Văn hóa - Nghệ thuật
Hai mươi năm xây dựng đời sống văn hóa cơ sở: Phong trào toàn dân, đóng góp toàn diện
Cùng với cả nước, Bạc Liêu vừa chạm mốc 20 năm thực hiện phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa (TDĐK XDĐSVH), giai đoạn 2000 - 2020. Với sức lan tỏa mạnh mẽ, XDĐSVH đã góp phần giúp cho đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân không ngừng nâng cao, phát huy tối đa nội lực trong phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là làm bừng dậy sức sống mới cho những vùng quê trong tỉnh.
TĂNG SỐ LƯỢNG ĐI ĐÔI VỚI NÂNG CHẤT LƯỢNG
Song song với nhiệm vụ phát triển phong trào, thời gian qua, Ban chỉ đạo (BCĐ) phong trào các cấp trong tỉnh đã tập trung củng cố, duy trì và nâng cao chất lượng các danh hiệu văn hóa. Thông qua việc tăng cường khảo sát, kiểm tra, thẩm định đã kịp thời chấn chỉnh những bất cập, tháo gỡ khó khăn cho công tác triển khai thực hiện phong trào ở cơ sở; thường xuyên quan tâm đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của BCĐ cấp xã, Ban chủ nhiệm khóm, ấp đảm bảo phù hợp với thực tiễn và yêu cầu phát triển phong trào trong tình hình mới.
Công tác tuyên truyền, vận động toàn dân tham gia XDĐSVH được thực hiện thường xuyên, liên tục bằng nhiều hình thức thiết thực nên tạo được sức lan tỏa sâu rộng, khơi dậy được ý thức, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và sự đồng tình, hưởng ứng tích cực từ Nhân dân. Có thể kể đến những mô hình sáng tạo, mang lại hiệu quả tích cực của các đoàn thể, cơ quan, đơn vị trong XDĐSVH như: “Đường cựu chiến binh tự quản” của Hội Cựu chiến binh; Câu lạc bộ “Không sinh con thứ 3”, Câu lạc bộ “Nữ phòng chống tội phạm” của Hội LHPN; “Ngày Chủ nhật xanh” của Đoàn Thanh niên…
Thực hiện nội dung “người tốt - việc tốt” trong XDĐSVH, tại các địa phương trong tỉnh đã xuất hiện ngày càng nhiều gia đình văn hóa tiêu biểu. Đơn cử là hộ bà Quách Kim Tuyến (TP. Bạc Liêu), hộ ông Trần Hữu Phương (huyện Hòa Bình), hộ ông Trần Danh (huyện Vĩnh Lợi)… là những điển hình trong xây dựng cuộc sống ấm no, gia đình hạnh phúc, tiến bộ, hết lòng giúp đỡ hàng xóm, tham gia vận động mọi người thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Tấm gương sáng của các hộ gia đình văn hóa tiêu biểu đã góp phần cổ vũ, tạo nên khí thế thi đua sôi nổi, rộng khắp cho phong trào XDĐSVH trong các tầng lớp nhân dân.
Đến nay, BCĐ các cấp đã tổ chức bình xét, công nhận hơn 196.000 gia đình văn hóa, đạt hơn 93% trong tổng số hộ dân trong toàn tỉnh. Trong số 518/518 khóm, ấp đạt chuẩn văn hóa đã có 366 khóm, ấp giữ vững danh hiệu trong nhiều năm liền. Qua 20 năm, phong trào đã xây dựng được 47/49 Trung tâm Văn hóa - Thể thao xã, 437/452 Nhà Văn hóa ấp; 29/49 xã đạt chuẩn “Văn hóa nông thôn mới” và 11/15 phường, thị trấn được công nhận đạt chuẩn văn minh đô thị…
Diện mạo xã văn hóa nông thôn mới của Vĩnh Phú Đông (huyện Phước Long). Ảnh: H.T
PHÁT HUY TỐI ĐA SỨC MẠNH TỔNG HỢP
Tại hội nghị tổng kết 20 năm thực hiện phong trào TDĐK XDĐSVH, các ngành và các cấp trong tỉnh tiếp tục khẳng định quan điểm: đây là phong trào có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc. Nhiều giải pháp, phần việc được hội nghị bàn bạc, đóng góp để phong trào ngày càng nâng cao chất lượng, thật sự đi vào chiều sâu. Cụ thể là tổ chức tốt các hoạt động tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, người dân về vai trò của văn hóa, trách nhiệm phát triển sự nghiệp văn hóa. Đồng thời, chú trọng gắn XDĐSVH với phát động và tổ chức các phong trào thi đua để lôi cuốn, khuyến khích mọi cá nhân, gia đình, cộng đồng, tập thể tham gia thực hiện phong trào.
Cùng với đó, tỉnh sẽ tăng mức đầu tư, hỗ trợ kinh phí hoạt động cho BCĐ phong trào các cấp; kinh phí bồi dưỡng nghiệp vụ; kinh phí khen thưởng các cá nhân, gia đình, cộng đồng, tập thể có thành tích xuất sắc thực hiện phong trào và cuộc vận động theo quy định hiện hành; khuyến khích, tạo điều kiện cho các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp đầu tư cơ sở vật chất về lĩnh vực văn hóa, thể thao và vui chơi - giải trí ở nông thôn để đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu hưởng thụ đời sống tinh thần của Nhân dân.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Lâm Thị Sang, Trưởng BCĐ phong trào TDĐK XDĐSVH tỉnh, để phong trào có bước phát triển mạnh mẽ hơn nữa thì chính quyền địa phương cần có kế hoạch quy hoạch dành quỹ đất và ngân sách để xây dựng, phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở, nhất là vùng nông thôn. Đặc biệt là tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương đối với phong trào, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt; xác định XDĐSVH là việc làm của toàn dân, là nhiệm vụ toàn diện và lâu dài, phải huy động được sức mạnh tổng hợp trong triển khai thực hiện. Ngoài ra cần mạnh dạn phê phán, xử lý những hành vi, hoạt động làm hạn chế đến sự phát triển chung của phong trào.
HỮU THỌ
- Trao 500 suất học bổng cho học sinh khó khăn nhân sự kiện chào mừng Bạc Liêu - Cà Mau hợp nhất
- Công bố và trao các nghị quyết, quyết định về sắp xếp đơn vị hành chính và kiện toàn bộ máy tỉnh Cà Mau
- Bạc Liêu long trọng họp mặt lãnh đạo qua các thời kỳ trước thềm hợp nhất với Cà Mau
- Treo cờ Tổ quốc chào mừng sự kiện hợp nhất tỉnh Bạc Liêu và tỉnh Cà Mau
- Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu - Lữ Văn Hùng: Đưa bộ máy mới vận hành hiệu quả, tạo ra những đột phá mới