Hai Di tích dòng họ Cao Triều trên đất Bạc Liêu

Thứ Tư, 28/07/2021 | 15:07

Sở VH-TT-TT&DL vừa có Quyết định công nhận xếp hạng 2 di tích cấp tỉnh, đó là di tích kiến trúc nghệ thuật Phủ thờ họ Cao Triều và di tích Khu mộ Cao Triều. Đây là niềm tự hào đối với dân tộc Hoa nói riêng, người Bạc Liêu nói chung trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị di tích.

Di tích Phủ thờ họ Cao Triều và di tích khu mộ Cao Triều. Ảnh: N.T

Phủ thờ họ Cao Triều có tên gọi khác là Nhà Cao Minh Thạnh. Gọi là Nhà Cao Minh Thạnh bởi vì ngôi nhà được ông Cao Minh Thạnh đứng ra xây dựng để chăm lo việc cúng tế tổ tiên với tên gọi “Cao thị gia miếu” và được con cháu trong dòng họ cũng như người dân địa phương thường gọi là “Phủ thờ họ Cao Triều”. Di tích này tọa lạc tại số 100 (đường Đống Đa, khóm 1, Phường 5, TP. Bạc Liêu).

Họ Cao Triều ở Bạc Liêu có nguồn gốc ở phủ Triều Châu (Trung Quốc) sang Bạc Liêu sinh sống vào đầu thế kỷ XIX. Ông Cao Minh Thạnh lúc sinh thời đứng ra xây dựng “Cao thị gia miếu” (Phủ thờ họ Cao Triều) vào năm 1897, với quy mô khá lớn, bằng các vật liệu bền vững, theo kiến trúc 3 gian độc đáo, có sự kết hợp văn hóa Đông - Tây. Phủ thờ mặt chính hướng Bắc (hướng ra sông Bạc Liêu) với diện tích xây dựng khoảng 500m2, gồm các hạng mục: cổng và hàng rào sắt nhập từ Pháp, phủ thờ, sân trước và sân sau. Vật liệu xây dựng phủ thờ gồm mái lợp ngói ống, tường xây gạch, vôi vữa sơn màu vàng nhạt; cột, rui, mè, đòn tay trong nội thất bằng gỗ quý, cột mặt chính ngoại thất bằng đá xanh nguyên khối, có chạm trổ hình tượng rồng quấn cột vô cùng tinh xảo. Trên mỗi trụ cột, gắn tượng “ông Nhật, bà Nguyệt” bằng gốm, tráng men xanh. Ngoài ra, trên từng mặt chính còn được gia đình thuê nghệ nhân đắp nổi những phù điêu rồng - phụng, mây, dơi… bằng gốm men xanh trông thật oai nghiêm của chốn thờ tự. Bên trong nội thất, ba gian trước đều được dùng bài trí thờ tự, phía sau hai gian là hai phòng nghỉ của gia đình. Nền phủ thờ lát gạch bông được nhập từ Pháp. Ngoài giá trị về kiến trúc nghệ thuật, Phủ thờ họ Cao Triều còn là nơi sinh sống của ông Cao Minh Thạnh - một Đốc phủ sứ thời thuộc Pháp, nhưng luôn giữ chữ thanh cần, chăm lo đời sống người dân, góp phần công sức mở mang quận Vĩnh Châu. Ông còn là cha đẻ của nhân sĩ yêu nước Cao Triều Phát - người con ưu tú của đất Bạc Liêu trong giai đoạn nửa đầu thế kỷ XX.

Nhìn chung, kiến trúc phủ thờ cùng với cách bài trí những di vật thờ tự đến nay đã qua 100 năm tồn tại và được trùng tu phần mái ngói vào năm 2001, song trên cơ bản vẫn giữ được đường nét kiến trúc, nghệ thuật trang trí nguyên gốc cổ xưa, xứng đáng là một di tích kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh. Hàng năm, vào ngày giỗ chạp, hay dịp tết Nguyên đán, con cháu trong dòng họ thường tập trung về Phủ thờ họ Cao Triều để cúng viếng ông bà, tổ tiên.

Thêm một di tích nữa thuộc họ Cao Triều cũng vừa được công nhận xếp hạng cấp tỉnh là Khu mộ Cao Triều. Khu mộ này gồm 5 mộ: mộ ông Cao Minh Thạnh (xây dựng năm 1919) và mộ vợ là Tào Thị Xút (xây dựng năm 1901) cùng với mộ các con là Cao Triều Chấn (1921), Cao Thoại Kiết (xây dựng năm 1920) và mộ Cao Triều Trực (xây dựng năm 1943). Đây là những ngôi mộ cổ xưa và hoành tráng nhất còn tồn tại khá nguyên vẹn trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu cho đến nay. Các ngôi mộ được thiết kế theo kiến trúc cổ kính, quy mô xây dựng khá lớn và vật liệu chính bằng đá xanh nguyên khối, được chạm khắc, trang trí nhiều hoa văn, họa tiết, hoa quả, linh thú… vô cùng độc đáo, rất có giá trị về mặt lịch sử, văn hóa, thẩm mỹ mà trên hết là giá trị đặc sắc về kiến trúc nghệ thuật trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu.

Trước đây, khi chưa được xếp hạng là di tích, Phủ thờ họ Cao Triều đã đón nhiều đoàn khách tham quan, tìm hiểu, nghiên cứu nét đặc trưng về kiến trúc nghệ thuật đặc sắc của Phủ thờ, đồng thời khi biết được chủ nhân của Phủ thờ là những con người nổi tiếng trong dòng họ Cao Triều đã làm nên sự thu hút của Phủ thờ. Thế nên, sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát tốt, 2 di tích vừa được xếp hạng cấp tỉnh này cần được bổ sung vào tua, tuyến du lịch của tỉnh để giới thiệu rộng rãi cho bè bạn, du khách ngoài tỉnh. Ngoài ra, cũng có thể kết nối tua, tuyến tham quan, nghiên cứu, tìm hiểu về dòng họ Cao Triều thông qua các kiến trúc cổ của dòng họ còn để lại như: Phủ thờ họ Cao Triều, Khu mộ Cao Triều, nhà cổ của các con ông Cao Minh Thạnh là Cao Triều Chánh, Cao Triều Trực, Cao Triều Phát gắn với thân thế và sự nghiệp của nhân sĩ yêu nước Cao Triều Phát… Đây không chỉ là giá trị kiến trúc nghệ thuật của dòng họ Cao Triều trên đất Bạc Liêu, mà còn là niềm tự hào chung của người dân nơi này.

Ngọc Vũ

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.