Khu căn cứ Tỉnh ủy Bạc Liêu: Điểm về nguồn học sử

Thứ Sáu, 02/06/2023 | 16:14

Trên tạp chí du lịch Thám hiểm Mê Kông, Khu căn cứ Tỉnh ủy Bạc Liêu (gọi tắt là Khu căn cứ) được giới thiệu như sau: “Trong hành trình về nguồn trên đất Bạc Liêu, có một địa danh không thể không tới, đó là di tích Khu căn cứ Tỉnh ủy Bạc Liêu (hay còn gọi là Khu căn cứ Cái Chanh) ở ấp Cây Cui, xã Ninh Thạnh Lợi, huyện Hồng Dân”.

Với những giá trị lịch sử về truyền thống cách mạng, cuối năm 2020 Khu căn cứ được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt. Là niềm tự hào của vùng đất và con người Bạc Liêu, Khu căn cứ cần được phát huy giá trị nhiều hơn hiện tại!

Nhà văn Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam và nhà thơ Trần Đăng Khoa - Phó Chủ tịch Hội xem giới thiệu các hình ảnh, hiện vật tại Khu căn cứ Tỉnh ủy Bạc Liêu. Ảnh: N.Q

Giở lại trang sử oanh liệt

Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Cái Chanh là căn cứ địa vững chắc của cách mạng. Từ năm 1949 - 1954, đây là nơi đóng căn cứ của một số cơ quan Nam Bộ, địa bàn hoạt động của các đồng chí lãnh đạo phong trào cách mạng miền Nam như: Lê Duẩn, Lê Đức Thọ, Phạm Hùng, Ung Văn Khiêm, Võ Văn Kiệt…

Giai đoạn kháng chiến chống Mỹ, khu vực Cái Chanh vẫn là vùng giải phóng rộng lớn, địa bàn hoạt động của các đồng chí lãnh đạo Khu ủy khu Tây Nam Bộ, Tỉnh ủy Bạc Liêu và sau nữa là Tỉnh ủy Sóc Trăng; nơi đặt căn cứ của một số cơ quan, ban, ngành tỉnh và là nơi đóng quân của các đơn vị bộ đội chủ lực của ta.

Đến tháng 11/1973, khi Bạc Liêu được tái lập, Tỉnh ủy tiếp tục chọn Cái Chanh làm nơi đặt căn cứ. Vừa là địa bàn hoạt động, khu còn làm nơi tổ chức học tập, quán triệt, cụ thể hóa các nghị quyết, chỉ thị của Bộ Chính trị, Trung ương Cục miền Nam, Khu ủy Tây Nam Bộ để đề ra các nghị quyết, chỉ thị của Tỉnh ủy nhằm lãnh đạo phong trào cách mạng Bạc Liêu. Từ Khu căn cứ này, Tỉnh ủy Bạc Liêu tập trung lãnh đạo đánh bại kế hoạch bình định, càn quét lấn chiếm và cướp rút lui của địch, huy động tổng lực để giải phóng tỉnh.

Khu di tích một thời như ngọn đuốc tỏa sáng khắp vùng Nam Bộ, từ nông thôn đến thành thị, để dẫn dắt, đưa đường cho các tầng lớp nhân dân đi theo kháng chiến, tiếp nối truyền thống hào hùng của cha ông trong sự nghiệp chống giặc ngoại xâm, bảo vệ đất nước.

Nhà văn Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam và Nhà thơ Trần Đăng Khoa - Phó Chủ tịch Hội tham quan khu nhà ở, nơi sinh hoạt của các đồng chí lãnh đạo thời kháng chiến được phục dựng tại Khu căn cứ Tỉnh ủy Bạc Liêu. Ảnh: N.Q

Điểm đến để học sử 

Nhà trưng bày trong Khu căn cứ có hơn 200 hình ảnh, hiện vật và 3 tượng bán thân bằng đồng của các đồng chí Lê Duẩn, Phạm Hùng, Võ Văn Kiệt. Phục hồi, tái tạo các ngôi nhà của người dân ở vùng quê sông nước Nam Bộ và một số phương tiện phục vụ cho làm việc, học tập, sinh hoạt của các đồng chí lãnh đạo, chiến sĩ, Khu căn cứ thể hiện sinh động: ấp Cây Cui - một địa bàn vùng sâu của xã Ninh Thạnh Lợi với hệ thống sông rạch chằng chịt, tất cả gần như bị bao phủ bởi rừng rậm, điều kiện đi lại khó khăn, nhưng người dân ở đây có tinh thần yêu nước cao độ. Dù phải hứng chịu mưa bom bão đạn, người dân vẫn kiên trung bám trụ, nuôi chứa cán bộ.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa - Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, trong một chuyến về thăm Bạc Liêu gần đây, khi được đặt chân đến Khu căn cứ đã chia sẻ với người viết câu chuyện “hậu chuyến đi” thế này: “Khi trở về Hà Nội, tôi đã đem câu chuyện đến tham quan Khu căn cứ kể với TS. Lê Kiên Thành (là con trai của cố Tổng Bí thư Lê Duẩn). Anh Thành nghe rất xúc động, vì anh chưa từng đặt chân đến Bạc Liêu nên cũng chưa từng biết ở một vùng đất gần cực Nam Tổ quốc lại có một Khu căn cứ đã xây dựng tượng bán thân của người cha mình ở đó! Anh Thành nói với tôi, nhất định sẽ về Bạc Liêu, đến Hồng Dân để thăm Khu căn cứ trong thời gian gần nhất. Và tôi hứa sẽ cùng trở lại Bạc Liêu để đi cùng anh dù công việc tôi khá bận bịu”.

Chia sẻ câu chuyện trên, nhà thơ Trần Đăng Khoa bày tỏ mong muốn Bạc Liêu phải làm sao để Khu căn cứ được mọi người biết đến nhiều hơn: “Xây dựng và gìn giữ những giá trị là rất tốt rồi, nhưng quảng bá để mọi người tìm đến cũng là khâu quan trọng. Làm sao để Khu căn cứ thành địa chỉ văn hóa cách mạng, để dân biết đến, phải làm sao để học sinh Bạc Liêu và cả những tỉnh lân cận đến đây để học bài học lịch sử. Nếu đến Bạc Liêu chỉ biết đến nhà Công tử Bạc Liêu, còn Khu căn cứ thế này không được biết đến là điều đáng tiếc. Một vùng đất bốn bề toàn rừng, sông nước mà nhân dân đã bảo vệ cách mạng từ trong trứng nước, bảo vệ được những vị lãnh đạo, nơi ươm mầm cho cách mạng Việt Nam, không chỉ giải phóng Bạc Liêu mà còn góp phần làm nên thành công cho cách mạng cả vùng và cả nước!”.

Từ lâu Khu căn cứ Tỉnh ủy Bạc Liêu đã là địa chỉ đỏ, điểm tham quan về nguồn, giáo dục truyền thống cách mạng và tinh thần yêu nước đối với thế hệ trẻ. Tuy nhiên, như hiến kế của nhà thơ Trần Đăng Khoa, Khu căn cứ cần được biết nhiều hơn. Xây dựng các tua du lịch về Hồng Dân là một ý tưởng; bên cạnh đó, thiết nghĩ các trường học nên tổ chức học sử tại địa chỉ này thường xuyên hơn, vì đó là bài học lịch sử thực tế thuyết phục các em nhất!

 CẨM THÚY

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.