Kỷ niệm 29 năm ngày mất nhà thơ Lưu Quang Vũ (29/8/1988 - 29/8/2017) Còn mãi tình thơ cho đời

Thứ Hai, 28/08/2017 | 16:10

Ngày 29/8/1988, một tai nạn giao thông thảm khốc đã mang theo tin buồn lớn, một sự kiện không bao giờ quên trong giới văn đàn Việt Nam: nhà thơ Lưu Quang Vũ (17/4/1948 - 29/8/1988) cùng người bạn đời - nhà thơ Xuân Quỳnh vĩnh biệt cuộc đời! Lưu Quang Vũ ra đi năm 40 tuổi, khi sức sáng tạo đang dồi dào, sự nghiệp và tài năng đang ở độ chín. Chỉ 40 năm cuộc đời nhưng nhà thơ đã có hơn 20 năm sáng tác. Ông làm thơ, viết văn, viết kịch, những vở kịch của ông từng gây bão thời ấy, thế nhưng đọng lại và khiến người ta nhớ lâu nhất về ông vẫn là những vần thơ tình. Tình thơ Lưu Quang Vũ còn mãi với đời, hôm nay và ngày mai…

Mặc dù gặt hái thành công trên nhiều lĩnh vực (thơ, văn, kịch), nhưng thơ ca vẫn là thể loại Lưu Quang Vũ đam mê nhất! Những tập thơ điển hình có thể kể đến là “Cỏ tóc tiên”, “Hương cây”, “Mây trắng của đời tôi”, “Cuốn sách xếp lầm trang”… Nhà thơ đã từng viết những câu thơ như lời tuyên ngôn: “Trên mái nhà cao vút rừng cây/ Trên rừng cây những đám mây xô dạt/ Trên hạnh phúc, trên cả niềm cay đắng/ Thơ tôi là mây trắng của đời tôi” (Mây trắng của đời tôi). Thơ Lưu Quang Vũ đã đi cùng ông trong những năm tháng của cuộc đời, để từ đó tình thơ của ông để lại đã cho đời thêm đẹp!

