“Giữ lửa” đờn ca tài tử từ những lễ hội

Thứ Sáu, 21/08/2015 | 16:09

Văn hóa cộng cư của ba dân tộc anh em Kinh - Khmer - Hoa đã làm cho vùng đất Bạc Liêu quanh năm rộn ràng trong những lễ hội đặc sắc, độc đáo. Từ những lễ hội truyền thống ấy, không chỉ những phong tục, tập quán tốt đẹp của cộng đồng được giữ gìn, phát huy, mà âm nhạc, lời ca phục vụ lễ hội còn là cầu nối tạo nên sự gắn kết. Trong đó, phải kể đến vai trò của nghệ thuật Đờn ca tài tử (ĐCTT) - một di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Văn hóa cộng cư của vùng đất Bạc Liêu thể hiện rõ ở các ngày lễ tết, hội hè trong năm. Vì sống quần cư, giao thoa về văn hóa nên những ngày lễ tết của mỗi dân tộc giờ đây đã trở thành ngày vui chung của cả cộng đồng. Không quá lời khi nói rằng, dường như cả năm người Bạc Liêu bao giờ cũng trong tư thế vui với hội hè, đình đám. Nào là Tết Nguyên tiêu, Thanh minh, Đoan ngọ, Chôl Chnăm Thmây, Vu lan, Trung thu, Đôn-ta, Tết Nguyên đán… Thêm vào đó là các lễ Kỳ yên, Nghinh Ông, lễ tại khu di tích lịch sử… Và đâu đâu trong các lễ hội ấy, người ta cũng có cơ hội được thưởng thức ĐCTT. Sang thì được nghe các nghệ sĩ chuyên nghiệp biểu diễn trên sân khấu lớn; ít kinh phí thì nhờ sự trợ giúp của các nghệ sĩ nghiệp dư, nghệ nhân trong các câu lạc bộ ĐCTT; “bèo” hơn nữa thì thưởng thức theo kiểu “cây nhà lá vườn”, bà con nào có tinh thần văn nghệ cũng có thể trở thành những tài tử “bất đắc dĩ”.

Biểu diễn ĐCTT trong lễ kỷ niệm 95 năm Ngày ra đời bản “Dạ cổ hoài lang” của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu. Ảnh: H.T

Có thể nói, nghệ thuật ĐCTT đã trở thành một phần không thể tách rời trong các lễ hội ở Bạc Liêu và đã góp phần làm nên sức sống cho các lễ hội. Người dân Bạc Liêu không còn xa lạ khi thấy bà con người Khmer, người Hoa biểu diễn ĐCTT trong các lễ hội truyền thống của dân tộc mình. Thậm chí, họ ca còn mùi mẫn, luyến láy khéo léo, nhuần nhuyễn như những tài tử chuyên nghiệp. Một lần, nhận lời mời của một người bạn thân đến tham dự tết Chôl Chnăm Thmây tại chùa Cù Lao (ấp Cái Giá, xã Hưng Hội, huyện Vĩnh Lợi), tôi đã thật sự ngỡ ngàng khi nghe một đôi nam nữ đồng bào Khmer ca rất hay bản vọng cổ “Chợ mới” của soạn giả Trọng Nguyễn.

Trong Tết Nguyên tiêu của nhiều gia đình người Hoa ở Bạc Liêu, người ta còn có sở thích trải chiếu dưới trăng, cả gia đình quây quần bên những chén trôi nước ngọt ngào, một số thành viên có năng khiếu ĐCTT sẽ phô diễn tài năng trong những tràng pháo tay khích lệ của gia đình. Còn với đồng bào người Kinh ở Bạc Liêu, ĐCTT đã ngấm sâu vào máu và các dịp lễ hội lớn trong năm sẽ là cơ hội tốt để “Bá Nha - Tử Kỳ” gặp nhau bên tiếng đờn tri ngộ, bên những lời ca sâu lắng tình đất, tình người.

Từ khi ĐCTT được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, nhiệm vụ bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật ĐCTT trở nên bức thiết hơn bao giờ hết. Các cấp, các ngành, các địa phương, tổ chức, đoàn thể, các tầng lớp nhân dân… đã khẩn trưởng “vào cuộc”, dốc sức nâng chất các đơn vị biểu diễn chuyên nghiệp, củng cố các câu lạc bộ ĐCTT địa phương, đào tạo đội ngũ kế thừa bằng cách phát động nhiều cuộc thi sáng tác, biểu diễn ĐCTT, mở các lớp tập huấn ĐCTT cho cán bộ, công chưc, viên chức, giáo viên, học sinh, sinh viên. Và mỗi dịp du khách đến Bạc Liêu thì “đặc sản” ĐCTT là “món ăn tinh thần” vô giá làm nức lòng cả những vị khách khó tính.

Trong tất cả những giải pháp tối ưu góp phần tạo nên sự thành công của đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật ĐCTT Nam bộ trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu giai đoạn 2014 - 2020”, thiết nghĩ chúng ta nên “tận dụng” triệt để những lễ hội để quảng bá và bảo tồn ĐCTT. Thông qua việc biểu diễn, tổ chức các trò chơi đặc sắc dưới hình thức hái hoa dân chủ, đố vui… về nghệ thuật ĐCTT. Từ đó, lồng ghép tuyên truyền trực quan bằng hình ảnh, hiện vật đặc sắc, hoặc các buổi tham quan thực tế đến Khu lưu niệm nghệ thuật ĐCTT Nam bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu sẽ giúp các tầng lớp nhân dân hiểu đúng, hiểu sâu và có thể trở thành những tuyên truyền viên tích cực tại các lễ hội để “giữ lửa” cho ĐCTT.

THƯ CÁC

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.