Liên hoan Đờn ca tài tử 3 tỉnh Bạc Liêu - Sóc Trăng - Cà Mau lần thứ XIV mở rộng: Ấn tượng với những sáng tác mới

Thứ Hai, 25/11/2019 | 17:16

Đó là nhận định của thạc sĩ - nghệ sĩ ưu tú  Huỳnh Khải, Trưởng Ban giám khảo liên hoan Đờn ca tài tử (ĐCTT) 3 tỉnh Bạc Liêu - Sóc Trăng - Cà Mau lần thứ XIV mở rộng (nằm trong chuỗi hoạt động Tuần Văn hóa - Du lịch Bạc Liêu 2019). Ấn tượng của liên hoan năm nay chính là sự xuất hiện của những bản vọng cổ lời mới.

Tiết mục đoạt giải A cá nhân của đội ĐCTT Bạc Liêu. Ảnh: N.V

Liên hoan quy tụ các đội ĐCTT của tỉnh Bạc Liêu, Sóc Trăng, Cà Mau, Hậu Giang, Kiên Giang, Long An và TP. Hồ Chí Minh. “Ban tổ chức khuyến khích và chấm điểm cao cho những nghệ nhân viết lời mới và ca vọng cổ nhịp 8, nhịp 16; tiết mục độc tấu, hòa tấu 12 câu vọng cổ nhịp 8 hoặc 6 câu vọng cổ nhịp 16. Liên hoan năm nay đã làm rất tốt yêu cầu này, có nhiều sáng tác lời mới hơn lần trước”, ông Văn Công Diệp, Trưởng phòng Quản lý nghiệp vụ (Sở VH-TT-TT&DL Bạc Liêu), Trưởng Ban tổ chức liên hoan, cho biết. Anh Mai Xuân Thưởng, thành viên Câu lạc bộ (CLB) Âm vang Dạ cổ (Bạc Liêu) chia sẻ: “Tôi thích viết lời mới cho vọng cổ. Tôi viết bản vọng cổ nhịp 16 “Trăm năm Dạ cổ hoài lang” vừa để tham dự liên hoan, vừa làm nguồn phục vụ lâu dài cho du khách tham quan. Hy vọng bản vọng cổ này sẽ góp phần để CLB Âm vang Dạ cổ phục vụ du khách tốt hơn”.

Hầu hết các bản vọng cổ, các tiết mục mang đến liên hoan đều là lời mới sáng tác. Anh Trần Thanh Bình, Đội trưởng Đội ĐCTT TP. Hồ Chí Minh, chia sẻ: “Chúng tôi mang đến liên hoan nhiều tiết mục viết lời mới ca ngợi công lao của Hồ Chủ tịch để thế hệ trẻ luôn tự hào về nơi mình sinh ra và lớn lên - thành phố mang tên Bác”. “Với tấm lòng yêu nước thiết tha, và ý chí quật cường giải phóng non sông, được tôi luyện thành thép qua ngàn lửa đạn, Bác Hồ về nước vung cánh tay ngang trời Tổ quốc, kêu gọi nhân dân lớp lớp theo Người…” - những ca từ trong bài vọng cổ nhịp 16 “Việt Nam Hồ Chí Minh” của tác giả Bùi Lê Văn đã gửi gắm tình yêu của người con đất Sài thành dành cho Bác. Nhiều sáng tác mới tại liên hoan ngợi ca quê hương mình, tạo nên sự đa dạng về nội dung lời ca, chẳng hạn như Nguyễn Tiến Dương (đội ĐCTT Cà Mau) tham gia liên hoan bằng bài ca ra bộ lớp Tây Thi với tựa đề “Quê hương khởi sắc” ca ngợi vùng đất Cà Mau: Nhân dân xã mình đang có quyết tâm bảo vệ dòng sông, ao đầm, con rạch. Dòng sông sẽ cho đời vựa cá, vựa tôm. Cùng bắt tay nhau, quyết chí làm giàu. Cà Mau quê ta trở nên giàu đẹp, vùng sâu, vùng xa nhà mọc cao tầng. Xây dựng nông thôn mới ở quê mình…”. Các đội ĐCTT khác cũng có những tiết mục ca ngợi quê hương mình tương tự như thế.

Dù bản Dạ cổ hoài lang đã 100 năm tuổi, nhưng thế hệ trẻ ngày nay vẫn cảm thụ được giá trị trong từng lời ca. Trần Thị Mỹ Dung (đội ĐCTT Long An) bày tỏ: “Khi được chọn biểu diễn bản Dạ cổ hoài lang, tôi vừa hạnh phúc nhưng cũng vừa lo lắng. Bởi đây là ca khúc bất hủ được nhiều nghệ sĩ biểu diễn quá thành công. Vì vậy, tôi đã nghiên cứu rất nhiều để hoàn thành bài ca một cách trọn vẹn nhất”.

Đánh giá chất lượng của liên hoan, thạc sĩ - nghệ sĩ ưu tú Huỳnh Khải nhận định: “Lời ca, ngón đờn của các thí sinh rất tuyệt. Chúng tôi nhận thấy các bạn dành tâm huyết cho nghệ thuật ĐCTT rất nhiều. Tuy nhiên, cần có sự gắn kết trong biểu diễn hơn, tài tử đờn cần hiểu tâm tính bạn diễn nhiều hơn thì ngón đờn mới “đúng rơ” với câu ca được. Tôi chú ý nhiều thí sinh có tuổi đời rất trẻ nhưng giọng ca lại rất chững chạc. Điều này rất đáng mừng khi chúng ta đang ươm mầm tài năng đúng hướng, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật ĐCTT Nam bộ”.

Liên hoan khép lại, dấu ấn đậm nét vẫn là tình yêu dành cho nghệ thuật ĐCTT ở các thí sinh tham gia. Sự cháy hết mình trên sân khấu trong từng tiết mục, những tiếng đờn hòa quyện cùng lời ca thấm đẫm ân tình… cho thấy giá trị của ĐCTT nghệ thuật đang được giữ gìn, tiếp nối qua các thế hệ.

Ngọc Trân

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.