Liên kết - chìa khóa phát triển bền vững du lịch ĐBSCL và TP. Hồ Chí Minh

Thứ Tư, 11/09/2019 | 16:24

Theo tinh thần Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị, Việt Nam sẽ phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Cùng với cả nước, ĐBSCL đã ra sức khai thác tiềm năng và lợi thế của mình để xây dựng hệ thống sản phẩm du lịch mang thương hiệu, đặc thù miệt sông nước Cửu Long. Tuy nhiên, dù là vùng có dư địa ngành “công nghiệp không khói” rất phong phú và giàu có nhưng tốc độ phát triển du lịch của đất Chín Rồng còn khá chậm và xếp hạng thấp nhất cả nước. Để giải bài toán phát triển bền vững du lịch vùng, ĐBSCL đã chọn TP. Hồ Chí Minh là đối tác hợp lực với khát vọng đưa du lịch 14 tỉnh, thành phố “cất cánh”.

>> Bài 1: Chưa biến ưu thế thành lợi thế phát triển

Bài cuối: Kỳ vọng từ quyết sách liên kết

ĐBSCL đang chịu sức ép lớn từ sự cạnh tranh gay gắt của các vùng trong cả nước, cùng sự tác động của quá trình biến đổi khí hậu đến phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là lĩnh vực du lịch. Do đó, liên kết trở thành vấn đề mang tính sống còn, là chìa khóa để vùng hóa giải bài toán phát triển bền vững ngành “công nghiệp không khói”. Quyết sách liên kết cùng TP. Hồ Chí Minh đã được ĐBSCL thiết lập, với khát vọng và kỳ vọng giúp du lịch 14 tỉnh, thành tạo ra sự bứt phá mới.

Lãnh đạo Chính phủ, TP. Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành phố ĐBSCL chúc mừng thành công lễ ký kết liên kết phát triển bền vững lĩnh vực du lịch. Ảnh: H.T

ĐỐI TÁC CHIẾN LƯỢC

Đầy tâm huyết và trách nhiệm vì sự phát triển ĐBSCL là động lực thôi thúc lãnh đạo 13 tỉnh, thành phố ĐBSCL và TP. Hồ Chí Minh cùng ngồi lại bàn giải pháp cho ngành “công nghiệp không khói”. Dù không tương đồng về tiềm năng và lợi thế, song 14 địa phương đã “xích lại” gần nhau để hướng đến mục tiêu, lý tưởng chung. Đó là hợp lực đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, tiến tới trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo đường hướng chỉ đạo của Bộ Chính trị.

Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh - Nguyễn Thiện Nhân quả quyết: “TP. Hồ Chí Minh đã xác định là đối tác phát triển của ĐBSCL. Di sản văn hóa, tiềm năng thiên nhiên của các địa phương ĐBSCL nhiều và phong phú hơn TP. Hồ Chí Minh nên việc kết hợp được lợi thế này sẽ tạo sự thay đổi, thúc đẩy phát triển du lịch cho cả 14 địa phương. Sự hợp tác không chỉ cho chính TP. Hồ Chí Minh mà còn là trách nhiệm của thành phố đối với ĐBSCL”.

Hợp tác với “Hòn ngọc Viễn Đông” là bước đi khôn ngoan, cơ hội quý hơn vàng của du lịch châu thổ Cửu Long. Bởi, thành phố mang tên Bác vốn là một trong những trung tâm kinh tế lớn nhất nước, còn là thị trường chính cung cấp khách nội địa và khách quốc tế về đất Chín Rồng. Do đó, cái lợi của ĐBSCL là được tăng nguồn khách và nguồn thu du lịch, đặc biệt là được chia sẻ những tiện ích của xu thế phát triển du lịch bằng công nghệ thông minh; còn cái được với thành phố là làm “mềm mượt” không gian du lịch đô thị vốn “khô khan”, nhất là trong bối cảnh du lịch thế giới đang hướng đến nền du lịch xanh - loại hình mà thiên nhiên đã hào phóng ban tặng cho miệt Cửu Long.

XÂY DỰNG THƯƠNG HIỆU VÙNG

Sau khi thiết lập liên kết, việc cần bắt tay làm ngay là phải xây dựng cho bằng được thương hiệu du lịch vùng. Sở dĩ, du lịch ĐBSCL đã qua chưa có vị thế xứng đáng là do không khẳng định được bản sắc riêng. Sự mờ nhạt, chung chung khi nhắc đến du lịch Cửu Long khiến vùng này thiếu sức hút, chưa là lựa chọn ưu tiên của du khách.

