Sau lũy tre làng

Gửi lời thăm nhau

Thứ Hai, 20/03/2023 | 16:06

“Cho má gửi lời thăm bà sui”; “Cho chế gửi lời thăm hai bác bên nhà”…

Tôi nghe những lời này không biết đã bao nhiêu lần. Hồi đó mỗi lần tôi cùng mẹ cha về quê thăm ông bà, thì lần nào trở về, tôi cũng nghe ông bà nội nói với mẹ tôi, “cho ba má gửi lời thăm bà sui ở trển nghen con”. Rồi bây giờ thì má chồng tôi vẫn hay gửi lời thăm chị sui bên nhà (nghĩa là mẹ tôi) mỗi khi tôi về quê thăm má chồng, trở lên nhà mình.

Ảnh minh họa: Internet

Hồi đó, có khi tôi cũng không thấy mẹ nói lại với bà ngoại, chắc là vì mẹ quên. Thế là tôi thành đứa “mách lẻo”. Tôi nói lại với ngoại là bà nội con có gửi lời thăm ngoại, khi ấy tôi thấy ngoại cười gật gù rất vui. Rồi ngược lại, khi tôi từ nhà ngoại về thăm nội thì ngoại cũng y như vậy, bà nhờ tôi nói câu ấy với bà sui của mình.

Thời buổi này, từ người già đến đứa trẻ nhỏ lớp tiểu học, đa số ai cũng có chiếc điện thoại bên mình. Người già có điện thoại để thỉnh thoảng con cái, cháu chắt điện hỏi thăm sức khỏe. Còn con nít thì được cha mẹ trang bị điện thoại để tiện bề quản lý. Cho nên việc gửi lời thăm dường như trở thành… xa xỉ, bởi bấm vài con số là có thể tự hỏi thăm nhau hà cớ gì phải gửi lời. Thế mà ở nông thôn, việc gửi lời thăm nhau vẫn còn nguyên vẹn. Dường như lời thăm hỏi có sức mạnh mềm thắt chặt những mối thâm tình sui gia, dòng họ với nhau hơn. “Ba má con trên ấy khỏe hen, cho ba má gửi lời thăm”, “Lâu rồi chế không có lên trên đó chơi, cho chế gửi lời thăm bác và mấy anh chị ở trển”. Thương làm sao những lời thăm hỏi chân tình!

Chỉ một lời hỏi thăm mà tình cảm dành cho nhau đong đầy lắm. Cho nên ở nhiều vùng nông thôn, người ta vẫn giữ thói quen ấy như gìn giữ một nét đẹp văn hóa ứng xử đã thành mỹ tục đời thường.

NHẬT ANH

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.