Nhà thơ Lưu Quang Vũ và vợ (nhà thơ Xuân Quỳnh). Ảnh: T.L


Lưu Quang Vũ nổi tiếng trên văn đàn khá sớm. 20 tuổi, khi đang ở trong quân ngũ, tập thơ “Hương cây - Bếp lửa” (in cùng Bằng Việt) ra đời đã được bạn đọc đón nhận nồng nhiệt vì những cảm xúc trong trẻo, thiêng liêng và một giọng điệu thơ đắm đuối - cũng chính là cảm xúc chủ đạo trong hầu hết những vần thơ ký tên ông. Những năm 70 của thế kỷ trước, khi đất nước trải qua những khó khăn, bom đạn, mất mát vì chiến tranh, bản thân nhà thơ cũng gặp lắm nỗi đa đoan, đó là lúc Lưu Quang Vũ viết thơ rất nhiều, mượn thơ để nói hộ lòng mình, làm thơ như ghi nhật ký! Nhìn lại hành trang thơ của Lưu Quang Vũ, từ những bài thơ đầu tay cho đến những bài thơ cuối cùng có thể đúc kết: cùng với những cảm xúc cá nhân, cảm hứng dân tộc trong tiến trình lịch sử, những suy nghĩ về nhân dân, về đất nước đã làm giàu có và phong phú thêm cá tính thơ Lưu Quang Vũ.
Tình thơ Lưu Quang Vũ lai láng như suối nguồn đổ ra thành trăm nhánh. Những nhánh suối trong lành, mát dịu ông dành cho đất nước, cho Tổ quốc, nhân dân, cho đời, cho người và cho những người thân yêu nhất của cuộc đời mình. Với Lưu Quang Vũ, “Tổ quốc là nơi tỏa bóng yên vui/ Nơi nghĩ đến lòng ta yên tĩnh nhất”, thế cho nên ước nguyện của ông đẹp đến ngần này: “Ước chi được hóa thành ngọn gió/ Để được ôm trọn vẹn nước non này/ Để thổi ấm những đỉnh đèo buốt giá/ Để mát rượi những mái nhà nắng lửa/ Để luôn luôn được trở lại với đời” (Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi). Yêu Tổ quốc là yêu chính tiếng mẹ đẻ của mình, ông đã viết bài thơ “Tiếng Việt’: “Mỗi sớm dậy nghe bốn bề thân thiết/ Người qua đường chung tiếng Việt cùng tôi/ Như vị muối chung lòng biển mặn/ Như dòng sông thương mến chảy muôn đời”. Với nhà thơ, tiếng Việt thiêng liêng còn là sức mạnh vô biên để kêu gọi sự quay về của những người con lạc lối: “Ai phiêu bạt nơi chân trời góc biển/ Có gọi thầm tiếng Việt mỗi đêm khuya/ Ai ở phía bên kia cầm súng khác/ Cùng tôi trong tiếng Việt quay về”. 
Với gia đình, nhà thơ Lưu Quang Vũ là một đứa con hiếu thảo, hãy nghe tình cảm của ông dành cho mẹ: “Nhà đông anh em áo thường xuống gấu/ Mẹ còn chắt chiu từng mục vá vai/ Đâu những tối mẹ ngồi khâu lại áo/ Khi bên thềm xào xạc gió heo may”, “… Dẫu vá vai, màu bạc, chỉ sờn/ Nhưng trong áo ấm đường khâu mẹ vá/ Yêu mẹ nhiều nên áo cũ con thương” (Áo). Rất hồn nhiên, rất chân thành như tình cảm thật nhất của một đứa con bé bỏng dành cho mẹ mình.
Ngoài đấng sinh thành là mẹ, còn một người phụ nữ khác khiến tình thơ Lưu Quang Vũ lai láng, và đó cũng chính là những “bản tuyên ngôn về tình yêu” rất đẹp của người chồng dành cho vợ mình - nhà thơ Xuân Quỳnh. Khi viết về vợ đang trên giường bệnh, nhà thơ không biết đã dùng thơ để hỏi vợ hay tự vấn mình: “Có phải vì mười lăm năm yêu anh/ Trái tim em đã mệt?... Thương trái tim nhiều vất vả lo buồn/ Trái tim lỡ yêu người trai phiêu bạt/ Luôn mắc nợ những chuyến đi, những giấc mơ điên rồ, những  ngọn lửa không có thật…”, ông tự nhận mình là “gã trai nông nổi của em” rồi nhà thơ viết mà như van lơn: “Trái tim hãy vì anh mà khỏe mạnh, trái tim của mùa hè, tổ ấm chở che anh” (Thư viết cho Quỳnh trên máy bay). Khi xa “Quỳnh” (cách nhà thơ gọi thân thương đối với vợ), nhà thơ viết bài thơ “Cho Quỳnh những ngày xa” như thế này: “Tổ quốc là gì, nếu nơi đó không có người mình yêu dấu?/ Tình yêu là gì, nếu không vì nó ta yêu thêm Tổ quốc?”, “Thời gian - đó là chiều dài những ngày ta sống bên nhau/ Thời gian - đó là chiều dày những trang ta viết”. Thế cho nên thời gian xa nhau và khoảng cách xa xôi không còn nghĩa lý gì đối với nhà thơ. Lại một lần nữa, khó tách bạch chung - riêng trong nhà thơ, Tổ quốc là nơi có người yêu dấu, chính vì thế, nhờ tình yêu riêng mà yêu thêm Tổ quốc này. Thời gian với nhà thơ là “những ngày ta sống bên nhau” nhưng cũng là “chiều dài những trang viết” thế cho nên chính vì sự bên nhau ngọt ngào ấy, những trang viết của ông đã để lại những tuyệt tác thơ cho đời…
Dẫu những bài thơ của Lưu Quang Vũ, trong đó có những vần thơ đầy tâm trạng; thế nhưng, người viết bài này xin mượn chính thơ Lưu Quang Vũ để nói hộ lòng ông: “Tôi chẳng muốn kỷ niệm về tôi là một điệu hát buồn: Tôi chọn bài ca của người gieo hạt/ Hôm nay là mầm, mai sẽ là cây/ Khổ đau dẫu nhiều, tôi chọn niềm vui/ Là suối mát lòng tôi gửi bạn/ Một cuộc đời - một bài ca duy nhất/ Tôi chẳng muốn điệu hát buồn là kỷ niệm về tôi…”. Yêu đời, yêu người, những tình yêu lớn đã để lại tình thơ cho đời, những tuyệt tác thơ Lưu Quang Vũ sống mãi với thời gian…
Cẩm Thúy

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.