Lãnh đạo các địa phương thừa nhận rằng, cái thiếu của vùng là chiến lược quảng bá điểm đến. Chiến dịch truyền thông dù được thực hiện nhiều nhưng còn riêng lẻ, đủ màu sắc nhưng không rõ nét. Bởi thế mà miền Tây Nam bộ khó tạo ấn tượng cho du khách, nhất là du khách nước ngoài. “Bên cạnh khẩu hiệu riêng, cần có một thương hiệu chung cho toàn vùng. Chẳng hạn như: “Khám phá phương Nam”, “Hương sắc Cửu Long”… để nhắc nhớ, gây thương nhớ trong du khách về du lịch vùng” - ông Micheal Satzger, đại diện Công ty Roland Berger Việt Nam, gợi ý.

Xây dựng thương hiệu du lịch cần có chiến lược, lộ trình bài bản, nhưng quan trọng nhất là  tính toán rõ đâu là thế mạnh, giá trị cốt lõi của du lịch ĐBSCL. Sẽ cần có thêm thời gian để các địa phương nhận diện, đưa ra thương hiệu cho vùng dựa trên phương pháp “đãi cát tìm vàng”, hệ thống và cô đọng lại tinh hoa sản phẩm du lịch Cửu Long. Làm được việc này không dễ dàng, song sẽ có lợi về nhiều mặt, nhất là thuận lợi cho các địa phương trong xúc tiến, quảng bá và mở ra nhiều cơ hội hợp tác, thu hút đầu tư du lịch.

CHÌA KHÓA CHO PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

Tại diễn đàn liên kết phát triển bền vững du lịch ĐBSCL và TP. Hồ Chí Minh, Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu - Nguyễn Quang Dương khẳng định: “Liên kết kinh tế, nhất là về du lịch nội vùng và giữa các vùng, thậm chí là liên kết kinh tế quốc tế trở thành xu thế tất yếu và ngày càng trở nên cấp bách để nâng cao sức cạnh tranh trong nền kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế”. Thống nhất với lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu, các địa phương cũng đồng quan điểm “muốn đi xa phải đi cùng nhau”.

Sau khi chính thức liên kết, trọng trách đặt lên vai du lịch ĐBSCL và TP. Hồ Chí Minh là không hề đơn giản. Quyết tâm, khát vọng đã được tỏ rõ, vấn đề quan trọng là làm thế nào để hiện thực hóa thành hành động, chiến lược cụ thể và hiệu quả. Nhiều giải pháp mang tính gợi mở, hiến kế đã được đưa ra trong diễn đàn. Đó là xây dựng và ký kết chiến lược liên kết để làm rõ sản phẩm đặc trưng của từng địa phương; hình thành các sản phẩm liên vùng, các chương trình du lịch đặc trưng kết nối TP. Hồ Chí Minh với ĐBSCL nhằm giải bài toán trùng lắp sản phẩm; tăng cường thu hút những doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp đầu đàn đầu tư đồng bộ vào cơ sở hạ tầng, giao thông, phát triển sản phẩm, dịch vụ du lịch cho các địa phương, nhất là địa phương trọng điểm…

Phía Bạc Liêu cũng đề nghị thành lập ban chỉ đạo phát triển du lịch. Ban này gồm Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh và Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy các tỉnh, thành phố trong vùng. Điều này giúp các địa phương nhập cuộc với tinh thần quyết liệt và quyết tâm chính trị lớn hơn. Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu tin tưởng rằng, những kiến nghị, đề xuất của diễn đàn có ý nghĩa thiết thực đối với phát triển kinh tế du lịch của Bạc Liêu, các địa phương trong vùng và cả TP. Hồ Chí Minh.

Sự liên kết đã được “kích hoạt” mở ra tương lai tươi sáng hơn cho du lịch ĐBSCL và TP. Hồ Chí Minh. Nếu biết tận dụng cơ hội và phát huy sức mạnh liên kết, đây sẽ là chìa khóa để “ngành công nghiệp không khói” vùng đất Chín Rồng và “Hòn ngọc Viễn Đông” hướng đến sự phát triển bền vững. Sự kỳ vọng này có niềm tin và cơ sở, như lời đánh giá của Phó Thủ tướng Chính phủ - Vũ Đức Đam: “Sự liên kết này rất đúng và mang tính thời sự, là sự liên kết mang tính bền vững, rất cần thiết và đầy hứa hẹn”.

HỮU THỌ

13 tỉnh, thành phố của ĐBSCL và TP. Hồ Chí Minh đã cùng thực hiện hành động chung đầu tiên là kêu gọi đầu tư cho 179 dự án vào cơ sở hạ tầng văn hóa, thể thao, du lịch và giải trí. Trong đó nổi bật là TP. Hồ Chí Minh có 51 dự án, An Giang có 24 dự án, Bạc Liêu có 20 dự án…  với tổng số vốn 193.691 tỷ đồng.

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.