Văn hóa - Nghệ thuật
Hát về hạt muối Bạc Liêu
Ca khúc “Trăm năm hạt ngọc quê mình” của nhạc sĩ Nguyễn Quốc (Chi hội Nhạc sĩ Việt Nam tỉnh Bạc Liêu) vừa đoạt giải A tại Liên hoan Âm nhạc toàn quốc đợt 1 - năm 2023 do Hội Nhạc sĩ Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh An Giang tổ chức. Đây không phải là lần đầu tiên hạt muối mặn mà đi vào tác phẩm văn học - nghệ thuật nói chung và các ca khúc, vọng cổ nói riêng một cách ngọt ngào.
Ca sĩ Đan Thanh trình bày ca khúc “Trăm năm hạt ngọc quê mình” tại Liên hoan Âm nhạc toàn quốc đợt 1 - năm 2023. Ảnh: N.Anh
Hạt muối và nghề làm muối tuy mặn nhưng là hình tượng đầy chất văn hóa. Bởi nghề muối ở Bạc Liêu được xếp vào một trong 7 loại hình của di sản phi vật thể Việt Nam đó là loại hình nghề thủ công truyền thống. Những diêm dân chất phác, cật lực trên đồng muối đã góp phần hình thành, gìn giữ thương hiệu muối Bạc Liêu.
Hạt ngọc thủy chung
Hạt muối quý như hạt ngọc và nghề muối đã được bao đời diêm dân gắn bó bằng cả tình thủy chung, tất cả gửi gắm trong “Trăm năm hạt ngọc quê mình”. Dẫu bao gian lao, nhọc nhằn thì những thế hệ nối tiếp đã giữ cho hạt muối Bạc Liêu cái vị mặn mà hậu ngọt ngào, ai cũng biết đến! Trên một sân khấu âm nhạc hoành tráng, hình ảnh ruộng muối trắng mênh mông, những giọt mồ hôi đời cần lao càng làm cho điệu nhạc, ca từ như thêm phần rưng rưng. Đồng cảm đời diêm dân, nâng niu và tự hào từng hạt ngọc làm nên thương hiệu muối Bạc Liêu..., sự hòa quyện tất cả trong một nhạc phẩm đã chinh phục Ban giám khảo ở một sân chơi âm nhạc mang tính toàn quốc.
Khi phác thảo “Trăm năm hạt ngọc quê mình”, nhạc sĩ Nguyễn Quốc đã viết rất rõ ở góc dưới ca khúc: “Ca khúc viết cho nghề làm muối ở Bạc Liêu. Nghề làm muối ở Bạc Liêu được công nhận là di sản phi vật thể quốc gia vào tháng 12/2022. Những từ trong ngoặc kép là từ thường dùng của diêm dân trong nghề làm muối”. Phải chú thích như vậy, bởi tôn vinh nghề di sản với những đặc điểm riêng của nghề, chỉ người trong nghề mới hiểu, thì từng ca từ phải được chú thích thật rõ ràng.
Liên hoan có sự tham gia của hơn 200 nhạc sĩ, nghệ sĩ ở 23 chi hội thuộc các tỉnh, thành phố trong nước tham dự. Có 30/57 tác phẩm được trao giải đợt này. 10 giải A tại liên hoan là những tác phẩm hàm chứa bản sắc văn hóa, vùng đất, con người mỗi địa phương, và “Trăm năm hạt ngọc quê mình” là một định vị tự hào cho hạt muối Bạc Liêu.
Nhạc sĩ Nguyễn Quốc (bìa phải) nhận bằng khen tại Liên hoan. Ảnh do nhân vật cung cấp
Mặn - ngọt trong câu ca
“Tôi yêu hạt muối quê tôi, làm từ bao giọt mồ hôi. Muối mặn là tình thủy chung, mang phù sa nên muối trắng hồng. Ngày nào “ruộng chịu”, “ruộng ăn”, muối đã qua bao nắng, bao “cào”… Và nhiều cụm từ chuyên biệt trong nghề muối kiểu như thế đã được nhạc sĩ Nguyễn Quốc đưa vào ca khúc.
Quả thật, sáng tác trong lĩnh vực âm nhạc cho hạt muối, nghề muối và người làm muối là cảm nhận về những giọt mồ hôi của đời cần lao! Bạc Liêu trước đó từng có khá nhiều sáng tác dành cho hạt muối. Và hình như những sáng tác về muối ươm đầy giọt mồ hôi, vị mặn của đời diêm dân có một sức hút đặc biệt nên nhiều lần chiếm ngôi vị cao khi trao giải. Tiêu biểu như tiết mục song ca bản vọng cổ “Ngọt tình hạt muối Kinh Tư” của tác giả Vưu Long Vĩ đoạt Huy chương Vàng Hội diễn “Tiếng hát hẹn hò 9 dòng sông” lần thứ XVIII tại tỉnh Bến Tre năm 2022 (do Cục Văn hóa Cơ sở - Bộ VH-TT&DL tổ chức). Viết và hát về hạt muối là gợi về giọt mồ hôi: “Chuyện làm muối với bao khó nhọc, từ việc bừa đất, đến việc phơi sân. Rồi nước chạt được lấy từ biển Đông, chờ nắng gió kết tinh đọng hạt mặn nồng. Muối được cào, gom chất đống vung, đậy kín chờ một ngày ghe thương lái vào mua” (Ngọt tình hạt muối Kinh Tư). Vậy mà diêm dân mãi gắn bó, thủy chung như câu: “Muối ba năm muối đang còn mặn/ Gừng chín tháng gừng hãy còn cay/ Đôi ta nghĩa nặng tình đầy/ Có xa nhau đi nữa, cũng phải ba vạn sáu ngàn ngày mới xa”.
Lại nhớ lời bản vọng cổ “Biển cạn” của soạn giả Ngô Hồng Khanh sáng tác riêng cho đất Bạc Liêu đã khá lâu rồi: “Thương lắm em tôi, dáng nhỏ thân thương dầm mưa dãi nắng, nắng rám tay em nâng hạt muối trắng ngần... Cá kèo kho muối Bạc Liêu lấy chồng quê biển càng yêu Gành Hào”… Nếu như vị mặn của hạt muối luôn hóa thành ngọt ngào khi đi vào câu ca, thì khi sáng tạo những đứa con tinh thần bằng trái tim để tôn vinh hạt ngọc Bạc Liêu cũng thường nhận về kết quả ngọt ngào!
Chắc có lẽ vì hạt muối không đơn thuần là gia vị mà còn là đặc trưng cho bản sắc văn hóa xứ sở đất và người Bạc Liêu nữa, như lời ca khúc mà nhạc sĩ Nguyễn Quốc gửi gắm: “Hạt ngọc quê tôi mang tình yêu tình đất tình người, ngọt vị phù sa như lòng người Bạc Liêu rộng lớn bao la”.
CẨM THÚY
- 36 đảng viên được trao tặng Huy hiệu Đảng đợt 2 - năm 2025
- Báo và Đài Phát thanh - Truyền hình Bạc Liêu được khen thưởng tại Cuộc thi viết “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới” lần thứ 4
- Xây dựng Bộ đội Biên phòng tỉnh vững mạnh toàn diện, tinh gọn tổ chức bộ máy
- Quốc hội tiếp tục thảo luận ở tổ về các dự án Luật
- Tỉnh ủy Bạc Liêu ban hành Đề án kết thúc hoạt động cấp huyện