Văn hóa - Nghệ thuật
Giới trẻ đang “bạc đãi” tiếng Việt
Trước sự phát triển như vũ bão của khoa học - công nghệ, quá trình hội nhập quốc tế và sự xâm nhập sâu của Internet, điện thoại di động vào đời sống, nhất là đời sống tinh thần của giới trẻ… đã trực tiếp ảnh hưởng đến cách sử dụng tiếng Việt của một bộ phận người dân. Bên cạnh những tác động tích cực, một bộ phận giới trẻ đang làm tiếng Việt mất dần sự trong sáng vốn có của mình.
Khó hiểu như “ngôn ngữ teen”
Một cô bạn dạy ở trường THPT Chuyên Bạc Liêu kể với tôi rằng: Hôm sinh hoạt chủ nhiệm cuối tuần, vì học sinh cứ nhao nhao, bỏ ngoài tai lời mình nói; bực quá, mình im lặng đến hết tiết rồi lẳng lặng ra về. Bữa đó, điện thoại mình báo tin nhắn liên tục của bọn học trò. Thoạt đầu, cứ ngỡ đó là tiếng Anh nhưng khi nhờ mấy đứa “9X” trong nhà trọ “dịch nghĩa” mình mới vỡ lẽ. Thật khó mà hiểu được khi bọn trẻ viết: “Co uj! Dug jan bn e nge c. Tuj e bit loi ruj” (tạm dịch: Cô ơi! Đừng giận bọn em nghen cô. Tụi em biết lỗi rồi). Và còn nhiều tin nhắn với nội dung, câu cú “hiểu được, chết liền” theo kiểu ấy nữa. Thấy mình cứ “ngẩn tò te”, mấy nhỏ trọ cùng phòng cười vui rồi bảo: “Ngôn ngữ teen thời nay là vậy đó!”.
Câu chuyện của cô bạn tôi chỉ là một trong những câu chuyện “dở khóc dở cười”, không còn là chuyện hiếm trong thời đại ngày nay.
Làm một cuộc khảo sát nhỏ trên các trang mạng xã hội, tôi thật sự “tá hỏa” với một loại ngôn ngữ mới mà dám chắc không có trong từ điển của bất cứ quốc gia nào. Chữ nghĩa được giản lược đến mức tối đa theo cách phát âm, viết tắt. Đơn cử như: “2!” nghĩa là “xin chào”, “yêu” được viết thành “iu”, chữ “nh, ng” bị lược bớt một chữ “n”, “buồn” hay “muốn” đều lược bỏ chữ “ô”, “i” viết thành “j”, “rồi” thành “ruj, roaj”, “không” thành “hem, hok”. Việc chấm, phẩy, hay viết hoa đầu câu, viết hoa với danh từ riêng với các teen giờ đây cũng không còn cần thiết… Và cứ thế, hiện tượng sử dụng tiếng Việt theo kiểu “ngôn ngữ teen”, “ngôn ngữ chat” đã lan truyền trong giới trẻ như một “căn bệnh” nan y khó chữa; song với họ, đó là một thứ đẳng cấp để khẳng định sự sành điệu của mình.
Bên cạnh việc vô tư bóp méo, làm biến dạng tiếng mẹ đẻ, hay tự do sáng tạo những chữ không hề có trong từ điển tiếng Việt, họ còn thản nhiên chêm tiếng nước ngoài vô tội vạ trong cách nói, viết khiến tiếng Việt trở nên “lai căng”, “hổ lốn” và mất dần sự trong sáng. Một giáo viên dạy môn Ngữ văn cho rằng, cách viết, cách suy nghĩ như thế sẽ hình thành trong các em thói quen lười tư duy, thiếu nhẫn nại trong công việc; điều này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến nhân cách, nhận thức của các em sau này.
