổi học sinh) những hiểu biết cơ bản nhất về di sản văn hóa Việt Nam.

Nếu những học sinh trong tỉnh Bạc Liêu còn chưa biết nghệ thuật Đờn ca tài tử (ĐCTT) Nam Bộ là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, hay nghề làm muối ở Bạc Liêu đã được vinh danh là di sản phi vật thể cấp quốc gia, thì làm sao các em hiểu biết rộng hơn rằng Việt Nam có cả một kho tàng di sản văn hóa trải dài khắp đất nước. Chỉ hiểu biết mới biết trân trọng, góp phần gìn giữ, phát huy và quảng bá rộng rãi những giá trị ấy khi mai này các em trở thành những chủ nhân đất nước.

Cảm thụ giá trị các di tích

Chương trình giáo dục địa phương đã được giảng dạy lồng ghép vào 3 môn Ngữ văn, Lịch sử và Địa lý ở chương trình giáo dục bậc THPT và THCS trong nhiều năm nay trên địa bàn tỉnh. Ngoài những kiến thức chung trên phạm vi cả nước, học sinh được giảng dạy để hiểu biết về những sự kiện lịch sử quan trọng ở Bạc Liêu, những đặc trưng văn hóa tiêu biểu, nền văn học dân gian Bạc Liêu… Tuy nhiên, để cho các em cảm thụ những kiến thức này bằng trải nghiệm thực tế ở các di tích lịch sử - một phương pháp giảng dạy hiệu quả hơn thì chưa được áp dụng nhiều để nâng cao hiệu quả giảng dạy, tiếp thu.

Bạc Liêu có Khu lưu niệm nghệ thuật ĐCTT Nam Bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu để học sinh có thể đến đó cảm thụ về câu chuyện cuộc đời cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu và quá trình hình thành nên khúc nhạc lòng bất hủ “Dạ cổ hoài lang”, hiểu biết về đóng góp của những nghệ nhân, nghệ sĩ người Bạc Liêu trong tiến trình nghệ thuật ĐCTT Nam Bộ trở thành di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Rồi Bạc Liêu lại có một tượng đài chiến thắng ở cửa ngõ TP. Bạc Liêu, Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ, Tượng đài sự kiện Mậu Thân 1968, Bia Khám Lớn giữa lòng thành phố để các em đến đó trải nghiệm lịch sử, hiểu biết, thẩm thấu hơn những hy sinh, mất mát để hiểu chân giá trị của hòa bình. Bạc Liêu còn có Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh, Khu căn cứ Tỉnh ủy, Di tích lịch sử Nọc Nạng… Đó chính là di sản văn hóa - lịch sử Việt Nam trên đất Bạc Liêu giúp các em hiểu biết, trân trọng giá trị văn hóa - lịch sử dân tộc mình.

Đổi mới, nâng cao chất lượng chương trình giáo dục di sản văn hóa trong nhà trường - một trong những giải pháp để bảo vệ và phát huy di sản văn hóa dân tộc, thiết nghĩ không khó để bắt tay từ những phần việc nhỏ mà mỗi địa phương đều có thể làm nếu quan tâm thấu đáo.

Nhật Quỳnh

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.