Hiến kế của Bạc Liêu trong tầm nhìn liên kết du lịch

Thứ Tư, 03/03/2021 | 17:02

Liên kết là xu hướng tất yếu trong thời kỳ hội nhập đối với tất cả các ngành, lĩnh vực, trong đó có  du lịch (DL). Liên kết hợp tác phát triển DL giữa TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố ĐBSCL hơn một năm qua (khởi động từ tháng 12/2019) đã tạo thế chủ động liên kết vùng từ các địa phương trên quy mô lớn. Bạc Liêu “hưởng lợi” như thế nào, còn phụ thuộc vào tầm nhìn của mình trong mối liên kết hữu ích này.

Phát triển hạ tầng giao thông là vấn đề mang tính cấp bách để thu hút du khách về các điểm DL. (Trong ảnh: Ban chỉ đạo phát triển DL tỉnh khảo sát Cây xoài 300 năm tuổi ở xã Vĩnh Trạch Đông, TP. Bạc Liêu để khai thác thu hút khách DL). Ảnh: H.T

“Gắn” DL Bạc Liêu vào liên kết

Nhằm phát triển các tua tuyến DL liên kết, Hội đồng vùng đang tập trung xây dựng và khai thác sản phẩm DL kết nối, với 3 tuyến chính, gồm: Những nẻo đường phù sa, Sắc màu vùng biên và Non nước hữu tình để kết nối DL giữa TP. Hồ Chí Minh với các tỉnh, thành phố ĐBSCL.

Nhưng qua đánh giá về điều kiện hạ tầng giao thông, cũng như tiềm năng phát triển DL, phía Bạc Liêu đã có những đề xuất cụ thể. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu - Cao Xuân Thu Vân đã nêu trong hội nghị tổng kết một năm liên kết phát triển DL của vùng: “TP. Hồ Chí Minh và các địa phương, đặc biệt là những doanh nghiệp lữ hành của TP. Hồ Chí Minh có thể hỗ trợ các địa phương tiến hành khảo sát, nghiên cứu bổ sung và đầu tư đưa vào khai thác thêm một số tuyến DL mới kết nối trục trung tâm từ TP. Hồ Chí Minh đến ĐBSCL dọc theo tuyến Quản lộ - Phụng Hiệp; và sắp tới nên đầu tư tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau dọc theo tuyến lộ này, hình thành tuyến DL kết nối từ TP. Hồ Chí Minh về Cần Thơ qua Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, cũng như kết nối với Kiên Giang”.

Theo lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu, tuyến DL này sẽ hình thành sản phẩm DL miệt đồng quê, du khách sẽ trải nghiệm khác lạ so với các tỉnh Vĩnh Long, Tiền Giang, Bến Tre với sản phẩm miệt vườn cây trái. Khu vực này đủ điều kiện để khai thác những lợi thế đặc trưng về nông nghiệp, di tích lịch sử - văn hóa, làng nghề truyền thống, ẩm thực đồng quê. Điển hình như: Vùng nguyên liệu mía đường Phụng Hiệp (Hậu Giang), Chợ nổi Ngã Năm (Sóc Trăng), cánh đồng lúa bạt ngàn của Phước Long (Bạc Liêu). Cũng tại Phước Long còn có làng nghề đan đát truyền thống, giải đua ghe Ngo của đồng bào Khmer diễn ra hàng năm; hay về Hồng Dân tham quan nghề truyền thống như nghề rèn, dệt chiếu, thưởng thức bánh tằm Ngan Dừa, nhất là tham quan di tích cấp quốc gia đặc biệt Khu căn cứ Cái Chanh… Và điểm đến cuối cùng của tuyến DL này là vùng nuôi tôm công nghiệp, nuôi cá bống tượng, cá chình của Tân Thành (Bạc Liêu) - cửa ngõ vào TP. Cà Mau.

Phát triển hạ tầng giao thông

Một trong những điểm nghẽn, kìm hãm sự phát triển DL ĐBSCL là hạ tầng DL. Hạ tầng giao thông phát triển chưa đồng bộ, chưa được đầu tư đúng mức, làm ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng kết nối DL giữa TP. Hồ Chí Minh với ĐBSCL, đặc biệt là những tỉnh xa như Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau. Bà Cao Xuân Thu Vân khẳng định: “Để giải quyết vấn đề này, thiết nghĩ mỗi địa phương không thể nào có đủ điều kiện và nguồn lực thực hiện, mà chúng ta cần tập trung nghiên cứu xây dựng cơ chế phối hợp liên vùng trong vấn đề đầu tư phát triển hạ tầng DL với vai trò đầu tàu của TP. Hồ Chí Minh, để qua đó tạo tiếng nói đồng thuận trong xây dựng cơ chế thu hút đầu tư, cũng như tăng cường đề xuất, kiến nghị những giải pháp, cơ chế đối với Trung ương và đặc biệt là chúng ta cần sớm tổ chức một hội nghị chuyên đề về xúc tiến đầu tư lĩnh vực DL”.

Đầu tư hạ tầng DL là vấn đề cần thời gian dài, nếu đợi đến hạ tầng đồng bộ, cơ bản mới tập trung phát triển DL thì DL ĐBSCL rất khó phát triển. Chính vì vậy, Bạc Liêu đề xuất các doanh nghiệp DL, nhất là các doanh nghiệp lớn của TP. Hồ Chí Minh chia sẻ và cùng bàn giải pháp trước mắt để đẩy mạnh khai thác thị trường DL. Cụ thể như Bạc Liêu mặc dù có nhiều địa điểm được các doanh nghiệp đánh giá rất có tiềm năng như: Tháp cổ Vĩnh Hưng, Vườn chim Lập Điền, di tích lịch sử Nọc Nạng, Di tích quốc gia đặc biệt Khu căn cứ Cái Chanh… nhưng hạ tầng giao thông hạn chế nên các doanh nghiệp chưa khai thác DL. Vì vậy, các doanh nghiệp DL, cơ quan quản lý nhà nước, chủ điểm DL cần bàn bạc để xây dựng phương án khai thác phù hợp, chẳng hạn nếu xe lớn không đến được, thì sử dụng xe nhỏ, xe điện, sử dụng tàu, thuyền…

Bạc Liêu đang tiếp tục cùng với các địa phương xây dựng và hoàn thiện cơ chế liên kết, phối hợp trong việc hình thành chính sách thu hút và phân bổ đầu tư, đặc biệt là đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng DL. Bạc Liêu mong muốn nhận được sự quan tâm của các doanh nghiệp, nhà đầu tư của TP. Hồ Chí Minh và cả nước đầu tư vào cơ sở hạ tầng, hoạt động kinh doanh DL, đặc biệt là hình thành các trung tâm, điểm đến DL mang tính chất liên kết của vùng.

CẨM THÚY

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.