![]() |
Nhan nhản các biển báo hiệu viết sai chính tả ở các tuyến ngoại ô. |
Một thực trạng đáng báo động nữa đang “bạc đãi” tiếng mẹ đẻ, đó chính là vấn nạn sai chính tả một cách trầm kha và đang có xu hướng lây lan trên diện rộng. Không chỉ xảy ra trong trường học, tình trạng sai chính tả đã xuất hiện vô cùng phổ biến ngoài xã hội, trên truyện đọc, các trang điện tử… và cả trong các cơ quan hành chính Nhà nước.
Nhiều em đã học xong lớp 12 mà một câu tiếng Việt viết cũng không xong. Lên đến cấp III mà nhiều em vẫn đọc chưa thông, viết chưa thạo, không phân biệt nổi chữ “u” với chữ “n”. Không viết hoa danh từ riêng, dùng dấu câu loạn xạ hoặc cả bài không có một dấu chấm, dấu phẩy; câu cú thì lủng củng, diễn đạt khó hiểu… đó là những thực trạng nhức nhối không của riêng ngành Văn hóa, Giáo dục mà là nỗi lo chung của toàn xã hội.
Thầy Quách Thanh T. (giáo viên dạy Văn của một trường THPT) chia sẻ: “Có lần đến tham quan tại một khu di tích, nhìn vào quyển sổ ghi cảm tưởng, tôi thật sự ngỡ ngàng khi nhiều người, trong đó có những cán bộ quản lý có chức vụ cao vô tư viết sai chính tả: “xúc động” thành “súc động”, “trân trọng” thành “chân trọng”, “chân thành” thành “trân thành”…”.
Các lỗi chính tả thường gặp là sự nhầm lẫn giữa “n” với “ng”; “t” với “c”; “s” với “x”; “r” với “gi” và “d”; dấu hỏi với dấu ngã… Rảo một vòng trong nội ô thành phố Bạc Liêu, chúng tôi thật sự “sốc” khi bắt gặp không ít những bản hiệu viết sai chính tả, đại loại như: “sữa chửa” (sửa chữa), “giảm mở” (giảm mỡ), “lãng hoa” (lẵng hoa)… vẫn thản nhiên được trưng bày dọc các tuyến đường. Đó là còn chưa kể đến các pa-nô, áp-phích, băng-rôn… với đầy lỗi chính tả dọc các tuyến ngoại ô. Sai chính tả đã trở thành một vấn nạn đáng báo động của xã hội.
Trước nguy cơ lan rộng và ngày càng trở nên phổ biến của “ngôn ngữ chat”, vấn nạn sai chính tả trầm kha đòi hỏi một chủ trương nhất quán và sự phối hợp của toàn xã hội để giữ gìn sự trong sáng, tinh túy của tiếng Việt - tiếng mẹ đẻ của dân tộc.
![]() |
Thư mời cũng sai chính tả. Ảnh: K.C |
1.001 nguyên nhân
Nguyên nhân trước tiên dẫn đến tình trạng sai chính tả trầm trọng là do người viết quá dễ dãi với chính mình, thiếu trân trọng với tiếng mẹ đẻ và không chịu khó cân nhắc đúng, sai trước khi hạ bút. Điều này cho thấy thói quen lười tra từ điển, nếu không muốn nói là không màng đến từ điển trước những từ khó và sự tự tin thái quá của bản thân.
Nguyên nhân thứ hai là tâm lý hướng ngoại, mà biểu hiện rõ nét nhất là ở một bộ phận giới trẻ. Khi con người bắt đầu “sính ngoại”, tự tiện chêm tiếng nước ngoài một cách không cần thiết tức là khi ấy họ muốn thể hiện đẳng cấp, sự thức thời của bản thân trước mọi người. Họ đã không còn tự tin vào cái “chất” Việt vốn có của mình nên mới vay mượn tiếng Anh hay các ngôn ngữ khác để tỏ ra mình là người có học vấn, có hiểu biết.
