Văn hóa - Nghệ thuật
Giữ gìn hạnh phúc gia đình: Cần thấu hiểu và tin tưởng nhau
Quan niệm hạnh phúc đối với mỗi người khác nhau và chẳng có một công thức chung nào để đo được hạnh phúc trong một gia đình. Thế nhưng, vài trường hợp điển hình dưới đây có “mẫu số chung”: vợ chồng luôn thấu hiểu, tin tưởng nhau; ông bà mẫu mực; cha mẹ làm gương cho con cái. Nhờ vậy, họ đã giữ vững được hạnh phúc cho gia đình mình.
![]() |
Vợ chồng anh Nhường và chị Thủy - gia đình hạnh phúc. Ảnh: N.V |
Ngày 20/3/2013, Liên Hiệp Quốc đã tổ chức Ngày Quốc tế Hạnh phúc đầu tiên với thông điệp chính được phát động trên toàn thế giới: “Hãy hành động vì hạnh phúc”. Theo Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-Moon: “Ngày Quốc tế Hạnh phúc đầu tiên cho chúng ta cơ hội để tăng cường cam kết nhằm thúc đẩy quá trình phát triển bền vững và toàn diện của nhân loại, cũng như làm mới lại các cam kết của chúng ta để giúp đỡ những người khác. Khi chúng ta đóng góp cho lợi ích chung, chúng ta cũng làm giàu cho chính mình. Lòng nhân ái mang lại hạnh phúc và giúp chúng ta xây dựng tương lai như chính chúng ta mong muốn”. Ông Ban Ki-Moon cũng gửi thông điệp này đi trên toàn thế giới, trong đó nhấn mạnh: “Đối với mỗi người khác nhau, hạnh phúc có thể mang nhiều ý nghĩa khác nhau. Tuy nhiên, chúng ta đều công nhận rằng hạnh phúc nghĩa là làm việc để chấm dứt xung đột, nghèo đói và các điều kiện không may khác và rất nhiều đồng loại của chúng ta hiện đang phải sống trong các điều kiện đó. Hạnh phúc không phải là điều xa xỉ. Hạnh phúc là khao khát sâu xa của mọi thành viên trong gia đình nhân loại. Hạnh phúc không nên từ chối một ai và phải là của tất cả mọi người…”. |
Thuộc diện đông con - 4 con trai, và sau này có thêm 4 con dâu, vậy mà đại gia đình của ông chưa bao giờ xảy ra chuyện gì lớn làm ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình. Với sự gương mẫu, nghiêm khắc nhưng rất tâm lý của ông Điểu, một đại gia đình có năm gia đình nhỏ bao giờ cũng tràn đầy tiếng cười.
Cưới vợ cho các con xây dựng tổ ấm riêng, nhưng ông Điểu mua đất để các con xây nhà sát nhà mình với mong muốn gần gũi các con. Vậy là một căn nhà chung của vợ chồng ông nằm chính giữa bốn ngôi nhà của bốn gia đình nhỏ, luôn là nơi họp mặt gia đình vào mỗi cuối tuần. Khoảng thời gian đó, nhờ những bữa cơm gia đình mà ông Điểu được gần gũi con cháu, chia sẻ những cung bậc cảm xúc của cuộc sống. Và cũng những lần họp mặt gia đình ấy, ông cùng vợ mình lắng nghe tâm tư con cháu, cùng nhau tháo gỡ khó khăn và định hướng, góp ý cho con cháu.
Ông Điểu chia sẻ: “Theo quan điểm của tôi, vợ chồng muốn hạnh phúc thì trước hết phải chuẩn hóa nghề nghiệp để độc lập về kinh tế, tạo cơ hội cho nhau có việc làm ổn định. Do đó, khi cưới vợ cho các con, tôi luôn dạy bảo khi nào kinh tế ổn định rồi hãy nghĩ đến chuyện sinh con đẻ cái”.
Dù điều kiện kinh tế đóng một phần không nhỏ trong cuộc sống vợ chồng, nhưng trong gia đình của ông Điểu, một “bí quyết” khác cũng được phát huy để giữ hạnh phúc, đó là “phải có kiến thức văn hóa” mới có thể xử lý các tình huống phát sinh trong đời sống vợ chồng. Ông Điểu tâm sự: “Có những lần xảy ra xung đột trong gia đình, tôi mời từng thành viên trong gia đình uống cà phê để nhỏ to tâm sự, rồi phân tích các mặt. Việc làm này để giữ thể diện cho mỗi người”. Vì thế, trong gia đình chung của ông Điểu, tất cả đều một mực kính phục, kiêng nể tính nghiêm khắc của ông.
Hạnh phúc gia đình là mục tiêu mà cả xã hội đều muốn vươn đến, dù đó là lứa tuổi nào, thế hệ nào. Cuộc sống hiện đại đầy cám dỗ thì giá trị của hai từ hạnh phúc càng cần được giữ gìn và ra sức bảo vệ mới có thể giữ vững được hạnh phúc trong đời sống vợ chồng. Những cặp vợ chồng thế hệ 8X, 9X lại càng có nhiều nguy cơ đổ vỡ nếu không có kinh nghiệm và vượt qua những thử thách.
Song, đâu đó vẫn còn có những trường hợp như gia đình của anh Trương Minh Nhường và chị Bùi Thị Thủy (thị trấn Hòa Bình, huyện Hòa Bình) đã chứng minh hoàn toàn ngược lại. Rằng, hạnh phúc gia đình đâu phải là chuyện gì “cao siêu”. Câu chuyện xoay quanh những chủ đề trong cuộc sống vợ chồng anh Nhường và chị Thủy như: vị tha, tin tưởng và hiểu nhau, chia sẻ công việc nhà cho nhau, đồng lòng với nhau trong từng khía cạnh của cuộc sống… Tất cả hòa chung thành một khối tạo nên một gia đình hạnh phúc mà anh chị đã gầy dựng hơn 10 năm nay.
Anh Nhường cho rằng: “Cuộc sống vợ chồng sẽ khó tránh khỏi bất đồng, tranh luận… Nhưng chúng tôi biết nhường nhịn nhau, lắng nghe ý kiến của nhau thì sẽ giảm được bất đồng. Hơn nữa, trước những cạm bẫy của cuộc sống, vợ chồng trẻ như chúng tôi càng phải ý thức rằng: cần phấn đấu làm tất cả những gì để tổ ấm của mình được hạnh phúc, đặt lợi ích của gia đình lên hàng đầu. Tương lai con cái sau này có tốt hay không là tùy thuộc phần lớn việc cha mẹ có hạnh phúc hay không”.
Có rất nhiều lý thuyết và kinh nghiệm được sẻ chia để gia đình giữ được hạnh phúc. Tùy vào từng hoàn cảnh mà có thể áp dụng cho phù hợp với gia đình mình. Tuy nhiên, những kinh nghiệm đúc kết từ hai trường hợp trên đây cho thấy: gia đình sẽ hạnh phúc nếu mỗi thành viên đều có ý thức xây dựng, vun đắp cho tổ ấm của mình!
Ngọc Trân
- Sức sống mới ở những vùng căn cứ cách mạng
- Thế hệ sinh năm 1975: Trưởng thành cùng quê hương Bạc Liêu
- Đại thắng mùa Xuân 1975: Minh chứng thuyết phục về sức mạnh đoàn kết dân tộc
- Bạc Liêu - Cà Mau chiếm gần 30% tiềm năng điện gió ven bờ cả nước
- Bàn giao 101 máy quét Căn cước và thiết bị sinh trắc học cho các cơ sở y tế