Lễ chùa an toàn mùa dịch bệnh

Thứ Sáu, 19/02/2021 | 16:01

Theo thời gian, tục lễ chùa đầu xuân đã trở thành nét văn hóa truyền thống của người Việt. Dù tết năm nay tình hình dịch bệnh có những diễn biến mới phức tạp, nhưng thói quen chiêm bái, cầu an năm mới vẫn được nhiều người gìn giữ. Và trong bối cảnh phải sống chung với dịch bệnh, hầu hết người dân đều đi lễ với ý thức trách nhiệm trước sức khỏe, sự an toàn của cộng đồng.

Người dân đeo khẩu trang trong khi dâng hương đầu xuân tại Khu Quán âm Phật đài. Ảnh: H.T

Khác hẳn với tết hàng năm, ai cũng cân nhắc kỹ lưỡng chuyện đi đây, đi đó trong những ngày xuân Tân Sửu, kể cả việc lễ chùa. Cũng vì lẽ đó mà lượng người đến với các cơ sở thờ tự trong những ngày tết, nhất là sau đêm giao thừa cũng bớt đông đúc hơn.

Chị Trần Mỹ Chi (Phường 7, TP. Bạc Liêu) bày tỏ: “Viếng chùa là một nét tín ngưỡng đặc trưng của ngày tết để mọi người tìm đến sự thanh tịnh trong tâm hồn, gửi gắm những ước vọng tốt đẹp, đặc biệt là cầu mong trong năm mới dịch bệnh nhanh chóng qua đi. Do vậy, tục lễ chùa vẫn được nhiều người thực hiện trong mùa dịch. Riêng gia đình tôi, vì sự an toàn nên chỉ đi viếng một vài ngôi chùa nhỏ, vào những thời điểm vắng người”.

Khu Quán âm Phật đài (TP. Bạc Liêu), chùa Hưng Thiện (huyện Vĩnh Lợi) - những địa chỉ tâm linh nổi tiếng luôn chật kín người hành hương dịp tết các năm trước thì nay đã không còn cảnh “biển” người chen chúc. Hay chùa Quan Đế, chùa Địa Mẫu Cung, tịnh xá Ngọc Liên (TP. Bạc Liêu), chùa Giác Hoa (huyện Vĩnh Lợi) cũng chẳng tấp nập phật tử đến cúng bái. Trong sự thưa thớt những người đi hành hương, ai cũng tuân thủ việc đeo khẩu trang, tự giác rửa tay sát khuẩn trước khi vào chùa để tự bảo vệ mình, cũng là bảo vệ người khác.

Anh Quách Minh Hoàng, quê tỉnh An Giang, chia sẻ: “Tuy xứ sở tôi có nhiều cơ sở thờ tự nhưng tết năm nào, gia đình tôi cũng tổ chức hành hương tại Bạc Liêu, bởi nơi đây có chùa Mẹ Nam Hải, chùa Mẹ Đông Hải nổi tiếng linh thiêng. Năm nay, dịch bệnh phức tạp nên thành viên tham gia chuyến đi chỉ có người lớn. Suốt thời gian đi lễ, chúng tôi đều nhắc nhở nhau phải đeo khẩu trang, không chen lấn và giữ khoảng cách với những khu vực đông người”.

Trong khi đa phần người dân đều thể hiện ý thức phòng dịch bệnh thì vẫn còn số ít người, nhất là các bạn trẻ còn tâm lý chủ quan, đứng ngoài cuộc chiến chống dịch. Cụ thể là sau khi chiêm bái xong, nhiều bạn rủ nhau chụp ảnh để lưu lại kỷ niệm, khi đó chiếc khẩu trang trên mặt tạm thời bị quên lãng. N.Đ.K - một 9X có suy nghĩ rằng: “Không đeo khẩu trang một lát cũng chẳng sao, mình không tiếp xúc với người lạ thì dịch bệnh khó lây lan”.

Không chỉ có vậy, vì mê tín nên có người đã dùng nước suối đổ lên đài sen của tượng Quan Thế Âm Bồ Tát rồi dùng tay hứng một ít rửa mặt, với mong muốn được Phật phù hộ mạnh khỏe, bình an. Ngoài ra, đôi lúc vẫn xảy ra tình trạng người người chen nhau chỗ bày biện lễ vật cúng bái, dâng hương khi đi viếng chùa.

Để đảm bảo sức khỏe và an toàn của người dân, ngay từ trước tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, các chùa trên địa bàn tỉnh đã đặt pa-nô tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức cho người dân về thực hiện Thông điệp 5K của Bộ Y tế. Lực lượng an ninh, hệ thống loa cũng liên tục nhắc nhở người đi lễ phải đeo khẩu trang, quy định của Chính phủ về xử phạt hành chính đối với hành vi không đeo khẩu trang. Bên cạnh đó, nhiều chùa cũng đã hủy các nghi lễ tôn giáo, lễ hội văn hóa tâm linh trong dịp đầu năm để phòng ngừa dịch COVID-19.

Nếu đi lễ chùa dịp tết là một nét đẹp văn hóa thì ý thức bảo vệ bản thân, cộng đồng trước dịch bệnh càng làm cho nét văn hóa ấy trở nên đẹp hơn. Chính vì vậy, người dân cần thể hiện mình là một công dân văn minh, có trách nhiệm để cùng nhau góp sức dập tắt làn sóng mới của dịch COVID-19.

HỮU THỌ

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.