Nguyên nhân thứ ba chính là coi thường việc học quy tắc chính tả, không nắm vững quy tắc chính tả nên viết hoa, viết tên riêng, thuật ngữ, tên tiếng nước ngoài… không đúng. Bên cạnh đó, ngày càng xuất hiện một số lỗi sai tương đối mới, đó là việc tùy tiện thay đổi quy tắc viết, sử dụng từ ngữ; và những lỗi này thường gắn liền với các bạn trẻ. Nhiều bạn trẻ cho rằng, viết, nhắn tin theo kiểu ngôn ngữ mạng sẽ nhanh, gọn, phù hợp với lối sống thời @. Thậm chí, nhiều bạn còn cảm thấy mình “lạc hậu”, “nửa mùa” nếu không sử dụng theo lối “chat” của bạn bè. Từ ngữ nào đạt được mục đích nói nhanh, viết gọn và nghe “độc, lạ” là các bạn ưa chuộng và biến nó trở thành một trào lưu nhắn tin, giao tiếp “9X”.
Nguyên nhân thứ tư phải kể đến là bệnh thành tích trong giáo dục. Đây là một căn bệnh “nan y” mà cả xã hội đang dốc toàn lực để tìm ra thuốc đặc trị. Có không ít thầy, cô giáo chưa thật sự tâm huyết với nghề; không dồn tâm sức, trí tuệ và thời gian để sữa lỗi chính tả, ngữ pháp cho học sinh nên mỗi bài kiểm tra trả về chỉ phê vỏn vẹn vài câu vô hồn “câu chữ còn cẩu thả, mắc nhiều lỗi chính tả, câu văn còn lủng củng…”. Nhưng khi học sinh và phụ huynh xem lại bài kiểm tra thì cũng chẳng biết chỗ nào sai mà lần. Về phía học sinh thì vẫn còn nhan nhản tình trạng lười học, thiếu động não; nhiều học sinh còn “bê” nguyên xi văn mẫu, không phát huy được tính tích cực, trí thông minh nên việc sai nhiều lỗi chính tả, ngữ pháp ở một bài văn tự lực là điều dễ hiểu.
Riêng việc sai chính tả trên các phương tiện thông tin truyền thông, báo mạng, các biển hiệu, văn bản của các cơ quan hành chính Nhà nước… phần lớn là do sự tắc trách, cẩu thả, sử dụng “tốc ký” để lưu giữ được nhiều thông tin.
Đâu là giải pháp
Trước những nguyên nhân khách quan, cũng như chủ quan nêu trên, nhiều tập thể, cá nhân thật sự có tâm huyết với tiếng Việt đã “hiến kế” cho chúng tôi nhiều giải pháp hữu hiệu.
Đó là, trước khi hạ bút, nên cân nhắc đúng, sai từ mà mình cần viết, nếu có sự hoài nghi thì nhờ sự giúp đỡ của bạn bè hoặc tra từ điển, hay các phần mềm tra cứu tiếng Việt chính thống cũng được xem là những cẩm nang hữu hiệu, hỗ trợ đắc lực để mỗi người tự tin hơn về chính tả của mình.
Về phía ngành Giáo dục và các bậc phụ huynh, phải mạnh dạn chống bệnh thành tích, gian lận trong giảng dạy, học tập, thi cử; thà để con em mình ngồi lại lớp để “lấp đầy” kiến thức còn hơn “ngồi nhầm lớp” mà mất căn bản trầm trọng. Riêng đội ngũ giáo viên nên lấy chữ “tâm” làm thước đo nghề nghiệp, chân truyền những gì tinh túy nhất đến học trò của mình, cũng như kịp thời uốn nắn những sai phạm, nhất là những sai phạm về chính tả, văn phong của các em. Bên cạnh đó, đội ngũ giáo viên và những bậc làm cha làm mẹ phải thật sự là những tấm gương sáng, chuẩn mực về chính tả để con em mình noi theo; tránh những lỗi sai không đáng có làm ảnh hưởng đến thế hệ trẻ.
Tập thể giáo viên Ngữ văn một trường THCS trên địa bàn thành phố gửi đến các bạn trẻ một thông điệp: “Tiếng Tây không làm sang tiếng Việt, không có một thứ ngôn ngữ nào khác có thể thay thế được vị trí độc tôn của tiếng Việt trong lòng người Việt”. Vì vậy, hãy viết đúng tiếng Việt, tránh để nó “lai căn”, mất gốc chính là một cách bày tỏ sự trân trọng, tri ân đối với sự trong sáng của tiếng mẹ đẻ. Nói cách khác, đó cũng là một cách thể hiện tinh thần yêu nước, lòng tự tôn dân tộc.
![]() |
Các em học sinh tiểu học tham gia Hội thi “Vui học tiếng Việt” do Sở GD-ĐT tổ chức. Ảnh: C.K |
Thạc sĩ Ngôn ngữ học Nguyễn Ngọc Ẩn (giảng viên trường Đại học Bạc Liêu): Giữ gìn tiếng Việt bắt nguồn từ ý thức của mỗi người
Vấn nạn viết sai chính tả hiện không còn là chuyện hiếm mà dường như đang trở thành một trào lưu của giới trẻ và một bộ phận người dân. Ở đây, tôi xin đề cập đến nạn viết sai chính tả ở một số cơ quan hành chính Nhà nước, mà theo tôi, nếu từ sai được đặt trong một vài ngữ cảnh của các bài xã luận, nghị luận chính trị… sẽ trở nên vô cùng tai hại. Vấn nạn này, theo suy nghĩ chủ quan của tôi là do tư tưởng bảo thủ, cố chấp của một số cán bộ lãnh đạo không chịu sửa sai, quá tự tin vào “từ điển” chính tả của mình. Riêng vấn nạn viết sai chính tả trên địa bàn thành phố, chúng tôi đã hướng dẫn sinh viên của trường thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu khoa học, từ đó giúp các em có ý thức sâu sắc hơn trong việc giữ gìn tiếng Việt. Để tiếng Việt ngày càng trong sáng và là niềm kiêu hãnh của dân tộc thì tất cả mọi người phải thật sự có ý thức, trách nhiệm trước khi hạ bút và sử dụng tiếng Việt.
Ông Phan Mạnh Thông (Tổ trưởng tổ Văn, trường THPT Chuyên Bạc Liêu): Các cuộc thi hùng biện là cơ hội tốt để học sinh rèn luyện chính tả
Suốt 27 năm đứng trên bục giảng, trao truyền kiến thức môn Ngữ văn đến với bao thế hệ học trò cũng là ngần ấy thời gian tôi luôn nhắc nhở bản thân mình phải thật sự gương mẫu, chuẩn mực trong việc sử dụng quy tắc chính tả và ngữ nghĩa tiếng Việt. Tuy biết rằng, viết sai chính tả là lỗi khá phổ biến không riêng gì của học trò mà còn nhan nhản ngoài xã hội, nhưng lương tâm của một nhà giáo luôn bắt tôi phải trăn trở trước thực trạng tiếng Việt ngày càng mai một do một bộ phận người dân thiếu ý thức trong việc giữ gìn tiếng Việt. Vì vậy, khi chấm bài cho học sinh, tôi rất quan tâm đến việc rà soát chính tả, gạch chân dưới những từ sai để các em ghi nhớ, lưu tâm mà tránh tái phạm. Theo tôi, chương trình phổ thông còn thiếu những bài luyện về chính tả, hoặc nếu có thì chỉ mang tính giản lược. Tôi nghĩ rằng, thông qua các buổi ngoại khóa, tọa đàm, các cuộc thi hùng biện về tiếng Việt…, sẽ là những cơ hội tốt để học sinh rèn luyện quy tắc chính tả và càng thêm trân trọng, yêu quý tiếng nói dân tộc mình.
Biên tập viên Nguyễn Kim Nghỉ (Tạp chí Văn nghệ Bạc Liêu, Liên hiệp Hội VHNT tỉnh): Trân trọng tiếng Việt cũng là biểu hiện đẹp của lòng yêu nước
Từ khi còn là sinh viên Ngữ văn cho đến khi phụ trách công tác biên tập cho Tạp chí Văn nghệ Bạc Liêu, tôi luôn tâm niệm rằng mình phải thật sự cẩn trọng, có trách nhiệm với tiếng Việt. Vì hơn ai hết, những người học tập, công tác trong lĩnh vực văn học không bao giờ được phép để mình mắc sai sót trong cách sử dụng tiếng Việt. Trước đây, khi còn là sinh viên, thầy tôi có kể một câu chuyện khiến tôi vô cùng tâm đắc. Đó là trong một lần bệnh phải nằm viện, thầy đã tranh thủ mua một quyển sách để đọc giết thời gian. Do vội vàng không xem nhà xuất bản nên khi lật mấy trang đầu tiên, thầy đã nổi giận vứt luôn quyển sách vì đầy rẫy những lỗi chính tả không đáng có. Từ câu chuyện của thầy, tôi nghĩ rằng, khi phát hiện người khác sai chính tả chúng ta cảm thấy vô cùng khó chịu, vì thế đừng để người khác khó chịu vì những lỗi chính tả của mình. Trân trọng tiếng Việt cũng là biểu hiện đẹp của lòng yêu nước.
Cô Quách Kim Ngọc (giáo viên tiểu học): Cần uốn nắn từ nhỏ để trẻ có thói quen viết đúng chính tả
Là giáo viên tiểu học, cho nên tôi rất quan trọng vấn đề “luyện chữ” cho học sinh. Bởi theo tôi, nét chữ chính là nết người. Luyện chữ ở đây trước tiên là tập cho các em viết đúng chính tả, rồi mới đến viết sạch và viết đẹp. Trong lúc giảng dạy, nếu phát hiện những sai sót của trẻ trong cách phát âm, dùng từ thiếu chính xác, hay mắc một số lỗi chính tả thường gặp… tôi lập tức uốn nắn, nhắc nhở ngay để trẻ biết sai mà kịp thời sửa chữa. Nếu trẻ được rèn luyện tốt về chính tả tiếng Việt sẽ là nền tảng vững chắc để trẻ sử dụng “chuẩn mực” tiếng mẹ đẻ.
Em Mã Bảo Yến (học sinh lớp 10C5, trường THPT Điền Hải, huyện Đông Hải): Hạn chế tối đa việc viết sai chính tả
Trước vấn nạn viết sai chính tả nghiêm trọng và hiện tượng sử dụng “ngôn ngữ chat” vào văn nói, văn viết ngày càng phổ biến của nhiều bạn trẻ, em cảm thấy vô cùng lo ngại và e rằng một ngày nào đó tiếng Việt - tiếng mẹ đẻ sẽ bị chính giới trẻ làm băng hoại. Là một học sinh chuyên Văn, em tự đặt ra yêu cầu cho bản thân là không bao giờ được phép để mình viết sai chính tả, cũng như sử dụng những từ ngữ thiếu chuẩn trong cách nói, viết của mình. Hy vọng rằng, quan điểm của em sẽ là tiếng nói đồng điệu của nhiều bạn trẻ trong việc vực dậy sự trong sáng của tiếng Việt.
Kim Trúc
- ĐBQH tỉnh Bạc Liêu thảo luận về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013
- Bộ Tư lệnh (BTL) Vùng Cảnh sát biển 4: Mít-tinh hưởng ứng Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động năm 2025
- Trao tặng 35 bồn chứa và máy lọc nước cho các hộ khó khăn huyện Đông Hải
- Xây dựng hệ thống chính trị tỉnh Cà Mau sau hợp nhất
- Chính thức lấy ý kiến Nhân dân về sửa đổi Hiến pháp năm 2013